Bhutan huyền diệu qua ảnh

HOÀI HƯƠNG| 04/12/2015 08:23

Ba mươi tác phẩm trong triển lãm của Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Thanh Hải về vương quốc được mệnh danh "Thiên đường cuối cùng nơi hạ giới" hay "Vương quốc Rồng Sấm" diễn ra từ 26 - 28/11 tại Q.7, TP.HCM được đánh giá là đã thể hiện thành công đất nước Bhutan huyền diệu, hài hòa và thân thiện.

Bhutan huyền diệu qua ảnh

Ba mươi tác phẩm trong triển lãm của Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Thanh Hải về vương quốc được mệnh danh "Thiên đường cuối cùng nơi hạ giới" hay "Vương quốc Rồng Sấm" diễn ra từ 26 - 28/11 tại Q.7, TP.HCM được đánh giá là đã thể hiện thành công đất nước Bhutan huyền diệu, hài hòa và thân thiện.

Đọc E-paper

Là đất nước Phật giáo nhỏ xinh nằm khép mình trên dãy Himalaya giữa Tây Tạng và Ấn Độ, Bhutan khá biệt lập với thế giới. Vì vậy, nó mang trong mình sự lôi cuốn kỳ diệu. Càng tò mò hơn khi được biết đây là quốc gia duy nhất trên thế giới định hướng và đánh giá phát triển đất nước dựa trên tổng chỉ số hạnh phúc quốc gia (GNP) thay vì tổng sản phẩm nội địa (GDP). Để đạt được GNP, bên cạnh các chỉ số về kinh tế, người dân được quan tâm đến cả những chỉ số khá đặc biệt như: giờ ngủ bình quân, chỉ số về môi trường hay chỉ số về giữ gìn bản sắc văn hóa...

"Những ngày ở Bhutan, mình được sống trong một không gian xanh bao phủ. Có những khu vực ở độ cao trên 3.500m, mình nhìn thấy những khu rừng hoang sơ, chim muông kỳ bí như cảnh trong phim Avatar. Ngoài các khu vực đang làm đường giao thông nên có bụi, còn lại không khí hoàn toàn trong lành, tinh khiết.

Thức ăn thì ít đạm, ít muối. Các sản phẩm dùng trong gia đình đều là hàng thủ công, thảo dược, nguyên chất... Người Bhutan rất thân thiện, nhiệt tình và hiếu khách. Họ đối đãi với du khách như người thân lâu ngày về thăm khiến du khách không có cảm giác lạc lõng dù ở giữa rừng núi mênh mông", nhiếp ảnh gia Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ ấn tượng trong 10 ngày lưu lại Bhutan. Có lẽ do vậy nên dù có nhiều tên gọi khác nhau nhưng cả Tùng và Hải đều gọi Bhutan bằng cái tên "Vương quốc của hạnh phúc".

Bình minh trên đỉnh đèo Dachula - Nguyễn Thanh Tùng

33 tác phẩm in trên canvas (kích thước 68x100cm, trong đó có 3 tác phẩm của nhiếp ảnh gia Bhutan Sonam Wangchen) được Hải chọn lọc từ 3 chuyến khám phá Vương quốc Bhutan trong 3 năm gần đây và Tùng là trong chuyến đi đầu tiên, với mong muốn mang đến cho người xem những cảm xúc nhẹ nhàng và an yên, giản dị, hạnh phúc từ Bhutan: Tu viện huyền thoại nơi vách núi, Khu rừng thu thay lá, Mùa xuân rực rỡ bên gốc anh đào; con người Bhutan hiền hòa, những vũ điệu dân gian..., hay thiên nhiên hùng vĩ như những đỉnh núi tuyết bừng sáng ánh bình minh giữa đại ngàn, những cánh đồng lúa ở giữa Himalaya... Họ cũng chia sẻ trải nghiệm của hành trình được cho là rất hiếm hoi và rất ít người đi được, đó là đi đường bộ qua cửa ngõ Ấn Độ.

Ông Sonam Dorji, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Bhutan tại TP.HCM, nhận xét 30 bức ảnh đã làm toát lên được cách sống và tính cách của đất nước và con người Bhutan: "Tôi nghĩ rằng, nếu như một bức tranh có giá trị hơn một ngàn lời nói thì đây là 30 ngàn từ diễn tả về Bhutan. Và chúng không chỉ có ý nghĩa khi giới thiệu về Bhutan mà còn giúp gây quỹ, lan tỏa niềm hạnh phúc ấy".

Nghĩa là, ngoài các tác phẩm triển lãm được in trên canvas, các tác giả còn phát hành lịch để bàn Bhutan 2016 và các tác phẩm khổ 32x48cm nhằm gây quỹ ủng hộ chương trình nhiếp ảnh thiện nguyện "Help-Portrait Việt Nam 2015" sẽ diễn ra vào ngày 5/12 ở hơn 14 tỉnh, thành trên cả nước. "Tôi muốn dùng hình ảnh để tái tạo hình ảnh, nhân đôi hạnh phúc và chia sẻ niềm hạnh phúc đó đến những người có hoàn cảnh kém may mắn", Nguyễn Thanh Tùng bộc bạch.

>Nhiếp ảnh gia Pháp "phải lòng" Việt Nam

>Nhiếp ảnh trẻ: nghiện ngập Photoshop và sao chép người đi trước

>Bohuslän - thiên đường du lịch ở Thụy Điển

>Mùa thu thiên đường ở nước Anh 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bhutan huyền diệu qua ảnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO