Wolfram Việt Nam giá bao nhiêu?

27/08/2013 05:36

Wolfram cũng như một số kim loại quý khác đang trở thành quân cờ chiến lược trong phát triển kinh tế và quốc phòng của mọi quốc gia.

Wolfram Việt Nam giá bao nhiêu?

Wolfram cũng như một số kim loại quý khác đang trở thành quân cờ chiến lược trong phát triển kinh tế và quốc phòng của mọi quốc gia.

>>Không thể mãi bán vàng
>>
Có phải chuyện lớn hay không?
>>
Thoái vốn ngoài ngành: DNNN có chấp nhận mất vốn?
>>
DN FDI bỏ trốn: Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Nhà máy chế biến wolfram tại Núi Pháo

Trung Quốc hầu như là nước độc quyền trên thị trường này nhờ nguồn khoáng sản phong phú. Vì thế, khi nước này ngày một giảm lượng xuất khẩu, nhiều quốc gia phải lo đi tìm nguồn cung mới. Và Việt Nam đang góp phần phá thế độc quyền đó bằng việc đưa vào sản xuất mỏ wolfram lớn thứ hai thế giới tại Thái Nguyên.

Trung Quốc siết chặt nguồn cung Wolfram

Sở dĩ nền công nghiệp hiện đại có thể sản xuất hàng loạt với tốc độ cao và giá thành giảm đáng kể so với vài thập kỷ trước đây phần lớn là nhờ các kim loại hiếm. Các mũi khoan, máy cắt kim loại, chi tiết máy… làm bằng hợp kim wolfram có độ cứng và độ bền cao, tính chịu nhiệt vượt trội.

Wolfram còn được sử dụng trong sản xuất bóng đèn, ống đèn tia âm cực, sợi ống chân không, thiết bị sưởi, vòi phun động cơ tên lửa và nhiều ứng dụng khác trong công nghệ vũ trụ và vũ khí hiện đại.

Theo báo cáo của Liên minh châu Âu (EU), kim loại có màu từ xám thép đến trắng, rất cứng và nặng này là một trong những nguyên liệu thô cực kỳ quan trọng. Tuy có giá trị chiến lược cao nhưng nguồn cung wolfram tự nhiên lại rất hạn chế.

Một thống kê gần đây của Tổ chức Thương mại Thế giới cho thấy Mỹ cùng châu Âu và Nhật Bản tiêu thụ khoảng 55% lượng wolfram nhưng chỉ sản xuất khoảng 5% tổng lượng cung thế giới. Trong khi đó, với hơn 400 mỏ wolfram tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc chiếm hơn 60% trữ lượng thế giới và 76,5% lượng cung.

Với vị thế này, Trung Quốc đã nắm quyền chi phối và khiến thế giới nhiều phen lo ngại khi nước này siết nguồn cung. Và Mỹ là nước phải lo nhiều nhất khi mỗi năm nhập đến 40% sản lượng wolfram của Trung Quốc.

Theo tờ báo chuyên về khoáng sản toàn cầu www.northernminer.com, năm 2003, Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế xuất khẩu quặng wolfram. Đến năm 2007, nước này áp thuế xuất khẩu 15% lên các sản phẩm từ wolfram và giảm hạn ngạch khoảng 2% mỗi năm.

Cuối năm đó, Trung Quốc cũng cấm người nước ngoài đầu tư vào wolfram. Những động thái này khiến giá wolfram tăng gần 3 lần kể từ năm 2004 đến nay.

Không chỉ vậy, Trung Quốc còn mở rộng thâu tóm các mỏ khác trên thế giới để gia tăng vị thế độc quyền, thậm chí mua cả những mỏ wolfram chất lượng thấp ở châu Phi.

Đi tìm nguồn cung mới

Để giảm sự lệ thuộc từ Trung Quốc, những nước có nhu cầu wolfram cao đã đi tìm nguồn cung mới.

EMC Metals, một công ty khai thác mỏ wolfram của Mỹ, đang mở lại mỏ Springer tại Neveda trong năm 2013. Trước đó, Malaga, nhà sản xuất wolfram của Peru, đã mua lại mỏ lớn nhất ở Nam Mỹ.

Sau đó, công ty này tăng lên mức chi phối (100%) từ năm 2007 khi Trung Quốc áp dụng các chính sách giảm sản lượng xuất khẩu làm giá tăng nhanh. Và mặc dù thua lỗ hơn 7,6 triệu USD trong năm 2009 và phân nửa số đó trong năm 2010, Malaga vẫn tiếp tục đầu tư khai thác wolfram, theo www.northernminer.com.

Đối với Việt Nam, việc phát hiện mỏ Núi Pháo tại Thái Nguyên cũng là một mốc quan trọng góp phần giảm sức ép nguồn cung từ Trung Quốc.

Dự án Núi Pháo trải rộng trên một diện tích hơn 9.000 m2. Ước tính Núi Pháo có trữ lượng trên 52 triệu tấn quặng chứa wolfram. Vì thế, đây được xem là mỏ wolfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc.

Hằng năm, Công ty Núi Pháo - H.C. Starck (liên doanh giữa Công ty Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo, thuộc Tập đoàn Masan với Tập đoàn H.C. Starck) dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường 7% tổng lượng cung toàn thế giới. Sản lượng này lớn gần gấp đôi nhà cung cấp thứ hai thế giới là Nga.

Nhưng quan trọng hơn, theo Tập đoàn Masan, doanh thu của dự án khi đi vào khai thác sẽ từ 250-350 triệu USD mỗi năm. Trong đó, wolfram chiếm đến 50% doanh thu. Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) mỗi năm sẽ vào khoảng từ 100-175 triệu USD (Masan không đưa ra con số cụ thể về lợi nhuận của wolfram).

Bên cạnh đó, dự án khai thác wolfram này sẽ đóng góp một lượng lớn các loại thuế cho ngân sách nhà nước trong hơn 15 năm hoạt động. Theo Masan, con số này có thể lên tới 1 tỉ USD. Trong đó có 430 triệu USD thuế tài nguyên, 320 triệu USD thuế xuất khẩu và khoảng 290 triệu USD thuế thu nhập doanh nghiệp.

Và với nhà máy tinh luyện wolfram đang được đưa vào vận hành, giá trị xuất khẩu của sản phẩm này sẽ tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn các công ty khoáng sản trong nước. Sản phẩm wolfram của Núi Pháo đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu với hàm lượng wolfram là 65%, trong khi yêu cầu của Chính phủ chỉ là 55%.

Sau khi Núi Pháo liên doanh với H.C Starck hàm lượng wolfram sẽ còn cao hơn mức này. Theo Bloomberg, giá wolfram hiện vào khoảng 400 USD/MTU (1 MTU tương đương 10 kg wolfram).

Trước mắt, ngành công nghiệp công nghệ cao vẫn chưa phát triển ở Việt Nam nên hầu như toàn bộ sản lượng sau tinh chế sẽ được bán ra thị trường thế giới, theo cam kết bao tiêu của H.C. Starck. Các thành phẩm khác từ Núi Pháo thì được CMC Cometals ký hợp đồng mua từ trước, đại diện Masan cho biết.

Dù được triển khai với những con số ước tính khả quan nhưng Masan cũng không thể không lường trước rủi ro. Với quy mô đầu tư lớn và số tiền vay ngân hàng không nhỏ (200 triệu USD từ ngân hàng trong nước và 80 triệu USD từ ngân hàng nước ngoài), áp lực lãi vay là rất lớn.

Đó là chưa kể đến các rủi ro về nhu cầu khi kinh tế toàn cầu vẫn đang hồi phục chậm chạp. Các yếu tố này có thể khiến giá wolfram mà Núi Pháo bán ra không được như Masan kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Wolfram Việt Nam giá bao nhiêu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO