"Dát vàng" phim Việt

KIM VÂN| 01/05/2013 07:03

Chuyên biệt hóa các khung giờ phim, chọn nhà sản xuất có uy tín, năng lực để hợp tác là một số biện pháp mà Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) đang đẩy mạnh...

Chuyên biệt hóa các khung giờ phim, chọn nhà sản xuất có uy tín, năng lực để hợp tác là một số biện pháp mà Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) đang đẩy mạnh nhằm cải thiện chất lượng phim truyền hình Việt, trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng từ sự nở rộ của các đài truyền hình mới.

Đọc E-paper

Túm cổ đại gia

Giờ vàng cho đối tác "vàng"

Ngày 17/4, HTV9 công bố khung giờ phim Việt mới vào lúc 22 giờ mỗi đêm. Theo bà Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Khai thác phim truyện của HTV, tuy nói là khung giờ mới nhưng thực ra là "bình cũ rượu mới".

Khung giờ này đã tồn tại từ lâu, điểm mới nằm ở chỗ HTV đã chọn ra 3 đối tác cung cấp phim gồm Vietcomfilm, Sóng Vàng và Senafilm. Đại diện của HTV giải thích, sản phẩm của 3 hãng phim này có chất lượng và tương đối đồng đều.

"Cũng có những hãng sản xuất phim tốt nhưng lại không ổn định về chất lượng, dẫn đến việc có thể phim trước đang thu hút rất đông khán giả nhưng phim sau số lượng bạn xem đài (rating) lại rớt thảm hại. Mà để kéo khán giả trở lại là điều không hề dễ dàng", bà Sơn nói.

Với cái bắt tay này, HTV mong muốn sẽ tăng thiện cảm với khán giả nhờ vào những bộ phim hay, khán giả sẽ chờ đợi mỗi ngày để được xem phim vào lúc 22 giờ.

Khung 22 giờ sẽ tập trung cho dòng phim tâm lý, tình cảm, gia đình, với đề tài gần gũi và dễ xem cho cả nhà trước giờ đi ngủ. Ba bộ phim được chọn mở màn cho "rượu mới" là Túm cổ đại gia (Vietcomfilm, đạo diễn Nguyễn Quang Minh), Chạy trốn tình yêu (Sóng Vàng, đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà) và Vợ của chồng tôi (Senafilm, đạo diễn Việt Trinh).

Cả ba hứa hẹn sẽ thu hút nhờ vào nội dung câu chuyện nhẹ nhàng, hài hước cùng dàn diễn viên trẻ trung như Tường Vi, Minh Luân, Phùng Ngọc Huy..., từng khẳng định khả năng của mình qua nhiều vai diễn trước đó.

Trước ý kiến cho rằng tại sao không tăng cường chiếu các phim lịch sử, phim thiếu nhi vốn rất ít được đầu tư, bà Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng, giải thích, phim lịch sử và chính luận hiện đã có khung giờ riêng vào lúc 17 giờ 15 mỗi ngày trên HTV9.

"Hơn nữa, dòng phim này đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn, đài đã giao hẳn cho TFS đảm trách", bà Liên nói. Còn đối với phim thiếu nhi, thời điểm 22 giờ theo bà là không thích hợp cho các khán giả nhí, do hầu hết đã đi ngủ.

Chia sẻ điều này, bà Châu Thổ, Giám đốc Senefilm, nhận định: "Đài hiện đang chuyên biệt hóa các dòng phim. Khung giờ nào sẽ chiếu thể loại phim đó. Cũng giống như thay vì bạn vào một nhà hàng và gọi các món khác nhau nhưng không món nào ngon, thì bạn có thể đến từng nhà hàng chuyên biệt nếu bạn muốn ăn chay hay ăn hải sản".

Tuy nhiên, việc chọn ra 3 đối tác cũng đồng nghĩa với việc phim của các hãng khác không còn "cửa" chen chân vào khung giờ này. Bà Trường Sơn khẳng định: "Chỉ cần phim hay, chúng tôi có thể sắp xếp vào các khung giờ khác.

Còn riêng với khung 22 giờ, một khi đã ký thỏa thuận, chúng tôi sẽ phải đảm bảo tôn trọng một số cam kết nhất định. Chỉ trong trường hợp chất lượng phim đi xuống, rating giảm, lúc đó chúng tôi sẽ xem xét lại sau một năm hợp tác".

Nhóm làm phim Vợ của chồng tôi

Liệu phim có "vàng"?

Việc đổi mới, nâng cấp phim Việt, theo Trưởng Ban Khai thác phim truyện HTV, bắt nguồn từ nhu cầu thực tiễn nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khán giả.

Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh giữa các kênh phim Việt đang ngày một gia tăng trong thời gian qua, trước sự nở rộ của các kênh phim mới.

Trước đây, phim Việt giờ vàng trên VTV, HTV luôn giữ thế thượng phong thì ngày nay, kênh nào, đài nào cũng có "phim Việt giờ vàng" với chủ đề, cốt truyện na ná nhau.

Vốn là công ty chuyên cung cấp kịch bản cho các nhà sản xuất, Senafilm được HTV lựa chọn. Bà Châu Thổ, Giám đốc Công ty Senafilm, chia sẻ: "Hồi còn là công ty chuyên cung cấp kịch bản, chúng tôi cứ nghĩ sản xuất phim là "ngon ăn" lắm. Đến khi bước vào làm mới thấy không đơn giản. Với một nguồn kinh phí hạn chế, chúng tôi còn phải đối mặt với những ràng buộc, yêu cầu về chất lượng, về thời gian, về áp lực khán giả”.

Áp lực đó giờ đây càng lớn hơn khi phải tìm cách tạo cho mình nét riêng mới để có chỗ đứng trong lòng công chúng.

"Nếu có ai nghĩ rằng việc HTV chỉ hợp tác với 3 công ty sẽ làm chất lượng phim giảm thì các bạn không phải lo. Nếu chất lượng giảm, khán giả quay lưng thì chính chúng tôi sẽ chết trước", bà Châu Thổ khẳng định.

Theo bà Bảo Trâm, Giám đốc Vietcomfilm, trở thành đối tác chính của HTV là có sự song hành giữa quyền lợi và trách nhiệm. Vietcomfilm trong giai đoạn tới sẽ chú trọng nhiều hơn đến chất lượng phim, bao gồm kịch bản, đạo diễn và diễn viên.

Về kịch bản, ngoài đối tác cũ, sẽ mở rộng mạng lưới để tiếp cận nguồn kịch bản từ bên ngoài. Cùng lúc, công ty sẽ tự tổ chức đội ngũ sáng tác kịch bản để có thể chủ động hơn.

Về đạo diễn, bà Trâm khẳng định chọn đạo diễn là khâu quan trọng nhất. Công ty sẽ chọn đạo diễn dựa theo thế mạnh của họ trong từng lĩnh vực mà không kể đến việc đạo diễn đó đã từng hợp tác với mình hay chưa.

Đặc biệt, đạo diễn phải có mặt ngay từ khâu tổ chức kịch bản nhằm khai thác tối ưu thế mạnh từ hai phía. Về diễn viên, đó vẫn là những gương mặt được khán giả yêu quý và ủng hộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Dát vàng" phim Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO