Nghịch lý nông nghiệp

ĐĂNG LÃM| 20/05/2009 05:01

Số liệu Cục Thống kê cho thấy, trong 23 mặt hàng xuất khẩu chủ lực những tháng đầu năm nay, 4 mặt hàng có kim ngạch tăng là nông sản (gạo, khoai mì, trà, hồ tiêu)...

Nghịch lý nông nghiệp

Số liệu Cục Thống kê cho thấy, trong 23 mặt hàng xuất khẩu chủ lực những tháng đầu năm nay, 4 mặt hàng có kim ngạch tăng là nông sản (gạo, khoai mì, trà, hồ tiêu). Năm 2008, một năm đầy khó khăn của nền kinh tế VN, nhưng tăng trưởng GDP nông nghiệp lại đạt 3,79%, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 5,6%, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trên 15 tỷ USD. Có thể nói, chính nông nghiệp góp phần ngăn chặn đà suy giảm tăng trưởng xuất khẩu trong bôi cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.

Những năm 1997-1998, khi châu Á bị khủng hoảng tài chính, cũng chính nông nghiệp mà nông dân là chủ thể đã từng cứu cả nước qua cơn biến động. Trước đó, thời kỳ chuyển mình của đất nước (1980-1991), hàng loạt doanh nghiệp bị phá sản, lao động bị thải hồi, cũng chính nông nghiệp, với chính sách khoán 10 đã tạo ra cú đột phá ngoạn mục trong sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa gạo, từ quốc gia nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu hàng đầu nhiều mặt hàng nông sản...

Nhưng những con số ấn tượng trên chưa thật sự trọn vẹn, vì trong “cuộc chiến” này, nếu cả nước thắng lợi thì bà con nông dân là những người bị “thương tích đầy mình”. Để kềm chế lạm phát, đầu năm 2008, Nhà nước giảm thuế xuất nhập khẩu thịt (cả gia súc và gia cầm) dưới khung thuế suất mà VN cam kết với WTO, khiến lượng thịt nhập tăng gấp 7 lần so với năm 2007, giá bán trên thị trường xuống dưới giá thành, người chăn nuôi đứng trước ngưỡng phá sản. Lúc đó, Bộ Tài chính mới xem xét sửa đổi mức thuế. Hiện nay, trên 20.000 hộ chăn nuôi bò sữa tiếp tục gánh chịu thiệt thòi vì lợi ích của xã hội, Bộ Tài chính không tăng thuế nhập khẩu sữa bột nguyên liệu (về hoàn nguyên) chiếm 90% lượng sữa nhập khẩu không có tác dụng với người chăn nuôi.

Ba năm qua, tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhà nước vào ngành nông nghiệp giảm dần, từ 7,2% (năm 2005) xuống 6,8% (năm 2006) và còn 6,7% (năm 2007), mức tái đầu tư chưa thật sự tương xứng với những gì ngành nông nghiệp tạo ra, nhưng nghịch lý này vẫu không ngăn mức đóng góp vào GDP chung nền kinh tế của nông nghiệp, năm 2008 tăng lên 21,99% (so với năm 2007 là 20,3%). Hiện nay, khi Nhà nước có chính sách kích cầu.

Báo cáo của Đại học Haward, của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách của Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, của IPSARD đều nhận định, với 1.000 đồng kích cầu nông nghiệp sẽ kích thích sản xuất 1.622 đồng và 1% GDP = 1 triệu việc làm mới, là những con số cao nhất so với việc kích cầu vào những lĩnh vực khác. Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho toàn xã hội mà còn hạn chế đà lạm phát, trách nhiệm nặng nề nhưng quyền lợi (thu nhập, nhất là bà con trồng lúa) lại quá thấp. Vì vậy, vấn đề là không để xảy ra “thương tích” cho nông dân, những người luôn chịu thiệt trong suốt thời gian dài vừa qua bằng những chính sách ít ra cũng phải cân bằng giữa trách nhiệm và quyền lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghịch lý nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO