Văn hóa làm từ thiện

THANH NHƯ/DNSGCT| 25/09/2014 06:33

Đóng góp từ thiện giờ đây đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội của chúng ta mặc dù nhìn chung thu nhập bình quân của người dân vẫn còn thấp.

Văn hóa làm từ thiện

Đóng góp từ thiện giờ đây đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội của chúng ta mặc dù nhìn chung thu nhập bình quân của người dân vẫn còn thấp. Việc làm từ thiện xuất phát từ nhiều động cơ khác nhau nhưng có một điểm chung là đều mang lại nhiều điều lợi: lợi cho xã hội, cho người làm từ thiện và cho cả người thừa hưởng kết quả từ hoạt động này. Những điều kiện tự nhiên và xã hội đã có một tác động đáng kể vào việc làm từ thiện.

Đọc E-paper

Thời gian gần đây ở nhiều góc phố Sài Gòn xuất hiện những bình nước trà lớn không biết của ai đặt nhằm giúp những người lao động nghèo qua cơn khát dọc đường. Hay như ai cũng biết mua vé số xác suất trúng là rất thấp nhưng nhiều người Sài Gòn vẫn không hề từ chối lời mời của một bà cụ trên tay cầm cả xấp vé số chưa bán được. Mua vé số không cầu may mà nghĩ đó là một việc từ thiện, phải chăng vì vậy mà thành phố này là nơi tiêu thụ vé số nhiều nhất nước tính theo bình quân đầu người.

Hoạt động từ thiện vô cùng đa dạng đã giúp biết bao số phận không may như từ những nồi cháo tình thương trong các bệnh viện đến những quán cơm 2.000 đồng làm giảm gánh nặng mưu sinh cho người lao động nghèo, từ những ca phẫu thuật tim cho trẻ em nghèo của “Quỹ Hiểu về trái tim” đến những chương trình “Đem ánh sáng cho người nghèo và trẻ em mù bẩm sinh”, chương trình “Xe lăn cho người tàn tật và trẻ em bại liệt” của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM và còn biết bao kênh từ thiện khác nữa.

Những hoạt động này được sự hưởng ứng của nhiều tầng lớp trong xã hội, đặc biệt doanh nghiệp và giới doanh nhân dù tình hình kinh tế chưa ổn định, công việc làm ăn còn khó khăn nhưng rõ ràng làm từ thiện dường như giờ đây đã trở thành phong trào.

Mục đích làm từ thiện của doanh nghiệp cũng có nhiều nét chấm phá khác nhau mà phổ biến và tích cực hơn cả là xuất phát từ trách nhiệm xã hội – một từ có tính thời thượng. Ông Peter Handal, người đứng đầu tổ chức Date Canergie Việt Nam đã nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng: “Trách nhiệm với xã hội vừa mang lại điều tốt cho mọi người, vừa giúp xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp. Khi người dân thích một doanh nghiệp làm điều tốt đẹp cho cộng đồng thì họ cũng cảm thấy thân thiện hơn với thương hiệu của doanh nghiệp”.

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, một doanh nhân có bề dày tham gia hoạt động từ thiện cũng có cùng quan điểm khi cho rằng doanh nghiệp thành đạt không chỉ là làm ăn có lãi mà còn tạo được sự tôn trọng, quý mến của mọi người và uy tín trong xã hội.

Thế nhưng cũng như bàn tay có năm ngón dài ngắn khác nhau. Có doanh nghiệp, thấy người ta làm từ thiện thì cũng làm để chứng tỏ mình không hề thua kém ai. Có doanh nghiệp lồng ghép sản phẩm của mình vào hoạt động từ thiện không khác gì một cách chiêu khách, có nơi tham gia làm từ thiện lại đòi hỏi những điều kiện lợi ích được ghi cụ thể vào hợp đồng.

Cũng có doanh nghiệp làm từ thiện mà chi phí tổ chức cho một chương trình hoành tráng với những chuyến đi xa cho hàng chục người lớn hơn cả khoản tiền mang lại cho nơi thụ hưởng, trong chừng mực đó là cách làm từ thiện mua danh khá lãng phí. Nhưng thôi, đừng vội phê phán, bởi rõ ràng xã hội cũng thừa hưởng được ít nhiều lợi ích, có còn hơn không.

Có doanh nghiệp và cả không ít doanh nhân làm từ thiện theo nhu cầu… tâm linh. Cứ nghĩ làm việc thiện trong kiếp này ắt hẳn sẽ được hưởng quả ngọt trong kiếp sau. Cũng tốt, ít nhất là tốt hơn những ai không đủ kiên nhẫn chờ đợi đến kiếp sau nên đã tranh thủ thánh thần, chen chúc mua ấn đền Trần với hy vọng được sớm thăng quan tiến chức, thay vì dùng những khoản tiền nhỏ giúp những người nghèo khó. Đó mới chính là thiện tâm.

Thông tin từ đề tài “Đóng góp từ thiện tại Việt Nam” do Trung tâm Nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương ở Hà Nội thực hiện vào năm 2013 cho thấy ở Hà Nội có 8% doanh nghiệp tham gia ít nhất vào một hoạt động từ thiện trong khi ở TP.HCM tỷ lệ này lên tới 66%. Trung bình mỗi năm các doanh nghiệp TP.HCM đóng góp cho hoạt động số tiền nhiều hơn khoảng 8-9 lần so với các doanh nghiệp Hà Nội.

Điều này cũng dễ hiểu khi Sài Gòn từ xưa là vùng đất dễ sinh sống đã hình thành tính cách hào phóng và chia sẻ. TP.HCM lại là nơi kinh tế thị trường phát triển sớm nhất, đã tạo điều kiện cho giới kinh doanh có điều kiện tham gia vào đời sống xã hội hơn các nơi khác. Người làm ăn, với suy nghĩ mình may mắn trở nên giàu có là cũng nhờ ơn trên giúp đỡ thì cũng phải biết chia sẻ với người khó khăn hơn mình, đạo lý làm ăn là như vậy.

>Đã làm từ thiện thì không để có rủi ro
>Từ thiện và cảm xúc
>
Đi bộ bằng dép gây quỹ từ thiện lần đầu tiên tại VN
>Doanh nghiệp làm từ thiện: Sài Gòn "chịu chi" hơn Hà Nội

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Văn hóa làm từ thiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO