Biên giới đã tự mở cho nghệ sĩ

HỒNG BÍCH| 21/04/2016 00:06

Đọc tin có người đẹp phải đối diện với mức phạt hành chính do đi thi hoa hậu quốc tế chui, tôi cứ thắc mắc tại sao cô ấy phải đi thi bằng con đường chính thống, mà không thể đi với tư cách cá nhân?

Biên giới đã tự mở cho nghệ sĩ

Đọc tin có người đẹp phải đối diện với mức phạt hành chính do đi thi hoa hậu quốc tế chui, tôi cứ thắc mắc tại sao cô ấy phải đi thi bằng con đường chính thống, mà không thể đi với tư cách cá nhân? Trong khi đó, nghệ thuật, một lĩnh vực mà tầm quan trọng không thua kém gì một cuộc thi nhan sắc, từ lâu biên giới đã mở toang cửa cho các nghệ sĩ.

Đọc E-paper

Nữ đạo diễn Đoàn Hồng Lê vốn xuất thân từ VTV8 với những bộ phim tài liệu mang phong cách phóng sự kiểu Pháp là một trường hợp đã tự mở biên giới trước mặt. Sau những khóa đào tạo sản xuất và đạo diễn phim do Tổ chức Varan (Pháp) thực hiện tại Việt Nam cách đây 12 năm, một số đạo diễn trẻ như Đoàn Hồng Lê đã dấn thân vào một phong cách làm phim quốc tế, về kỹ thuật.

Và với 3 bộ phim tài liệu thực hiện trong thời gian 7 năm, đạo diễn Đoàn Hồng Lê có cơ hội đi khắp thế giới để trình chiếu tác phẩm, trò chuyện với rất nhiều tầng lớp người xem phim ở châu Âu, châu Á, nhận hàng loạt giải thưởng mang tính khích lệ tinh thần người hoạt động nghệ thuật.

Từ những hoạt động đó, những mối quan hệ với các tổ chức nghệ thuật quốc tế đã mở rộng, tạo ra những cơ hội giới thiệu phim, được mời đến các liên hoan phim để trình chiếu và có cơ hội đoạt giải. Đặc biệt, cơ hội rất lớn là được mời đi học, mời đến giao lưu với những đồng nghiệp ở khắp các châu lục khác để có thể học hỏi và tiếp cận tất cả các xu hướng làm phim mới, chọn lọc những tư tưởng mới, tiếp cận các nhà tài trợ cho dự án phim mới.

Đoàn Hồng Lê kết luận: Nếu chúng ta không ra ngoài thì không thể tự đổi mới mình, sự độc đáo có thể đến với vài tác phẩm đầu tay, nhưng không tiếp tục học hỏi trên tinh thần hòa nhập với văn hóa thế giới thì không thể đi con đường dài của nghệ thuật. Đó là con đường các nghệ sĩ điện ảnh như Phan Đăng Di đã chọn. Với thực tài, đạo diễn Phan Đăng Di không cần đến sự ủy thác, giới thiệu của các tổ chức điện ảnh chính thống trong nước, và phim của đạo diễn này vẫn xuất hiện ở rất nhiều liên hoan phim quốc tế, tiếp cận các quỹ hỗ trợ đầu tư điện ảnh.

Trong các lĩnh vực khác như hội họa cũng có những con đường rộng mở tương tự. Khởi đầu là các gallery ở nước ngoài mời cá nhân họa sĩ đi triển lãm. Đó là cách họa sĩ chọn để dễ dàng bán tác phẩm, và cũng là cách nuôi dưỡng sự tự do sáng tạo. Gần như không có sự kiểm duyệt nào đối với các họa sĩ đưa tranh ra nước ngoài bán hoặc triển lãm.

Một sự tự do cá nhân gần như tuyệt đối đã đến với những họa sĩ có thực tài, tác phẩm của họ tạo ra sự đa sắc về phong cách, tư tưởng. Có những họa sĩ đã phát triển phong cách riêng đến mức tác phẩm của họ không còn phù hợp với văn hóa và thẩm mỹ của người Việt, nhưng lại có thể ra thị trường quốc tế rất dễ dàng. Đó là trường hợp của Đinh Ý Nhi, một họa sĩ được giới nghệ thuật đánh giá cao nhưng không bao giờ bán được tranh trong nước.

Chúng ta không mơ mộng về những đỉnh cao nghệ thuật trong môi trường quốc tế, bởi đỉnh cao vẫn cần nền tảng văn hóa dân tộc nơi khai sinh người nghệ sĩ. Nhưng một biên giới đã mở, tự do và trọng dụng tài năng đang chờ đợi, người nghệ sĩ nên hiểu rõ về nó, và có thể mộng mơ để trở thành một nghệ sĩ thật sự, sáng tạo thật sự, thay vì phải "o ép" tác phẩm cho vừa với những quy định, những chuyến đi chính thống không đem lại kết quả nào cho sự nghiệp của họ. Cửa đã mở, chìa khóa là tác phẩm!

>Nghệ sĩ Việt Hương: Mười năm tạo sóng

>Họa sĩ Đinh Ý Nhi trở lại với "Con mắt thời gian"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Biên giới đã tự mở cho nghệ sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO