![]() |
“Một người bạn Nhật của tôi sau 13 năm làm việc tại Việt Nam đã thất vọng, nói: Việt Nam có vẻ như không muốn vươn lên phát triển giá trị gia tăng nhờ công nghệ và con người”, ông Trần Đình Thiên, viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam kể tại Ngày nhân sự Việt Nam nhằm minh chứng sự mâu thuẫn giữa mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại và chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Ngày nhân sự được hơn 800 giám đốc và cán bộ nhân sự toàn quốc tổ chức hôm 31/10 tại Hà Nội.
![]() |
Một chuyên gia Nhật nhận định: Việt Nam có vẻ như không muốn vươn lên phát triển giá trị gia tăng nhờ công nghệ và con người. |
Phát triển “giá trị gia tăng nhờ công nghệ và con người”, như ông Thiên nói, chính là việc phát triển kinh tế dựa chủ yếu vào công nghệ cao và năng suất lao động. Điều này đã được đưa vào chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 10 năm trước đây nhưng giờ, sau “10 năm đột phá”, chất lượng nguồn nhân lực nước ta vẫn quá thấp. Năng suất lao động thuộc loại thấp trong khu vực. Cơ cấu lại bất hợp lý.
Hiện tại, tỷ lệ đóng góp từ nhân lực, trí tuệ, năng suất lao động, công nghệ vào tăng trưởng ở nước ta chỉ chiếm 28%, so nhiều nước trong ASEAN là 40% và các nước phát triển là 70%. Chỉ số giáo dục đào tạo tính theo thang điểm 10, nước ta được từ 2,8 đến 3 điểm, Philippines được 3,63 điểm, Hàn Quốc 8,47 điểm và Singapore 9,86 điểm. Tính trung bình năng suất lao động của nước ta quy đổi ra tiền là 1.459 USD/năm, trong khi người Philippines là 3.606 USD/năm và người Hàn Quốc là 38.253 USD/năm.
Theo ông Thiên, những kết quả không mấy tốt đẹp này sau 10 năm quyết tâm đột phá về nguồn nhân lực là do phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hầu như không đi cùng chiến lược đào tạo nhân lực. Các chiến lược này không gắn kết với nhau trong tầm nhìn dài hạn. “Để phát triển tốt nguồn nhân lực, kích thích năng suất lao động và gia tăng giá trị phát triển kinh tế từ con người, nhất thiết phải thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế”, ông Thiên khẳng định.
Với mô hình tăng trưởng hiện dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên, vốn và hệ thống doanh nghiệp nhà nước với giá trị gia tăng từ tăng trưởng rất thấp, nguồn nhân lực cũng không thể có cơ hội phát triển. Hệ thống doanh nghiệp nhà nước chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội nhưng chỉ sử dụng 5% lực lượng lao động. “Nếu chúng ta cứ tiếp tục gia công sản phẩm cho các nước khác như lâu nay thì sẽ biến cả dân tộc thành những người chỉ biết đạp máy khâu”, ông Thiên nói.
Vấn đề ở chỗ, nhìn thấy những mâu thuẫn này, các nhà hoạch định chính sách sẽ làm gì, ứng xử thế nào? Cách giải quyết vấn đề không hoàn toàn phụ thuộc vào việc cứ đào tạo và hàng năm báo cáo là tỷ lệ lao động đã qua đào tạo tăng lên bao nhiêu phần trăm. Là một nước có nguồn nhân lực dồi dào nhưng chất lượng thấp, cần có chiến lược phát triển thế nào để vừa sử dụng được nguồn lao động này, vừa quyết liệt đầu tư dài hạn cho nhân lực công nghệ cao phù hợp với chiến lược phát triển các ngành kinh tế.
Việc thiết kế chính sách ra sao để từng bước thay đổi mô hình tăng trưởng nhằm thay đổi mô hình phát triển nhân lực sẽ không dễ dàng bởi những trở lực từ lợi ích cục bộ vùng, ngành. Nhưng cho dù việc phát triển giá trị gia tăng dựa vào nguồn nhân lực chất lượng cao là một mục tiêu khó khăn đến đâu đi nữa thì cũng phải làm, vì chỉ có thế mới tránh được cái tương lai “chỉ biết đạp máy khâu”.
Ý KIẾN CỦA BẠN