Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 2,48% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 10 tháng thấp nhất trong ba năm gần đây. Tiến độ thu ngân sách nhà nước 10 tháng đạt kết quả tích cực, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Xuất siêu khoảng 7 tỷ USD.
Trong tháng 10, hơn 12.000 doanh nghiệp được thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng mạnh, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động trong 10 tháng qua hơn 149.000, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 10 tháng, quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 12,5 tỷ đồng.
Khu vực công nghiệp và dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng khá, sức mua tiêu dùng tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,8% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch sôi động, tháng 10 là tháng đầu tiên có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,6 triệu lượt người, tính chung 10 tháng tăng 13% so với cùng kỳ. Chất lượng giáo dục đại học ngày càng được nâng cao, xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới.
Thị trường tiền tệ mặc dù chịu nhiều sức ép do biến động của thị trường thế giới, tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung... nhưng nhờ sự điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phù hợp với thị trường, nên mặt bằng lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng vẫn tương đối ổn định, thanh khoản được đảm bảo. Hoạt động du lịch sôi động, tháng 10 là tháng đầu tiên có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,6 triệu lượt người, tính chung 10 tháng tăng 13% so với cùng kỳ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vào thời điểm gần hết năm, dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và tiêu dùng trong nước tăng mạnh. Nếu điều kiện thuận lợi, tăng trưởng kinh tế dự báo có thể đạt cao hơn 6,8%. Việt Nam là quốc gia duy nhất thuộc Đông Á - Thái Bình Dương được Ngân hàng Thế giới (WB) giữ nguyên dự báo về tăng trưởng cho năm 2019 và 2020 với hai động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng nội địa và tính cạnh tranh trên toàn cầu.
Tuy nhiên, theo Báo cáo môi trường kinh doanh của WB vừa công bố, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam giảm một bậc (từ vị trí 69 xuống vị trí 70/190 nền kinh tế được khảo sát), trong đó đa số các chỉ số thành phần giảm bậc. Để kịp thời khắc phục những hạn chế nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan phân tích, đánh giá kỹ thực trạng, nguyên nhân các chỉ số tụt hạng, xếp hạng thấp và kiến nghị, đề xuất ngay các giải pháp tạo đột phá trong nâng hạng môi trường kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành địa phương trong tuần qua là phải quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và 6 giải pháp chủ yếu để nâng cao năng lực hấp thu vốn trong nền kinh tế, phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Một trong những quyết định quan trọng trong tháng 10 của Thủ tướng Chính phủ là Quyết định số 1362/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Theo đó, quan điểm phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân (DNKVTN) được xác định rõ ràng: (1) Xóa bỏ mọi rào cản tâm lý xã hội và môi trường kinh doanh cho DNKVTN phát triển, không hạn chế quy mô, có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. (2) Phát triển DNKVTN hiệu quả, bền vững, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. (3) Ưu tiên hỗ trợ phát triển DNKVTN có quy mô nhỏ và vừa; khuyến khích xây dựng các thương hiệu lớn của DN Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước.
Mục tiêu cụ thể của kế hoạch là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các DNKVTN, phấn đấu có ít nhất 1,5 triệu DN vào năm 2025 và 2 triệu DN vào năm 2030. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường liên kết trong DNKVTN. Đến năm 2030, thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh của DN và nâng cao tỷ lệ DN tham gia mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ngang bằng với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN (ASEAN-4). Giai đoạn 2021-2030, phấn đấu DNKVTN có mức tăng trưởng bình quân số lao động đạt khoảng 6-8%/năm; tăng trưởng bình quân thu nhập của người lao động đạt khoảng 25-30%/năm; tăng trưởng bình quân mức đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt 23-25%/năm.
Để thực hiện quan điểm và mục tiêu phát triển bền vững DNKVTN, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 6 nhóm giải pháp chủ yếu:
(1) Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đảm bảo duy trì niềm tin và tăng cường đầu tư kinh doanh bền vững của DNKVTN;
(2) Khuyến khích DN áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường;
(3) Thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo và đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa;
(4) Hỗ trợ nâng cao năng suất lao động trong DN; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản lý, quản trị DN;
(5) Khuyến khích DNKVTN ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0;
(6) Tăng cường vai trò của các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ DNKVTN phát triển hiệu quả, bền vững.
Để triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển bền vững DNKVTN đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần lồng ghép các nội dung, giải pháp phát triển bền vững DNKVTN với các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, các chương trình mục tiêu của các bộ, ngành, địa phương liên quan nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn lực.
Với nhóm giải pháp 6, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu: Các bộ, ngành và địa phương chủ động thực hiện rà soát và đề xuất phương án thí điểm chuyển giao một số dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước cho các tổ chức hiệp hội thực hiện giai đoạn 2021-2025, gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các tổ chức hiệp hội khác cần tăng cường hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp hội viên nâng cao trách nhiệm xã hội trong cộng đồng doanh nghiệp khu vực tư nhân, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức, tôn vinh các doanh nghiệp tư nhân có đóng góp lớn về bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội...
Có thể nói, việc chú trọng, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân đang là một chủ trương lớn của Chính phủ. Kể từ sau Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Chính phủ liên tục có các nghị quyết, quyết định về phát triển kinh tế tư nhân. Các hành động quyết liệt đó cho thấy, DNKVTN phần nào đó tạo niềm tin cho các quyết sách lớn của Chính phủ, đồng thời phát triển DNKVTN là xu hướng đúng đắn khi kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào các nền kinh tế lớn trên thế giới.