Có thể là những “thước phim vàng ” cuối cùng

BÍCH HỒNG| 31/07/2009 08:06

Văn hóa Tây Nguyên là một tài sản lớn để VN có thể đóng góp cho thế giới, cưỡng chế nền văn hóa đó là không đúng, hoặc nếu nhìn lệch lạc sẽ dễ bị đổ vỡ.

Có thể là những “thước phim vàng ” cuối cùng

Văn hóa Tây Nguyên là một tài sản lớn để VN có thể đóng góp cho thế giới, cưỡng chế nền văn hóa đó là không đúng, hoặc nếu nhìn lệch lạc sẽ dễ bị đổ vỡ.

Kể từ ngày 10/7, trên kênh VTV1 đã khởi chiếu bộ phim tài liệu 36 tập với tựa đề Tây Nguyên miền mơ tưởng. Qua tập phim này, những nét độc đáo riêng của từng vùng sinh thái, từng tộc người, nhất là các tộc người bản địa, đã đến với người xem: người Châu ở sườn núi Ngọc Linh, người Brâu ở ngã ba Đông Dương, người Xê Đăng ở vùng cao Kontum, người Mạ ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Sinh thái, khí hậu cũng có sự khác nhau giữa cao nguyên Kontum phía cực Bắc với cao nguyên Lâm Viên, Di Linh phía cực Nam.

Tổng đạo diễn Đoàn Huy Giao (phải)

Khán giả cùng đoàn làm phim luồn sâu vào thung lũng Mường Hoong - Dak Chưng, Tumơrông mịt mù mây quanh chân núi Ngọc Linh vời vợi để tham dự một đêm lửa rừng với người Xơ teng; hoặc lang thang trên những đồi cỏ đuôi chồn, những thác nước cao ngất trời đổ xuống dòng Sê San trước khi nhập vào sông Mê Kông. Hoặc không gian sinh thái rừng Kon Ka Kinh, Chư Mom Ray khác với rừng Lâm Đồng, Cát Tiên... Người xem còn gặp lại hình ảnh những nhân vật nổi tiếng, những thủ lĩnh Xăm Brăm, cha đẻ chữ viết Giarai Nay der, anh hùng Núp. Những thay đổi dữ dội của Tây Nguyên được đề cập bắt nguồn từ làn sóng nhập cư đến khai phá lập nghiệp. Làn sóng nhập cư lên Tây Nguyên như một cơn sóng thần, không gì cưỡng nổi. Nó làm cho văn hóa rừng của Tây Nguyên rã ra, sụp đổ chăng, hay sức mạnh của nền văn hóa bản địa sẽ chứng minh sự bền vững của nó trong quá trình khai thác Tây Nguyên quá mức?

Trả lời những câu hỏi của phóng viên Doanh Nhân Sài Gòn, Tổng đạo diễn Đoàn Huy Giao nói: “Trong phim ít có lễ hội, những nét đặc sắc nhất của văn hóa bản địa, vì quan điểm của chúng tôi lễ phải là lễ thật, không dàn dựng. Chúng tôi không đến các bản làng bỏ kinh phí dàn dựng những lễ đâm trâu giả để quay và trình bày cho người xem theo cách chơi trò văn hóa như kiểu chúng ta thường làm khi tổ chức lễ hội các dân tộc Tây Nguyên. Phim tập trung khai thác văn hóa bản địa vẫn còn đậm nét trong cách ứng xử của con người với thiên nhiên, trong cách họ kiếm miếng ăn hàng ngày, dựa vào sự ban tặng hào phóng của tự nhiên. Những gì người xem thấy, là “vàng ròng” văn hóa bản địa còn lại, chưa bị lai tạp, chưa bị vứt bỏ. Vàng ròng đó được bảo chứng bởi nhân vật dẫn chuyện đều là các chuyên gia có hàng chục năm nghiên cứu về vùng đó, vấn đề đó. Cái gì đã thay đổi thì mình vẫn phải làm đúng sự thực. Xưa nay ai thấy cây gươm cầu mưa của các vua Lửa giấu trong hang đá? Chúng tôi đã được con cháu vua Lửa cho quay những bí ẩn linh thiêng nhất.

Hồi trước không thiếu những chàng trai ngực nở vồng, đùi thon, phụ nữ ngực căng tròn, nhưng bây giờ hiếm lắm. Chúng tôi rất vất vả khi tìm con người tiêu biểu nhân chủng học. Người Pháp họ tôn trọng văn hóa bản địa, có chính sách giúp người bản địa giữ gìn tập tục văn hóa. Sau năm 1954 và đặc biệt là sau năm 1975, không gian văn hóa sụp đổ, bị biến dạng do người các nơi kéo đến khai thác Tây Nguyên quá mức. Có những bản làng mới quay phim đầu năm, cuối năm trở lại đã thay đổi nhà cửa, đồ đạc, lối sống cũ chẳng còn bao nhiêu. Chúng tôi luôn bị cảm giác chậm chân, bỏ sót ám ảnh.

Người Gia Rai không ăn trứng gà do triết lý về cuộc sống của họ, trứng gà nở ra con gà, họ không đánh bắt trong mùa cá đẻ. Phim ảnh không thể biểu đạt hết chiều sâu đó, chúng tôi chỉ suy nghĩ chính sách cho Tây Nguyên giống vùng khác là không đúng, phải thấu đạt triết lý sống hài hòa với rừng của các tộc người bản địa.

Chúng tôi muốn nói rất nhiều về Tây Nguyên, về thủy điện, về bô-xít để bộ phim có thể đi cùng một nhịp với đời sống thực của TN hôm nay. Rất tiếc là chưa có điều kiện làm hết. Đoàn lưu trữ hàng nghìn thước phim tư liệu chưa thể đưa lên màn ảnh. Ví dụ cách đây rất lâu, chúng tôi ghi được hình ảnh nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn vứt cái rựa không cho người ta phá rừng làm rẫy thời kỳ phát động kinh tế mới. Đó là sự nhạy cảm của một cá nhân lãnh đạo. Tây Nguyên dứt khoát phải phát triển kinh tế, nhưng hãy có chính sách tốt giúp các dân tộc ở đây được sống trong môi trường văn hóa gốc. Ông Condominas, nhà dân tộc học nổi tiếng cho rằng: Văn hóa Tây Nguyên là một tài sản lớn để VN có thể đóng góp cho thế giới, cưỡng chế nền văn hóa đó là không đúng, hoặc nếu nhìn lệch lạc sẽ dễ bị đổ vỡ. Tôi mong là bộ phim truyền tải được thông điệp này”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có thể là những “thước phim vàng ” cuối cùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO