Phải có công ty nông dân

NGUYÊN LỮ| 27/08/2009 07:31

Do sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, khiến nông sản làm ra không đồng đều về chất lượng, vì vậy không tạo được niềm tin cho DN xuất khẩu...

Phải có công ty nông dân

Do sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, khiến nông sản làm ra không đồng đều về chất lượng, vì vậy không tạo được niềm tin cho DN xuất khẩu. Muốn giải quyết vấn đề này thì phải có những mô hình DN liên kết với nông dân.

Ông Lê Quốc Phong - Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền cho rằng: “Hạn chế lớn nhất của nông dân nước ta là sản xuất nhỏ, phân tán, thấy cái gì có giá bán được là đổ xô vào trồng, bất kể điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng có phù hợp hay không. Và do sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, khiến nông sản làm ra không đồng đều về chất lượng, vì vậy không tạo được niềm tin cho DN xuất khẩu. Muốn giải quyết vấn đề này thì phải có những mô hình DN liên kết với nông dân. Thực tế thời gian qua, những mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới đã được nhiều tỉnh áp dụng nhưng vẫn không thành công. Lý do là không có người đứng ra chỉ huy, hoặc có thì chưa đủ tầm. Tâm lý của nông dân thì luôn sợ thiệt thòi, sợ mất đất khi góp vào HTX, sợ thất bại”.

Gắn với nông dân hàng chục năm nay, Công ty Phân bón Bình Điền đã đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ nông dân, như tổ chức tập huấn nâng cao hiểu biết về khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn nông dân canh tác hoặc đưa ra mô hình hợp tác bằng việc mua phân bón trả bằng nông sản.

Để tạo cho nông dân sự an tâm, có đầu ra ổn định, Công ty đã làm hợp đồng cam kết giá mua nông sản đảm bảo cho người sản xuất có lãi. Trong trường hợp giá nông sản trên thị trường xuống thấp, Công ty vẫn mua với giá đã ký trong hợp đồng. Mô hình này cũng được nhiều ngành triển khai cho một số cây trồng khác như mía, sắn, nhưng cũng mới thử nghiệm, chưa dám áp dụng rộng. Tuy nhiên, theo ông Phong, mô hình này cũng khó duy trì vì khi chất lượng sản phẩm không đồng đều, hơn nữa, khi giá nông sản trên thị trường cao hơn giá ký trong hợp đồng thì nông dân lại bán cho nơi khác. Vì vậy, muốn liên kết bền vững, theo ông Phong, không chỉ DN mà người nông dân cũng phải thay đổi tư duy làm ăn, phải lấy chữ tín làm đầu.

Để những mô hình liên kết đạt sự bền vững, theo kiến nghị của ông Lê Quốc Phong, về phía Nhà nước phải có định hướng quy hoạch cây trồng cụ thể, tránh tình trạng người nông dân trồng trọt theo kiểu tự phát, thấy cây nào có giá thì trồng. Đây còn là nguy cơ làm nông sản VN bị mất thương hiệu, như trường hợp vải thiều, bưởi Năm Roi... do mỗi vùng đất trồng khác nhau làm cho chất lượng sản phẩm cũng khác, dù giống chỉ là một.

Rút kinh nghiệm mô hình này, Bình Điền triển khai mô hình hai trên cơ sở chọn lọc một vài xã để áp dụng. Các xã này được canh tác theo quy trình Bình Điền đưa ra. Cụ thể, Công ty đưa giống cây trồng, hướng dẫn cách xuống giống, cung cấp thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc...

Tất cả chi phí đầu tư ấy được nông dân trả bằng sản phẩm, nhưng Bình Điền không đứng ra mua mà giới thiệu những công ty khác đến mua với giá thỏa thuận. Ngoài ra, khi cung cấp phân bón, Công ty còn cam kết năng suất tối thiểu với nông dân, nếu không đạt năng suất cam kết, Công ty sẽ phải bồi thường kinh phí.

Ông Lê Quốc Phong cho biết: “Việc thực hiện mô hình này chỉ là bước chuẩn bị cho mô hình liên kết lớn hơn mà Bình Điền đang dự định triển khai. Trong những chuyến sang Mỹ, tôi thấy nông dân Hoa Kỳ thật sự là những ông, bà chủ. Đất canh tác của họ rất lớn và chỉ cần điện thoại là có ngay các công ty cung cấp cây giống, phân bón...

Các công ty ấy trực tiếp xuống giống, bón phân và thực hiện các khâu chăm sóc khác. Đến ngày thu hoạch, chủ đất lại thuê dịch vụ, DN thu mua cũng đến tận nơi. Từ những điều trông thấy trong những chuyến đi ấy, tôi có ý định áp dụng mô hình này nhưng khó khăn nhất là làm sao thuyết phục được nông dân tự giác góp đất thành lập công ty”.

Ông Phong phân tích: “Khi người nông dân vào công ty (như dạng góp cổ phần), họ sẽ có nhiều quyền lợi được bảo đảm, sản xuất có định hướng, được nâng cao kiến thức, được định hướng cụ thể và trở thành người chủ thực sự. Nếu nông dân tham gia sản xuất thì được chia lợi nhuận cao hơn. Mô hình này cũng thu hút được chất xám của các nhà khoa học, cán bộ khuyến nông khi họ cùng hợp tác, tham gia là thành viên của công ty.

Tuy nhiên, một khó khăn khác khiến mô hình này khó triển khai, đó là người nông dân VN vẫn làm ăn theo kiểu lấy công làm lời và ít đặt niềm tin tuyệt đối vào nhau khi cùng hợp tác. Cho dù lợi nhuận được chia cao hơn nhưng họ vẫn lấn cấn thiệt hơn, cho rằng làm riêng sẽ có lợi hơn bởi không phải chia lợi nhuận cho những khoản dịch vụ, hoặc phí cho bộ máy công ty hoạt động”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phải có công ty nông dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO