Ưu tiên đầu tư vào khu vực tiêu dùng

05/07/2013 03:46

Thông điệp từ Chính phủ là từ tháng 7 tới cuối năm nay, mỗi tháng, Chính phủ sẽ “rót” cho nền kinh tế 10.000 tỉ đồng.

Ưu tiên đầu tư vào khu vực tiêu dùng

Thông điệp từ Chính phủ là từ tháng 7 tới cuối năm nay, mỗi tháng, Chính phủ sẽ “rót” cho nền kinh tế 10.000 tỉ đồng. Nếu tính cả 30.000 tỉ đồng đầu tư giải cứu thị trường bất động sản thì nền kinh tế được đầu tư đến 90.000 tỉ đồng, tương ứng với 4,5 tỉ USD. Đầu tư vào khu vực nào của nền kinh tế là một bài toán khó.

Có thể Chính phủ đã xác định được khu vực ưu tiên đầu tư là tiêu thụ hàng hóa nên từ tháng 7, công chức, viên chức và đối tượng chính sách được tăng thu nhập

Trước khi bàn về chuyện đầu tư số tiền này vào đâu, xin nhắc lại hai câu chuyện. Đó là bài học về xử lý quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ ximăng. Các năm trước đây, quy hoạch và kế hoạch phát triển ngành ximăng nhằm đáp ứng nền kinh tế phát triển “nóng”, một loạt nhà máy ximăng ra đời.

Nhưng quy luật phát triển thì lại khác. Năm 2012 và 2013 nhằm chống lạm phát, Chính phủ cắt giảm đầu tư công, khu vực đầu tư ngoài nhà nước trầm lắng, khu vực đầu tư bất động sản chìm đắm, ximăng thừa.

Ximăng đã sản xuất ra không tiêu thụ thì chỉ tìm chỗ để đổ. Các nhà máy chỉ có thể giảm công suất chứ không thể ngừng hẳn vì vấn đề lao động và ổn định xã hội.

Chính phủ buộc phải xuất tiền ngân sách mua ximăng phát không cho các địa phương làm đường nông thôn. Dù sao, đường nông thôn cũng được bêtông hóa. Tuy bị động, nhưng nó vẫn mặt nào có phần tích cực cho xã hội.

Chuyện thứ hai là việc mấy năm trước, khi kinh tế thế giới suy thoái và kinh tế Việt Nam suy giảm, Chính phủ dùng đến 8 tỉ USD để giải cứu nền kinh tế. Kết quả giải cứu chưa được tổng kết.

Mọi người chỉ có thể nhận thấy, nền kinh tế chưa kịp khởi sắc đã rơi vào tình trạng nguy hiểm như hiện nay; dự trữ quốc gia thì suy giảm trầm trọng. Đây là bài học đầu tư thiếu trọng điểm và không đúng chỗ.

Còn nay, các nhà quản lý đang đứng trước một loạt vấn đề đặt ra, khi mà chỉ còn có 6 tháng nền kinh tế phải hấp thụ món tiền 90.000 tỉ đồng, đó là : Kế hoạch đầu tư, khu vực đầu tư, giải ngân cho đầu tư… Việc nào cũng khó trong tình trạng sản xuất, thị trường và xã hội hiện nay .

Tuy thế, nhà quản lý vẫn phải tìm ra trọng điểm để đầu tư, để rót vốn trong bối cảnh sản xuất tuy đã ngừng trệ nhưng hàng hóa tồn kho thì vượt trội, doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng, tạm ngừng kinh doanh hàng loạt, nhiều người không còn nguồn thu nhập và rất nhiều người giảm thu nhập.

Có thể Chính phủ đã xác định được khu vực ưu tiên đầu tư là tiêu thụ hàng hóa nên từ tháng 7, công chức, viên chức và đối tượng chính sách được tăng thu nhập.

Tập quán Việt Nam cho thấy, mỗi lần Chính phủ tăng lương thì thị trường lại tạo lập một mặt bằng giá mới. Cuối cùng, tăng lương chỉ kéo theo tăng giá chứ chưa chắc kéo theo tăng sản lượng hàng hóa luân chuyển.

Nếu bây giờ, chú trọng rót vốn vào khu vực sản xuất và kinh doanh mà chưa tìm ra được thị trường tiêu thụ thì cả nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng giống như một sinh vật bội thực, tồn đọng hàng hóa càng trở nên trầm trọng.

Bởi thế, rót vốn lần này nên ưu tiên cho khu vực tiêu dùng, khu vực tiêu thụ hàng hóa. Nếu có sự đồng thuận của các nhà quản lý ưu tiên rót vốn cho khu vực này thì các giải pháp đi kèm phải rất chi tiết, hiện thực, có sự kiểm soát và sau đó có tổng kết, báo cáo… tránh tình trạng bơm nước vào vùng úng và vùng hạn hán, vẫn hạn!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ưu tiên đầu tư vào khu vực tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO