VN phải nhìn vượt ra khỏi biên giới quốc gia mình

Nguồn VietNamNet| 22/12/2009 04:16

Đó là ý kiến của Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba xung quanh các vấn đề về ODA, kinh tế và phát triển của Việt Nam.

VN phải nhìn vượt ra khỏi biên giới quốc gia mình

 Việt Nam cần nghĩ vượt ra ngoài biên giới quốc gia mình

Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba

- Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới có buộc nước Nhật quay về, lo đối phó với các khó khăn bên trong của mình, từ đó giảm sự quan tâm tới Việt Nam không, thưa Đại sứ?

Về khủng hoảng kinh tế, rõ ràng Nhật Bản cũng có vấn đề nội bộ của mình phải giải quyết, thế nhưng, chúng tôi vẫn tiếp tục tăng ODA cho một số nước, trong đó có Việt Nam. Bởi lẽ, chúng tôi hiểu rõ, kinh tế Nhật Bản và các nước phụ thuộc lẫn nhau. Nhật Bản không thể tự mình giải quyết và ra khỏi khủng hoảng. Lo cho các nước cũng là cách Nhật Bản phục hồi nền kinh tế của mình nhanh hơn.

Việt Nam là nền kinh tế đóng vai trò quan trọng, với dân số đứng thứ 13 trên thế giới. Trên phương diện đó, Việt Nam là một nước lớn. Người dân Việt Nam phải hiểu và ý thức rõ điều đó.

Các bạn thường nói Việt Nam là nước kém phát triển, là nước nghèo. Tuy nhiên, các bạn cần nhìn khác đi, là một nước lớn trên khía cạnh dân số, từ đó đóng vai trò lớn hơn trong khu vực và thế giới.

Tôi thực sự mong muốn người Việt Nam sẽ nghĩ về vai trò của mình, vượt ra ngoài khuôn khổ biên giới quốc gia của các bạn, đóng góp cho sự phát triển của khu vực và toàn cầu.

Ngưng viện trợ không phải để trừng phạt ai

- Nhật Bản đã hỗ trợ cho Việt Nam rất nhiều trong quá trình phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, như xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo với những khoản viện trợ khổng lồ. Bất chấp những sự cố gây sốc trong ODA như PCI, Nhật vẫn dành ưu ái cho Việt Nam, thậm chí tăng ODA. Ông có thể lí giải như thế nào?

Trước khi sang Việt Nam, tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong hoạt động hỗ trợ phát triển của Nhật Bản. Thật ra không dễ dàng gì để triển khai các dự án ODA ở các nước đang phát triển. Nhật Bản cấp viện trợ cho hơn 100 quốc gia, và ở nước nào cũng có những vấn đề nhất định.

Là nước đang phát triển có nghĩa là đang phát triển không chỉ về kinh tế, mà cả hệ thống quản trị, luật pháp... cũng chưa hoàn hảo. Vì thế, việc có vấn đề là khó tránh.

Tại Hà Nội, việc triển khai ODA cũng có vấn đề, cũng như ở các nước khác, chứ đó không phải câu chuyện cá biệt ở Việt Nam. Vụ việc như PCI xảy ra rất đáng tiếc, nhưng việc đó cũng có thể xảy ra ở các quốc gia khác. Vấn đề là phải hợp tác để làm rõ vấn đề, xây dựng các quy định tốt hơn, chặt chẽ và minh bạch hơn, với nỗ lực chung của hai phía để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Hơn nữa, việc xây dựng các quy định mới chặt chẽ không phải chỉ là một hiện tượng do PCI mà đó là nỗ lực liên tục của hai quốc gia để xây dựng cơ chế tốt hơn cho triển khai ODA.

Khi vụ việc PCI xảy ra, chúng tôi ngay lập tức thuyết phục đối tác Việt Nam cùng ngồi lại để xây dựng một quy trình mới, tránh những trường hợp tương tự. Sau 4-5 tháng làm việc của các chuyên gia hai nước, chúng tôi đã cải thiện được quy trình thực hiện và giám sát các dự án ODA của Việt Nam. Ngay sau đó, Nhật Bản quyết định nối lại và tăng viện trợ để chung tay giúp Việt Nam phát triển.

Cũng phải nói thêm là đúng là Nhật Bản đã tạm ngưng triển khai các dự án ODA trong vài tháng. Thế nhưng, đó không phải là sự trừng phạt ai, mà chúng tôi nghĩ cần phải có thời gian để rà soát, kiểm tra lại quy trình xem có gì sai sót, để từ đó cải thiện và xây dựng luật mới tốt hơn.

Tiết kiệm chi phí thời gian để tăng hiệu quả ODA

- Nhật Bản tham gia rất nhiều các dự án cơ sở hạ tầng lớn cho Việt Nam: cầu, cảng, đường xá, sân bay... thế nhưng Việt Nam vẫn bị kêu ca về nút thắt cổ chai cơ sở hạ tầng. Theo ông, liệu các dự án ODA liên quan đến hạ tầng lớn của Việt Nam đã thực sự hiệu quả và cần thiết?

Xây dựng một con đường, một cây cầu, khó ai có thể nói trước là hiệu quả của nó đến đâu. Chúng ta cần thời gian để kiểm chứng hiệu quả thật của nó. Chúng tôi hài lòng về những đóng góp tích cực mà những cây cầu, con đường chúng tôi tham gia trong việc tạo thuận tiện cho sự đi lại, di chuyển của người dân và phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế, không chỉ trong nước mà cả khu vực và quốc tế.

Tại các Diễn đàn Doanh nghiệp trước Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ CG, một vấn đề bị các DN kêu ca chính là sự yếu kém của cơ sở hạ tầng Việt Nam, bị xem là một nút thắt tăng trưởng.

Lấy một ví dụ đơn giản: hệ thống đường sá kém, chúng ta sẽ tốn 5h để vận chuyển hàng hóa thay vì 2h. Khi đó, chúng ta phải mất 3h lãng phí. Thiếu đi cây cầu, thay vì đi thẳng trong vòng 5 phút đến đích, chúng ta sẽ tốn hàng giờ đi vòng và chờ đợi... Chi phí kinh tế về thời gian của sự yếu kém trong hạ tầng cần được tính đến.

Nhật Bản đã và đang giải quyết vấn đề này cùng Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ khác. Chúng tôi đã đặt vấn đề đâu là các dự án hạ tầng đang được Việt Nam ưu tiên và chúng tôi sẽ hỗ trợ.

Tôi nghĩ chúng tôi đã làm tốt trong việc lựa chọn các dự án ưu tiên của Việt Nam, tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm: xây dựng đường cao tốc, cảng biển, sân bay, kể cả sân bay Nội Bài. (Hiện nay, sân bay Nội Bài chưa đá ứng được các yêu cầu hạ tầng, không chỉ cho hành khách, mà cho việc kinh doanh, do thiếu các kho bãi lớn...)

Một vấn đề khác với việc thực hiện ODA ở Việt Nam là các dự án thường phải kéo dài thời gian. Mỗi lần gia hạn dự án là một lần tăng thêm chi phí, và phải thảo luận việc ai sẽ là người chi trả cho các khoản phí đó.

Để đảm bảo hiệu quả chi phí, cần xây dựng một quy trình rõ để điều hành hiệu quả hơn, từ khâu thông qua dự án, lên kế hoạch đến triển khai. Tiết kiệm thời gian đồng nghĩa với chúng ta tiết kiệm tiền bạc, là lợi ích của chính Việt Nam.

Nói cách khác, chúng ta vừa phải lo tăng được hiệu quả dự án, vừa tiết kiệm được thời gian.

Phải lo cho môi trường

- Đi liền với ODA, tại Hội nghị CG vừa qua, các nhà tài trợ cũng nêu vấn đề Việt Nam phải xác định và vạch rõ chiến lược phát triển giai đoạn tới cho mình. Quan điểm của Nhật Bản là như thế nào?

Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đang thảo luận và chuẩn bị cho kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 - 10 năm tới. Việt Nam cũng đang chuẩn bị đứng vào danh sách quốc gia có mức thu nhập trung bình theo xếp loại của Ngân hàng thế giới. Vì thế, các bạn cần xác định ưu tiên phát triển mới cho mình. 

Theo tôi, Việt Nam cần tập trung ưu tiên nhiều hơn cho việc giải quyết các vấn đề môi trường. Từ kinh nghiệm của Nhật Bản cho thấy, vào những năm 1970s, Nhật Bản phải đối mặt với rất nhiều vấn đề môi trường như ô nhiễm, rác thải công nghiệp... Chúng tôi đã phải dồn sức tập trung giải quyết nó.

Tại thời điểm phát triển kinh tế nhanh, vấn đề môi trường sẽ khó tránh khỏi. Tuy nhiên, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mới của mình, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cần cân nhắc và quan tâm đến vấn đề này cùng với vấn đề phát triển nguồn nhân lực.

Ở trình độ phát triển mới, Việt Nam cần nhiều lao động chất lượng, có kĩ năng được đào tạo tốt. Lực lượng lao động chân tay của Việt Nam rất đông và đáp ứng được yêu cầu cho các dây chuyền sản xuất công nghiệp. Thế nhưng, để cải thiện cơ cấu công nghiệp, Việt Nam cần có lực lượng lao động chất lượng ở trình độ cao hơn. Hiện Việt Nam vẫn đang thiếu các lao động có kĩ năng. Việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực là yêu cầu cấp bách của Việt Nam.

Việt Nam cần cải cách hệ thống giáo dục, nhất là giáo dục ĐH, tổ chức lại để có một quy trình đào tạo tốt hơn, đáp ứng yêu cầu của thập kỉ tới.

Hệ thống giáo dục Việt Nam cần phải nhanh chóng bắt kịp với yêu cầu của phát triển kinh tế. Hiện nay, cái nền của giáo dục đang thấp hơn nhiều nền về kinh tế.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhận thức tốt vấn đề và tôi hi vọng Việt Nam sẽ sớm có kế hoạch để giải quyết.

Không thể đòi DN nội địa hóa khi Việt Nam không có công nghiệp phụ trợ mạnh

- Thưa ông, phát triển công nghiệp phụ trợ nằm ở đâu trong chiến lược phát triển mà ông cho rằng Việt Nam cần triển khai, bởi ông từng phàn nàn về việc thiếu vắng công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, trong khi ngay hãng Toyota vào Việt Nam đã lâu cũng chưa thực hiện cam kết nội địa hóa?

Đúng là tôi đã nói khá nhiều về việc yếu kém của công nghiệp phụ trợ Việt Nam. Trong thập kỉ tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự canh tranh khốc liệt hơn trong các ngành công nghiệp, nhất là với các nước ASEAN do quá trình tự do hóa thương mại trong khu vực

Từ kinh nghiệm của chính Nhật Bản cho thấy một nền công nghiệp mạnh phải có công nghiệp phụ trợ tốt. Đơn cử, để có chiếc Toyota danh tiếng đòi hỏi hơn 30.000 linh kiện tốt. DN không thể cung cấp một sản phẩm tốt khi không có những linh kiện đảm bảo chất lượng.

Thời gian qua, Việt Nam không nhận thức đầy đủ yêu cầu, đã chậm trễ trong triển khai xây dựng CN phụ trợ. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam làm suy yếu ngành công nghiệp cũng như cả nền kinh tế.

Việt Nam tham gia AFTA, và đến năm 2018, ASEAN sẽ có một nền kinh tế hoàn toàn tự do. Làm thế nào để cạnh tranh là vấn đề nghiêm trọng của Việt Nam.

Việt Nam cần phải tăng tốc phát triển công nghiệp phụ trợ nếu muốn cạnh tranh.

Các bạn không thể trách Toyota hay DN khác không nội địa hóa sản phẩm theo cam kết trong điều kiện hiện nay. Bởi nếu sử dụng linh kiện kém chất lượng, DN sẽ mất khả năng cạnh tranh. Việt Nam hãy phát triển công nghiệp phụ trợ tốt, cung cấp sản phẩm đạt chất lượng thay vì đòi DN sử dụng sản phẩm kém chất lượng để đạt chỉ tiêu nội địa hóa.

- Từ nay đến khi AFTA có hiệu lực đầy đủ chỉ còn chưa đầy 10 năm. Trong khi đó, các nước Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia đều đã có ngành công nghiệp phụ trợ rất phát triển. Liệu Việt Nam nên ưu tiên ngành gì và làm thế nào để vẫn cạnh tranh được với các đối tác này?

Thái Lan đã mất 15-20 năm để có ngành công nghiệp phụ trợ cạnh tranh như hiện nay. Việt Nam không có nhiều thời gian. Chỉ 10 năm nữa, cạnh tranh khốc liệt trong AFTA sẽ xảy ra. Làm sao để Việt Nam có ngành công nghiệp phụ trợ cạnh tranh đúng thời điểm tự do hóa đầy đủ là một bài toán lớn của Việt Nam.

Theo tôi, một mặt, Việt Nam cần thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp phụ trợ, bởi các bạn không thể đợi quá lâu. Các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật, từ Đài Loan, Malaysia... vào Việt Nam mang theo công nghệ, vốn để sản xuất linh kiện tài Việt Nam.

Mặt khác, về dài hạn, Nhật Bản vẫn muốn Việt Nam có ngành công nghiệp phụ trợ của riêng mình. Do đó, Việt Nam cần tiến hành song song phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước. Nhật Bản đã và đang hỗ trợ sự phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam.

Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ rất nhiều điểu chung về nền tảng lịch sử phát triển. Cả hai nước đều chịu ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo, có nhiều phong tục, tập quán sinh sống giống nhau: dùng lúa gạo, dùng đũa... Nhìn vẻ ngoài, người Việt Nam và Nhật Bản rất khó phân biệt. Không ít lần tôi đã nhầm lẫn giữa người Việt và người Nhật.

Tuy nhiên, bên trong người Nhật và người Việt lại rất khác nhau, từ tâm tính đến cách nghĩ. Tôi muốn khám phá nhiều hơn về sự khác biệt bên trong của hai dân tộc.

Cả Việt Nam và Nhật Bản đều "nhập khẩu" văn hóa Trung Quốc, chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa đến tiếng nói, chữ viết... thế nhưng đặc tính của mỗi quốc gia khác nhau. Nhật Bản là quốc đảo, không có biên giới đất liền với quốc gia nào. Trong khi đó, Việt Nam là nước ven biển, có biên giới đất liền với Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia. Vì thế, hai nước có sự khác biệt trong cách sống, cách nghĩ do khác biệt môi trường sống.

Ngay cả lịch sử hai nước cũng khác nhau. Cùng trải qua chiến tranh, nhưng Việt Nam trải qua rất nhiều cuộc chiến ngay trong nước mình, với việc quân đội các nước đưa quân vào Việt Nam. Trong khi đó, Nhật Bản chỉ trải qua kinh nghiệm đau thương với việc gửi quân ra bên ngoài tham chiến. Nhật Bản cũng không có lịch sử bị chiếm đóng, trở thành thuộc địa như Việt Nam. Tôi nghĩ, điều này ảnh hưởng đến cách nghĩ, cách làm của hai nước. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
VN phải nhìn vượt ra khỏi biên giới quốc gia mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO