Bài cuối: Bảo vật quốc gia làm đại sứ di sản

BÍCH HỒNG| 25/09/2009 08:11

Bảo vật quốc gia, theo quy định của pháp luật, phải thể hiện là vật chứng của một sự kiện lớn, hoặc gắn bó với sự nghiệp các anh hùng, danh nhân...

Bài cuối: Bảo vật quốc gia làm đại sứ di sản

Nếu một ngày nào đó những cổ vật tinh hoa được chính thức công nhận là bảo vật quốc gia, được triển lãm cùng với tổ chức sự kiện quảng bá chuyên nghiệp, giá trị của nó chắc chắn sẽ tác động vào nhận thức của công chúng trong giữ gìn, phát huy di sản văn hóa và sự phát triển du lịch VN.

Đại sứ di sản qua các cuộc triển lãm

Một trong 18 vị La Hán chùa Tây Phương

Bảo vật quốc gia, theo quy định của pháp luật, phải thể hiện là vật chứng của một sự kiện lớn, hoặc gắn bó với sự nghiệp các anh hùng, danh nhân, là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ và hình thức thể hiện tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại. Được gọi là bảo vật quốc gia còn bao gồm những sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu từng mang lại lợi ích xã hội và thúc đẩy sự phát triển văn hóa một thời.

Tuy nhiên, dù khởi động từ năm 2003, đến nay vẫn chưa có một cổ vật hay tác phẩm nghệ thuật nào được chính thức công nhận là bảo vật quốc gia. Trong khi đó, triển lãm cổ vật VN ở châu Âu, Mỹ vẫn được tổ chức, đường hoàng khẳng định giá trị trước giới am hiểu văn hóa quốc tế. Hàng loạt triển lãm cổ vật điêu khắc Chăm Pa diễn ra tại Pháp, Na Uy đã gây tiếng vang về sự phát triển nghệ thuật cách đây gần 1.000 năm của một dân tộc. Triển lãm Nghệ thuật cổ VN từ đồng bằng tới biển cả diễn ra tại Đại học Houston (Mỹ) từ ngày 13/9/2009 đến đầu năm 2010, trở thành sự kiện văn hóa ở thành phố này. Triển lãm có khá nhiều cổ vật đáng mặt bảo vật quốc gia, xứng đáng vai trò đại sứ di sản văn hóa Việt trước sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về quá trình phát triển lịch sử VN thời tiền thuộc địa.

Chính sự chậm trễ này làm văn hóa Việt bỏ lỡ nhiều cơ hội quảng bá văn hóa ngay trên đất nước mình. Các nhà sưu tập không dám đăng ký thẩm định giá trị cổ vật họ đang gìn giữ, hầu hết chỉ căn cứ trên giá trị thương mại không đi kèm giá trị nghiên cứu.

Nhận diện bảo vật quốc gia

Bức ảnh do các nhà khảo cổ Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp chụp tại Mỹ Sơn đầu thế kỷ XX

Dù danh sách chính thức chưa được Cục Di sản Văn hóa đưa ra, nhưng bảo vật ở các bảo tàng danh tiếng như Bảo tàng Điêu khắc Chăm Pa Đà Nẵng, Bảo tàng Lịch sử VN, và một số địa phương khác ở Bắc Ninh, Nam Định, Quảng Trị, Bình Định đã được cơ quan chuyên môn quốc tế thẩm định qua các hợp đồng đánh giá chất lượng, bảo hiểm khi mượn hiện vật triển lãm. Vấn đề đáng lo ngại, nếu bảo vật quốc gia nằm ở các bộ sưu tập tư nhân, chưa được công nhận, không được bảo vệ đúng chuẩn và đáng tiếc nhất là giá trị của nó nằm trong bóng tối, công chúng không được thưởng ngoạn hoặc phục vụ phát triển văn hóa và du lịch.

Đăng ký thẩm định bảo vật quốc gia, nhóm nhà sưu tập chỉ có ông Phan Đình Nhân, Chủ tịch Hội Cổ vật Thăng Long, giới thiệu một chiếc đầu rồng thời Lý. Các nhà sưu tập cả nước giữ thái độ im lặng. Sau năm 1945 đến nay, duy nhất một lần Bảo tàng Dân tộc học trình Thủ tướng trích ngân sách mua hiện vật văn hóa Chăm Pa từ một nhà sưu tập tư nhân để giữ các hiện vật này lại trong nước vì những giá trị đặc biệt. Các nhà nghiên cứu khảo cổ tin rằng, rất nhiều cổ vật như trống đồng, gốm, tác phẩm điêu khắc đáng mặt bảo vật quốc gia được giới sưu tập tư nhân cất giữ hoặc một số đã bị bán ra nước ngoài.

Dù chưa có công nhận chính thức, công chúng vẫn có thể nhận diện khá nhiều bảo vật quốc gia đang được bảo vệ theo tiêu chuẩn đặc biệt dưới dạng cổ vật quý như các tác phẩm điêu khắc Chăm Pa ở Đà Nẵng, Mỹ Sơn , tượng Phật La Hán ở chùa Tây Phương, tượng Phật Bà nghìn mắt nghìn tay ở chùa Bút Tháp, Cột đá chùa Dạm thời Lý, tượng A Di Đà chùa Phật Tích (một trong bốn tượng đá thời Lý còn sót lại ở VN), con Rồng đá trong tư thế miệng cắn thân, chân xé mình, tìm thấy trong đền thờ Trạng Nguyên Lê Văn Thịnh ở Bắc Ninh (duy nhất có ở VN) và nhiều cổ vật khác tại Nam bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bài cuối: Bảo vật quốc gia làm đại sứ di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO