Bà Lý Kim Chi khẳng định, những năm gần đây ngành thực phẩm tăng trưởng mạnh, cung ứng nhiều sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh, đáp ứng trên 90% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, có nhiều loại thực phẩm không những thay thế hàng nhập khẩu mà còn xuất đi nhiều nước. Ngành thực phẩm Việt Nam đã có một số DN lớn, thương hiệu mạnh, đầu tư thiết bị tiên tiến, công nghệ hiện đại, sản phẩm được phát triển theo chiều sâu. Đa phần DN thực phẩm lớn tập trung tại TP.HCM như Vinamilk, Satra, Vissan, Cholimex, Nutifood, Bibica, Ba Huân...
* Thưa bà, thách thức lớn nhất hiện nay đối với DN thực phẩm Việt Nam là gì?
- Việt Nam có dân số trẻ, thu nhập trung bình ngày càng tăng, tạo ra một thị trường tiêu dùng tăng trưởng ổn định. Hiện nay, thực phẩm chiếm tỷ lệ cao nhất trong chi tiêu hằng tháng của người Việt Nam. Mức tiêu thụ thực phẩm và đồ uống bình quân hằng năm của Việt Nam chiếm khoảng 15% GDP. Hiện tại, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngành thực phẩm phát triển và Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, mang lại lợi thế về thị trường cho DN ngành sản xuất, chế biến thực phẩm.
Tuy nhiên, nền kinh tế nói chung và DN ngành thực phẩm nói riêng chịu tác động rất lớn với những biến cố như đại dịch Covid-19, chiến tranh Nga - Ukraine, giá nguyên liệu và phí logistics tăng cao. Đó là hai vấn đề chính tác động xấu đến đơn hàng xuất khẩu. Các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam đang bị cạnh tranh từ Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, đòi hỏi DN thực phẩm phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, thích ứng phù hợp. Các nước nhập khẩu gia tăng rào cản phi thuế quan là thách thức lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhất là sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến. Việc cập nhật, phát thông tin cảnh báo những thay đổi về tiêu chuẩn hàng hóa, các biện pháp kiểm soát, phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn chưa được thực hiện hiệu quả, khiến DN bị động và lúng túng trong ứng phó và dễ rơi vào tình trạng bị kiện hoặc không xuất hàng được.
* Để vượt qua những thách thức ấy, theo bà thì DN thực phẩm cần phải làm gì?
- Một trong những yếu tố quan trọng là DN thực phẩm phải nâng cao chất lượng sản phẩm thông qua cải tiến, đổi mới quy trình sản xuất, công nghệ chế biến, bảo quản để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng, tạo ra những sản phẩm mới phù hợp xu hướng tiêu dùng cũng như yêu cầu từ thị trường xuất khẩu. Đồng thời, DN thực phẩm muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của thế giới thì phải nghiên cứu kỹ và "làm quen" với những chính sách, thủ tục, tiêu chuẩn của bên nhập khẩu.
* Bà có thể cho biết Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM đang hỗ trợ DN hội viên bằng cách nào?
- Để hỗ trợ DN lương thực, thực phẩm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, FFA phối hợp cùng các sở, ban ngành TP.HCM triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối DN trong và ngoài thành phố, thông qua các sự kiện được tổ chức định kỳ hằng năm và đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, như triển lãm quốc tế chuyên ngành, tổ chức hội chợ xúc tiến thương mại, ngày hội giao thương. FFA đang tăng cường tổ chức những sự kiện liên kết DN hội viên với đối tác, nhà phân phối đến từ Đài Loan, Ấn Độ, Úc... theo đó tạo điều kiện để DN trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, hiểu biết các tiêu chuẩn về sản phẩm ở nước bạn, nhu cầu thực tế, tiến tới hợp tác kinh doanh, đưa hàng Việt tiến sâu hơn vào các thị trường khó tính.
* Theo bà, Nhà nước cần có chính sách gì để tạo sức bật cho DN lương thực, thực phẩm?
- Có một số vấn đề chúng tôi kiến nghị Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết ngay để hỗ trợ DN mau chóng phục hồi sản xuất, cung ứng đủ hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thứ nhất, giải quyết những ách tắc về nguồn vốn tín dụng, giải quyết nhanh việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Nếu những ách tắc này kéo dài thêm thì DN sẽ khốn đốn. Thứ hai, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Trong những tình huống đặc biệt thì phải có những giải pháp, cách tiếp cận đặc biệt, không thể vẫn theo quy trình bình thường. Thủ tục hành chính rườm rà sẽ khiến DN mất cơ hội làm ăn và tốn kém chi phí. Thứ ba, DN không thể đơn độc chống chọi những khó khăn của thị trường mà cần sự đồng hành của chính quyền. Về lâu dài, để tạo sức cạnh tranh cho DN, chúng tôi kiến nghị Chính phủ và những cơ quan hữu trách lắng nghe những vấn đề bức xúc, gây khó khăn cho DN trong việc thực thi các chính sách để tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt, chính sách về sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng cam kết từ các FTA mà Việt Nam tham gia. Cần đẩy mạnh công tác xúc tiến, hỗ trợ DN kết nối thị trường, đối tác trong và ngoài nước cũng như tăng cường công tác dự báo, cảnh báo các biện pháp phòng vệ thương mại áp đặt lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Lựa chọn một số mặt hàng tiềm năng để xúc tiến thương mại riêng. Ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư công nghệ cao trong nước chưa sản xuất được. Triển khai tích cực đề án cơ cấu lại các ngành công nghiệp để từng bước tạo ra sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh cao, tham gia sâu hơn chuỗi giá trị toàn cầu.
* Cảm ơn bà về những chia sẻ!
Thực phẩm xanh vì sức khỏe người dùng Ngày nay, người tiêu dùng quan tâm đến những loại thực phẩm thân thiện với môi trường. Người tiêu dùng có khuynh hướng lựa chọn sản phẩm mà quá trình sản xuất, chế biến không gây ô nhiễm môi trường, bao bì có thể tái chế và sẵn lòng trả giá cao hơn cho sản phẩm đáp ứng tiêu chí xanh, sử dụng nguồn nước, năng lượng, nguyên liệu có tính tuần hoàn. Nhưng vướng mắc lớn nhất là khi nông dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn xanh, tuần hoàn thì phải bán sản phẩm với giá cao mới đảm bảo hiệu quả. Trong khi nông dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến không đạt chuẩn thì giá thành sản phẩm thấp, bán giá thấp hơn. Nhiều doanh nghiệp phân vân trước lựa chọn xanh hay không xanh vì tính cạnh tranh. Vì thế, bên cạnh hướng đến sức khỏe người dùng, sản xuất, chế biến xanh, kinh tế tuần hoàn cần đi kèm với chiến lược truyền thông về giá trị sản phẩm xanh. Quan điểm về sản xuất, chế biến, tiêu dùng thực phẩm xanh lan rộng nhanh. Người dùng có xu hướng ghét và lên án hành vi sản xuất, chế biến gây hại cho môi trường, sử dụng lao động cưỡng bức và nguồn gốc sản phẩm không rõ ràng. Điều đó buộc nông dân, doanh nghiệp phải thấu hiểu và tìm cách cung cấp sản phẩm đáp ứng kỳ vọng của thị trường. TS. Huỳnh Thanh Điền |