Thụy Điển, đường về miền Nam

THANH LÊ| 03/01/2012 05:00

Ở Thụy Điển mùa đông, người ta thường đi lên các vùng gần cực Bắc để xem hiện tượng hào quang phương Bắc, sống thử trong các khách sạn băng và trải qua những đêm trắng.

Thụy Điển, đường về miền Nam

Ở Thụy Điển mùa đông, người ta thường đi lên các vùng gần cực Bắc để xem hiện tượng hào quang phương Bắc, sống thử trong các khách sạn băng và trải qua những đêm trắng.

Biển mùa đông

Nhưng với những ai không chịu nổi cái lạnh giá cỦa phương Bắc thì về miền Nam lại là một lựa chọn không kém phần thú vị, không phải vì những điều độc đáo, mà vì cảm giác rất dễ chịu và bình yên, nhất là vào những ngày quây quần mùa Giáng sinh.

Lâu đài Kalmar

Được mời về thị trấn Ronneby nhỏ bé của vùng Blekinge, miền Nam Thụy Điển để thưởng thức một lễ Giáng sinh theo kiểu homestay, chúng tôi chọn xe buýt vì thời gian khá rộng rãi.

Thật ra từ Stockholm bay đi Ronney chỉ mất 45 phút, nhưng như vậy lại chẳng có dịp đi qua các thành phố như Kalmar và Karlskrona vốn là những nơi có nhiều cảnh đẹp nằm ven biển Baltic.

Lâu đài Kalmar (nguồn Wikipedia)

Trong đó, Kalmar, một thành phố nhỏ yên bình với khoảng 60 ngàn dân, là nơi đặt Học viện báo chí FOJO (nơi đã đào tạo khoảng hơn 50 ngàn nhà báo đến từ 90 quốc gia khác nhau, kể cả Việt Nam).

Về kiến trúc, Kalmar khá thành công trong việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa những tòa nhà từ vài trăm năm trước và những kiến trúc mới xây nhưng khá hòa hợp với phong cách xưa.

Ở Kalmar, điểm tham quan được biết đến nhiều nhất là lâu đài Kalmar. Lâu đài này được xây dựng từ cuối thế kỷ XIV, là nơi chứng kiến sự ra đời của Liên minh Kalmar giữa Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển. Vua Johann III của Thụy Điển đã phục hồi lại lâu đài này năm 1580, biến nơi đây thành pháo đài phòng thủ và là “chìa khóa” để đặt chân vào Thụy Điển từ thế kỷ XVI.

Ngày nay tòa lâu đài trở thành nơi trưng bày những đồ nội thất và triển lãm. Dịp Giáng sinh, lâu đài Kalmar trở thành địa điểm tổ chức hội chợ. Những món đồ xinh xinh trang trí nhà cửa mang phong cách Thụy Điển khá độc đáo được bày biện khá vui mắt trong các gian hàng nhỏ.

Phố cổ và lối đi lát đá ở Ronneby

Dù mùa Giáng sinh nào những món đồ trang trí này cũng được bày bán, và gia đình nào hẳn cũng đã mua rất nhiều thứ về bày biện trên cửa sổ, cửa chính, treo lên cây thông,… nhưng cứ khi Giáng sinh và năm mới đến, mọi người vẫn có niềm vui rảo bước trên các lối đi nho nhỏ của lâu đài để mang về những thứ ưa thích.

Ở Kalmar, bạn cũng có thể tham quan “Glasriket”, một khu vực triển lãm những đồ trang trí thủy tinh và xem nghệ thuật thổi thủy tinh của các nghệ nhân Thụy Điển. Tuy nhiên, khi biết cha của Hanna Marcolin, người bạn mời chúng tôi về Ronneby, cũng là một nghệ nhân thổi thủy tinh, chúng tôi thấy mình còn có những cơ hội còn thú vị hơn nhiều để tìm hiểu nghệ thuật này.

Ronneby, trái tim của những vườn hoa

Rời Kalmar lúc 2 giờ chiều, chúng tôi ngắm nhìn những tia nắng cuối ngày xuyên qua những tán cây xanh sẫm trong những khu rừng dường như bất tận. Vào mùa đông ở các nước Bắc Âu, thời gian mặt trời chiếu sáng rất ít. Những ai chưa quen dễ có cảm giác trầm cảm (chẳng bù cho mùa hè, mặt trời nhô lên từ giữa đêm, người ta lại trằn trọc mất ngủ vì chứng hưng cảm).

Một góc yên bình ở Ronneby (nguồn ronneby.se)

Nhưng cũng chính sự lạnh lẽo âm u của mùa đông lại khiến cho cảm giác quây quần bên cây thông Noel cùng người thân trở nên quý giá
hơn. Gia đình Hanna Marcolin đón chúng tôi tại bến xe buýt của Ronneby lúc 6 giờ chiều, sau đó chở về một ngôi làng nhỏ gần biển, nơi họ sinh sống.

Vào mùa hè ngôi nhà của gia đình Marcolin rực rỡ sắc hoa, nhưng mùa đông chỉ có những bông sen đá màu xanh nở trên hàng rào làm từ những phiến đá lớn. Cá trong hồ “đứng” im lìm vì nước đã đóng băng.

Trong nhà thoang thoảng hương thơm của vỏ cam lẫn với mùi đinh hương và quế ngai ngái (đây cũng là những hương liệu để làm bánh bích quy gingerbread cho lễ Giáng sinh của Thụy Điển và nhiều nước phương Tây). Sau bữa tối, chúng tôi nhấm nháp những món bánh ngọt và các loại hạt dẻ, hạt hạnh nhân, hồ đào trong lúc xem một bộ phim dã sử.

Ngày hôm sau, chuyến tham quan Ronneby bắt đầu cùng với việc mua sắm cho Giáng sinh. Ronneby, cũng như rất nhiều thành phố nhỏ khác của Thụy Điển, rất tự hào về cảnh đẹp thiên nhiên của mình. Ronneby được phong danh hiệu “trái tim trong khu vườn Thụy Điển” vì họ có công viên Brunnspark từng được bình chọn là công viên đẹp nhất trong nước và đứng thứ tư ở châu Âu.

Những bông sen đá

Brunnspark hình thành từ đầu thế kỷ XVIII, là nơi người dân đến lấy nước khoáng và thưởng thức cảnh đẹp. Ngày nay, công viên vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên với những hồ nước, vườn hoa, đồng thời người ta đặt vào đây những bức tượng điêu khắc về lịch sử và về con người Thụy Điển. Các kiến trúc cũ trong công viên được làm mới lại vào những năm 1960 và trở thành khách sạn, trung tâm hội nghị hiện đại cũng như trung tâm nghiên cứu khoa học.

Một địa điểm tham quan khác khá dễ chịu ở Ronneby là quận Berslagen. Đây là quận duy nhất còn nguyên vẹn sau trận cháy năm 1864. Ở Berslagen có nhà thờ Heliga Kors từ thời trung cổ, bảo tàng lịch sử và phòng trưng bày. Những bảo tàng ở Ronneby nhìn chung khá nhỏ, trong đó những bộ sưu tập tranh ảnh, đồ gốm sứ được bày biện một cách giản dị và tinh tế.

Sau khi tham quan bảo tàng lịch sử, chúng tôi đi mua quà Giáng sinh trong trung tâm thị trấn. Hanna thích những quyển truyện tranh hoặc những chiếc ly, tách, chén ăn bằng nhựa cho trẻ con, trên đó vẽ hình những nhân vật trong truyện của Astrid Lingren - nhà văn nữ sáng tác truyện thiếu nhi nổi tiếng của Thụy Điển (các tác phẩm của bà đã được dịch ra tiếng Việt như Pippi tất dài, Karlsson trên mái nhà,…). Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, những tác phẩm của bà vẫn được người dân Thụy Điển yêu mến.

Smörgåsbord - buffet kiểu Thụy Điển

Những ngày Giáng sinh ở Ronneby còn là dịp chúng tôi được thưởng thức ẩm thực đặc trưng của Thụy Điển qua bàn tay nấu nướng của những người phụ nữ trong gia đình Hanna.

Một số món cá ngâm giấm ăn cùng các loại xốt trong dịp Giáng sinh

Bữa tiệc Giáng sinh là một smörgåsbord (buffet kiểu Thụy Điển) điển hình, mở đầu với món bánh mì chấm nước xốt, thịt đùi xông khói, sau đó là những món ăn mặn từ rất nhiều loại cá, thịt viên, phô mai, xúc xích, khoai tây, cháo và cải bắp, các món ăn chơi như khô nai sừng tấm hoặc tuần lộc…Trong đó ấn tượng nhất là những món mặn từ cá.

Đây cũng là điều khác với suy nghĩ lúc đầu của chúng tôi, rằng cứ Giáng sinh ở phương Tây thì toàn gà tây và thịt xông khói. Sống gần biển Baltic, người dân Bắc Âu được hưởng nguồn hải sản tươi sống từ thiên nhiên. Vì vậy mà bạn có thể thưởng thức các món ăn chế biến từ cá hồi tươi, cá hồi xông khói hoặc tôm, cua, lươn biển và đặc biệt là những món cá ngâm giấm (tôi đặc biệt thích món cá trích).

Trong dịp Giáng sinh, dù là cả đại gia đình gồm nhiều thế hệ hay một gia đình nhỏ chỉ có 2-3 thành viên, người dân ở đây cũng làm một bàn tiệc kiểu smörgåsbord với những hũ sứ nhỏ xinh xinh đựng các loại cá ngâm giấm để ăn với xốt.

Ngoài ra, bàn tiệc Giáng sinh còn có món cháo gạo, theo truyền thống người ta sẽ đặt vào đó một hạt hạnh nhân. Ai tình cờ lấy được hạt hạnh nhân này sẽ nhận được nhiều may mắn.

Tôi không múc được hạt hạnh nhân nhưng với tôi, những ngày Giáng sinh ở Ronneby đã là quà tặng của sự may mắn vì những tình cảm và sự ấm áp không phải chuyến du lịch nào cũng tìm thấy được.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thụy Điển, đường về miền Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO