Xăng dầu, tài chính "nóng" nghị trường

PV| 13/11/2012 03:21

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 12/11, vấn đề quản lý điều hành xăng dầu, thị trường tài chính bỗng trở nên nóng, buộc Chính phủ phải có báo cáo chính xác và thực tế về hai lĩnh vực này.

Xăng dầu, tài chính

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội ngày 12/11, vấn đề quản lý điều hành xăng dầu, thị trường tài chính bỗng trở nên nóng, buộc Chính phủ phải có báo cáo chính xác và thực tế về hai lĩnh vực này.

Sửa nghị định quản lý xăng dầu

Báo cáo trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến những bất cập trong điều kiện kinh doanh xăng dầu. Theo ông, trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối được điều chỉnh giá bán lẻ trong phạm vi, trình tự, định mức quy định.

Liên Bộ Tài chính, Công Thương giám sát, hậu kiểm và xử lý nếu có vi phạm. Trong trường hợp cần thiết, Nhà nước bình ổn giá xăng dầu thông qua chính sách thuế và quỹ bình ổn giá.

Nghị định 84/CP đưa ra công thức tính giá cơ sở để hình thành giá bán lẻ, các yếu tố hình thành giá được công bố thường kỳ. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhận định "một số quy định về yếu tố cấu thành giá cơ sở đã lạc hậu so với thực tế”.

Bên cạnh đó, công tác quản lý chất lượng, đo lường, chống đầu cơ còn thiếu chặt chẽ; cơ chế phối hợp trong quản lý, điều hành giá chưa hiệu quả. Chính phủ đã chỉ đạo tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị định 84 và sẽ sửa đổi, bổ sung trong tháng 12/2012.

Theo quy định hiện hành về công thức tính giá cơ sở, có quy định chi phí kinh doanh định mức được quy định là 600 đồng/lít. Theo đề xuất của Bộ Công Thương, cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi Nghị định 84, quy định về chi phí kinh doanh định mức (từ năm 2009 đến nay) là 600 đồng/lít đã trở nên lạc hậu do các yếu tố chi phí đầu vào như tỷ giá, chi phí kinh doanh, chi phí vận tải... đã thay đổi.

Do vậy cần có những thay đổi, theo hướng nâng mức chi phí này lên 860 đồng/lít để tính đúng, tính đủ cho doanh nghiệp, tránh tình trạng doanh nghiệp bị lỗ hoặc lách luật, "gửi" chi phí vào các khoản hạch toán khác.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) về Báo cáo tài chính năm 2011 của Tâp đoàn Xăng Dầu vừa công bố cũng nêu ra những kiến nghị này. Theo KTNN, chi phí kinh doanh định mức ổn định trong ba năm qua, là một khoảng cách so với thực tiễn chi phí của doanh nghiệp.

Theo phụ lục "Phân tích công thức tính giá cơ sở kinh doanh xăng dầu" của KTNN, tại các doanh nghiệp đầu mối khác nhau thực hiên việc nhập khẩu xăng dầu với số lần, số lượng, mức giá nhập khẩu từng lần trong giai đoạn 30 ngày trước ngày tính giá cơ sở khác nhau, nhiều yếu tố khác không đồng nhất dẫn đến giá vốn bình quân thực tế sản phẩm xăng dầu tại thời điểm tính giá cơ sở của các doanh nghiệp đầu mối là khác nhau và khác biệt với mức giá cơ sở được tính theo quy định hiện hành.

KTNN đề nghị cần phải khẳng định rõ sự khác biệt giữa mức giá cơ sở định hướng phục vụ quản lý và chi phí giá thành thực tế của doanh nghiệp để giải tỏa những thắc mắc cho người tiêu dùng. Việc này tránh hiểu lầm khi giá cơ sở có chênh lệch cao (thấp) khi so sánh với giá bán lẻ, giá xăng dầu thế giới tại thời điểm tính toán đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ có thực lãi (lỗ) bằng chênh lệch.

Thực tế việc quyết toán lỗ lãi phải tính theo chu kỳ kinh doanh và đảm bảo quyết toán đủ các yếu tố doanh thu, chi phí.

Tái cơ cấu thị trường chứng khoán

Ở lĩnh vực tài chính, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang xem xét ban hành Đề án Tái cơ cấu thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm, dự kiến đến năm 2015 hoàn thành căn bản cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm. Đồng thời đang hoàn thiện lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2011-2020.

Kiểm điểm lời hứa sau chất vấn trong lĩnh vực ngân hàng, Chính phủ đánh giá tiến độ xử lý nợ xấu còn chậm, kết quả còn hạn chế. "Đây là vấn đề bức xúc, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của ngành ngân hàng và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thực hiện yêu cầu của Quốc hội về giám sát hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại, kiểm soát cho vay bất động sản, chứng khoán, Phó Thủ tướng báo cáo, tính đến hết tháng 9/2012, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích chiếm 4,83% trong tổng dư nợ, thấp hơn nhiều so với mức 11,13% thời điểm cuối năm 2011.

Trong đó, tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản là 3,42%; dư nợ cho vay chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh chứng khoán là 0,49%. Tuy nhiên, dư nợ bất động sản còn lớn, nợ xấu chiếm tỷ trọng cao và chậm được xử lý.

Báo cáo cũng thể hiện quyết tâm của Chính phủ, trong thời gian tới sẽ tập trung chỉ đạo việc thực hiện cơ cấu lại ngành ngân hàng theo lộ trình, xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém. Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả đề án xử lý nợ xấu, minh bạch hoá và triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu; tăng cường thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng, tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Liên quan đến thị trường vàng, vấn đề liên tục nóng trên diễn đàn Quốc hội, Chính phủ đánh giá, sau 5 tháng ban hành và thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đã hạn chế được tình trạng đầu cơ, buôn lậu vàng, giảm dần tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, góp phần ổn định thị trường ngoại hối.

Tuy nhiên, thị trường vàng trong nước vẫn có biến động lớn kéo dài, việc tuyên truyền về quản lý và sản xuất vàng miếng chưa được thực hiện tốt. Chính phủ chỉ đạo tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường để có biện pháp kịp thời hơn, sắp xếp lại một cách cơ bản thị trường vàng, tổ chức mạng lưới mua bán vàng miếng theo cơ chế thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xăng dầu, tài chính "nóng" nghị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO