Carmen - Vở nhạc kịch của tự do

HOÀNG DUNG| 19/11/2015 06:54

Trong nỗ lực mang những tác phẩm nổi tiếng thế giới đến Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng - Vũ kịch TP.HCM lần thứ hai công diễn vở nhạc kịch Carmen do nhạc trưởng người Pháp Patrick Souillot chỉ huy và dàn dựng.

Carmen - Vở nhạc kịch của tự do

Trong nỗ lực mang những tác phẩm nổi tiếng thế giới đến Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng - Vũ kịch TP.HCM lần thứ hai công diễn vở nhạc kịch Carmen do nhạc trưởng người Pháp Patrick Souillot chỉ huy và dàn dựng, hai nghệ sĩ người Pháp Sophie Leleu và Oliver Trommenschlager đảm nhận hai vai chính, kết hợp với các nghệ sĩ tên tuổi của HBSO. Được đầu tư hết sức kỹ càng cho phần âm nhạc, vở diễn được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Đọc E-paper

Carmen khi công diễn tại Nhà hát Boston (nguồn: blo.org)

Lấy bối cảnh vào những năm 30 của hế kỷ XIX, tại Seville, Tây Ban Nha, Carmen bắt đầu bằng câu chuyện về Don José, một sĩ quan chất phác, bị vẻ xinh đẹp, hoang dại và bốc lửa của cô gái Digan Carmen quyến rũ.

Vướng vào tình yêu với Carmen, Don José đã chối bỏ lời hẹn ước với người yêu tại quê nhà, lao theo cuộc sống ngoài pháp luật (người Digan không được luật pháp thừa nhận và bị coi thường), rời bỏ quân ngũ.

Nhưng, với trái tim hoang dã, tính tình phóng khoáng, yêu tự do, khi gặp người hùng đấu bò Escamillo hào hoa và tiếng tăm lẫy lừng, Carmen nhanh chóng rũ bỏ tình yêu với Don José. Và nàng đã phải trả giá cho tình yêu, cho sự lựa chọn của mình bằng chính cái chết do sự ghen tuông của Don José gây ra.

Carmen được xây dựng dựa theo tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 1845 của nhà văn Pháp Prosper Mérimée, Henri Meilhac và Ludovic Halévy đảm đương phần lời, Georges Bizet soạn nhạc. Thế nhưng, tư tưởng tự do quá táo bạo như câu nói của Carmen: "Free I was born, and free I shall die!" (Tôi sinh ra trong tự do và sẽ chết trong tự do) đã khiến vở diễn vấp phải sự chỉ trích kịch liệt của các nhà phê bình, sự ghẻ lạnh của chính khán giả quê nhà.

Aldolphe de Leaven, Giám đốc Nhà hát Opéra Comique, nơi công diễn Carmen đầu tiên, cho rằng nội dung vở quá suồng sã, không phù hợp với một nhà hát gia đình và chắc chắn sẽ làm khán giả hoảng sợ. Halévy cam kết giảm nhẹ nội dung câu chuyện nhưng tình hình vẫn không khả quan. Mặc dù không bị rút khỏi Nhà hát sau 4, 5 đêm diễn đầu tiên nhưng sau 48 buổi diễn, vở vẫn không mang lại nhiều doanh thu cho Nhà hát.

Việc ca ngợi một cô gái Digan được cho là dễ dãi, lẳng lơ, những đặc trưng của văn hóa Tây Ban Nha thời kỳ đó như đấu bò, thế giới ngầm của buôn lậu, đời sống du mục, văn hóa dân gian, quân đội... được âm nhạc lột tả hết sức ấn tượng, việc phá vỡ cấu trúc nền tảng opéra, đưa hiện thực khốc liệt vào thảm nhung của sân khấu khiến xã hội Pháp thời đó bị sốc.

Vì quá đau buồn, Georges Bizet đã đột ngột qua đời sau buổi diễn thứ 30, ở tuổi 37 và không có cơ hội chứng kiến Carmen được đón nhận rộng khắp chỉ ít lâu sau đó. Tháng 10/1873, Carmen được mang sang công diễn tại Vienna, Áo và đã tạo một cơn địa chấn chưa từng thấy trong giới opéra.

Từ đó, Carmen được dịch ra nhiều ngôn ngữ và trở thành một trong những vở nhạc kịch được công diễn nhiều nhất trên thế giới. Tại Nhà hát Opéra Comique, Carmen đã đạt tới 2.271 đêm diễn vào năm 1938, khi kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bizet. Riêng Nhà hát New York Metropolitan Opera đã đạt tới 1.000 đêm diễn vào năm 2011. Không những vậy, với âm nhạc quyến rũ và kịch tính, Carmen còn được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như ballet, tổ khúc giao hưởng, thậm chí được dựng thành phim ca nhạc. 

>Nhạc kịch Đức tìm khán giả Việt

>Nhạc kịch Broadway: Cũ người, mới ta

>Nghệ sĩ Việt trên sân khấu Broadway

>Bục giảng lót đường đến sân khấu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Carmen - Vở nhạc kịch của tự do
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO