Doanh nghiệp lao đao khi ngân hàng tăng lãi suất cho vay

Phan Thương| 04/10/2022 06:59

Tăng lãi suất huy động được coi như là giải pháp thu hút được lượng lớn tiền gửi từ người dân và các tổ chức để đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Tuy nhiên lại gây ra áp lực cho lãi suất vay, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp lao đao khi ngân hàng tăng lãi suất cho vay

Lãi suất huy động “tăng vọt” 

Ngay khi ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng lãi suất điều hành mới, tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4% lên 5%/năm, nhiều ngân hàng thương mại lập tức nâng lãi suất tiết kiệm. Sau các ngân hàng cổ phần, 4 ngân hàng lớn có cổ phần nhà nước đã đồng loạt tăng lãi suất huy động. Ngay lập tức, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng vọt. Tại các ngân hàng có vốn nhà nước, các kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất huy động được tăng từ 3,4% lên  4,4%/năm.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá việc NHNN tăng một loạt lãi suất điều hành cũng đồng nghĩa với việc cơ quan quản lý đã phát đi tín hiệu rằng chính sách tiền tệ của Việt Nam sẽ không còn nới lỏng để kích thích tăng trưởng kinh tế nữa, mà phải tập trung để ổn định kinh tế vĩ mô. Việc các ngân hàng chủ động điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm là để phù hợp hơn với tình hình thị trường hiện nay. Theo đó, khi lãi suất tiết kiệm tăng sẽ kích thích lượng tiền gửi vào ngân hàng, bảo đảm thanh khoản dồi dào để cho vay khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu.

Tuy nhiên việc tăng lãi suất huy động vốn lại gây áp lực lên lãi suất cho vay. Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo lãi suất cho vay sẽ tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022 và sang cả năm 2023 do dư địa tín dụng hạn hẹp, lãi suất huy động đã tăng khá nhiều và sẽ còn tăng tiếp trong nửa cuối năm, cùng với thanh khoản hệ thống không dồi dào do ưu tiên ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát.

Nhiều doanh nghiệp lao đao

Các doanh nghiệp vay vốn lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng lên tương ứng khoảng 1%/ năm ngay trong thời điểm các doanh nghiệp này vẫn đang phục hồi sau 2 năm đại dịch Covid 19. Bởi lúc này vốn đầu tư tái sản xuất là vô cùng lớn. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi chi phí vay vốn liên tục tăng do điều chỉnh lãi suất điều hành.

Bên cạnh đó, theo ông Lê Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Veritas Shoes Việt Nam nhận xét, nhiều ngân hàng lấy lý do hết hạn mức tín dụng nên không cho vay. Điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp được duyệt phải vay với lãi suất cao hơn mức bình thường, dao động từ 8,5 - 10%/năm. 

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn sau quyết định của ngân hàng nhà nước. Theo Giám đốc hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Hải Điền (Hải Hậu, Nam Định), từ đầu năm 2022 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu đầu vào chính tăng khoảng 10-15%. Trước sức ép này, hợp tác xã buộc phải tăng giá sản phẩm đầu ra, nếu không sẽ lỗ nặng. "Nhưng chúng tôi chỉ dám tăng giá từ 5-7% giá bán để tránh không bị lỗ quá, tăng mạnh hơn sẽ mất khách. Tuy nhiên, nay lãi suất cho vay của các ngân hàng tăng lên thì lập tức tác động tới chi phí đầu vào, hợp tác xã sẽ thêm khó khăn" Vị này chia sẻ.

Ông Nguyễn Quốc An, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Bánh kẹo Ánh Dương cho hay: “Nếu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tăng trưởng tốt thì lãi suất tăng vài phần trăm không là vấn đề. Nhưng trong bối cảnh thị trường vẫn trầm lắng, doanh nghiệp sản xuất cầm chừng như hiện nay thì lãi suất tăng 1% cũng khiến doanh nghiệp phải tìm cách giải quyết”. 

Đối diện với việc tăng lãi suất, Giám đốc công ty mây tre xuất khẩu Liệp Tuyết (Quốc Oai, Hà Nội) không khỏi lo lắng:“Lãi suất cho vay tăng sẽ cộng vào chi phí sản xuất, khiến đầu ra sản phẩm phải tăng giá. Vừa qua, giá sản phẩm của doanh nghiệp được điều chỉnh tăng, song cũng mang lại rắc rối khi mất một số khách hàng. Hiện, nhu cầu thị trường không cao, nếu tiếp tục tăng giá thì càng khó trong khâu tiêu thụ, dẫn đến hàng tồn kho. Còn không tăng giá bán, doanh nghiệp sẽ thua lỗ, đằng nào cũng mệt cả".

Giải pháp nào để hỗ trợ doanh nghiệp?

Tại phiên họp ngày 22/9, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Vì vậy, các ngân hàng không thể tăng mạnh lãi suất cho vay, nhất là với các lĩnh vực ưu tiên, mà phải tiết giảm chi phí hoạt động. Tuy nhiên, với một số lĩnh vực không phải ưu tiên, lãi suất cho vay có thể tăng trong thời gian tới.

Hiểu được khó khăn của doanh nghiệp khi nền kinh tế còn trong giai đoạn hồi phục sau dịch COVID 19, nhiều ngân hàng dù tăng lãi suất huy động nhưng đã cắt giảm chi phí hoạt động giữ ổn định lãi suất cho vay. “Triển khai đồng loạt các giải pháp để bình ổn lãi suất cho vay như tăng cường các hoạt động dịch vụ, tăng cường tiết giảm chi phí hoạt động, cơ cấu lại nguồn huy động để giữ được mặt bằng ổn định tập trung cho lĩnh vực ưu tiên", bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết.

Ông Trần Anh Việt, Phó Giám đốc khu vực thành phố Hà Nội, Ngân hàng Sacombank, cũng cho hay: "Chúng tôi đang tập trung nỗ lực số hóa sản phẩm dịch vụ, thu hút nguồn vốn tốt hơn trong giai đoạn hiện nay để đưa ra mức lãi suất cho vay phù hợp với thị trường".

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong hoàn cảnh này Chính phủ cần nhanh chóng xem xét giảm mạnh một số loại thuế phí để hỗ trợ doanh nghiệp, giúp giảm chi phí đầu vào. Ngoài ra, gói hỗ trợ lãi suất 2% quy mô 40.000 tỷ đồng mới giải ngân chưa đáng kể và dư địa còn nhiều. Thúc đẩy giải ngân gói hỗ trợ lãi suất sẽ làm trung hòa tác động tiêu cực của việc tăng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn rẻ.

Bên cạnh đó, về phía bản thân doanh nghiệp, cần tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cần có kế hoạch sử dụng vốn tiết kiệm hơn, đổi mới công nghệ sản xuất, cải tiến quy trình sản xuất theo hướng tối ưu và tiết kiệm các chi phí về nhân công, nguyên vật liệu và năng suất lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp lao đao khi ngân hàng tăng lãi suất cho vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO