Còn những ước mơ của người xa quê

HOÀNG YẾN| 08/04/2010 06:46

Nhìn lại, nếu không có sự xuất hiện của đội ngũ đạo diễn Việt kiều, có lẽ, phải mất nhiều thời gian hơn, điện ảnh Việt Nam được người nước ngoài biết đến.

Còn những ước mơ của người xa quê

Nhìn lại, nếu không có sự xuất hiện của đội ngũ đạo diễn Việt kiều, có lẽ, phải mất nhiều thời gian hơn, điện ảnh Việt Nam được người nước ngoài biết đến.Phim của các nhà làm phim Việt kiều góp phần tạo cho điện ảnh Việt Nam một không khí mới, làm tăng sức hấp dẫn cho các cuộc tranh tài trong nước.

Ghi dấu ấn

Được coi là bất ngờ nhất của giải Cánh diều Vàng vừa qua, bộ phim 14 ngày phép (Hãng phim Chánh Phương) của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Trọng Khoa đoạt Cánh diều Bạc và ba giải thưởng khá quan trọng dành cho biên kịch, nam diễn viên chính và phụ xuất sắc nhất. Nhìn lại, nếu không có sự xuất hiện của đội ngũ đạo diễn Việt kiều, có lẽ, phải mất nhiều thời gian hơn, điện ảnh Việt Nam được người nước ngoài biết đến.

Phim Hạt mua rơi bao lâu - Đạo diễn: Đoàn Minh Phương

Theo đạo diễn Đặng Nhật Minh, đã có khá nhiều thế hệ đạo diễn Việt kiều làm phim về Việt Nam. Từ năm 1980, đạo diễn Lê Lâm với phim ngắn Long Vân Khánh Hội thực hiện tại Pháp đã được giới thiệu trong chương trình Triển vọng của điện ảnh Pháp tại Liên hoan phim Cannes năm đó.

Những cái tên như Nguyễn Võ Nghiêm Minh với Mùa len trâu, Hồ Quang Minh với Trang giấy trắng, Con thú tật nguyền, Bụi hồng, Thời xa vắng... là thế hệ thứ hai. Họ đều rời Việt Nam khi đã trưởng thành. Thế hệ tiếp theo là Trần Anh Hùng, Tony Bùi... lại có tuổi thơ gắn bó với Việt Nam, rồi theo gia đình sinh sống ở nước ngoài. Trong đó, Trần Anh Hùng đã làm chấn động khán giả Pháp và Việt Nam với bộ phim đầu tay Mùi đu đủ xanh. Năm 1995, Trần Anh Hùng trở về Việt Nam làm phim Xích lô. Năm 1999, đạo diễn này thực hiện bộ phim thứ ba, cũng tại Việt Nam, là Mùa hè chiều thẳng đứng.

Tiếp nối bước chân của cha anh, thế hệ đạo diễn ở lứa tuổi 7X, 8X, 9X sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, được bố mẹ cho theo đuổi nghề điện ảnh ngày càng nhiều như: Nguyễn Nghiêm Đặng Tuấn, Lê Quang Vinh và Vương Quang Hùng... Họ được đào tạo bài bản ở nước ngoài và liên tục về nước làm phim nên tác phẩm ít nhiều gây được dấu ấn, cả ở các giải thưởng trong nước và nước ngoài. Có thể kể đến Charlie Trực Nguyễn (Dòng máu anh hùng, Chuyện nhà tôi), Victor Vũ (Chuyện tình xa xứ), Vũ Trọng Khoa (14 ngày phép)... Thông tỏ thị trường điện ảnh nước ngoài, đội ngũ đạo diễn trẻ này mạnh dạn mang tác phẩm của mình ra rạp ngoại.

Tuy bị khá nhiều đánh giá là cách nhìn nhận và phản ánh hiện thực không đúng với thực tế và đời sống trong nước, nhưng đã có khá nhiều tác phẩm của đạo diễn nước ngoài thành công về mặt giải thưởng. Tại một cuộc hội thảo do Viện Phim Việt Nam tổ chức, ông Trần Luân Kim, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhận định: “Tư duy sáng tác và nghệ thuật biểu hiện của các đạo diễn đều đạt một mức độ mà giới nghề nghiệp điện ảnh quốc tế phải công nhận”.

Khó khăn trăm bề

“Việt kiều về nước làm phim đã có những tác động nhất định với điện ảnh trong nước”, NSƯT, đạo diễn Phi Tiến Sơn khẳng định. Theo ông Phi Tiến Sơn, những bộ phim của đạo diễn xa xứ góp phần làm cho người nước ngoài hiểu về một Việt Nam với nền văn hóa đầy bản sắc chứ không chỉ là một đất nước của chiến tranh. Có thể những phản ánh về văn hóa, lối sống... trong các phim này chưa “tới” nhưng đã ít nhiều đã gây được ấn tượng với khán giả nước ngoài.

Phim Dòng máu anh hùng - Đạo diễn Charlie Trực Nguyễn

Tuy nhiên, việc thực hiện tác phẩm của đạo diễn Việt kiều tại Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn. Nhất là việc thấp thỏm chờ đợi xin giấy phép. Hầu hết các đạo diễn sống ở nước ngoài về nước làm phim, nếu không thông qua các đơn vị làm dịch vụ trong nước mà tự liên hệ làm phim thì cũng phải qua “cò”. Chỉ quay một phim ngắn nhưng chi phí bỏ ra xin giấy phép lên tới 3.000 - 4.000USD. “Nếu không thiết tha với điện ảnh nước nhà hay với quê nhà và không... kiên trì thì chúng tôi đã bỏ cuộc từ lâu. Chúng tôi không ngờ về nước làm phim lại gặp khó khăn ngay từ khâu xin phép”, một nhà làm phim Việt kiều thú thật.

Bên cạnh đó, áp lực về chuyện tài chính còn khó khăn hơn. “Không ít anh em nghệ sĩ quan niệm cát- sê đóng phim của Việt kiều phải khác phim trong nước. Tôi còn nhớ, tôi mời anh L.T tham gia với mức tiền công tương đương các phim Việt Nam trả cho diễn viên trong nước. Anh đề nghị mức cao hơn, tôi không thể thuyết phục nhà sản xuất nên đành phải mời người khác.

Thực tế, Việt kiều đi xin tiền làm phim nên dự án của họ cũng trong tình trạng kinh phí eo hẹp chứ không như các dự án phim 100% vốn nước ngoài”, đạo diễn Hồ Quang Minh chia sẻ. Anh kể, có lúc anh bị sức ép từ phía các cộng sự Việt Nam và rơi vào trạng thái cực kỳ căng thẳng. Phim quay gần xong, diễn viên không tiếp tục hợp tác, cứ làm mình làm mẩy. Tương tự, khi quay Thời xa vắng, đi được nửa chặng đường, vị đạo diễn này không còn trợ lý và phó đạo diễn. Đạo diễn Việt Linh thuở ra Bắc làm Mê Thảo - Thời vang bóng cũng gặp nhiều khó khăn vì diễn viên không hợp tác.

Vừa khó, vừa khổ... khiến chuyện về nước làm phim đang được các đạo diễn Việt kiều cân nhắc. Người tìm đường đi khác, người lại chọn cách “đóng đô” để trở thành “người nhà”. Nữ đạo diễn của Hạt mưa rơi bao lâu Đoàn Minh Phượng, người quyết định ở lại Việt Nam làm nghề chia sẻ, Việt kiều, nếu được mọi người thôi xét nét yếu tố bên ngoài, được công nhận ngang hàng với công dân trong nước, chắc chắn, với tinh thần quý trọng nguồn cội như hiện tại, họ sẽ còn đóng góp cho điện ảnh nước nhà nhiều hơn nữa. Đáng tiếc, vấn đề này vẫn chỉ là ước mơ của những người xa quê, về nước làm nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Còn những ước mơ của người xa quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO