Trăm năm bến phà Hậu Giang

NGUYỄN SAN| 28/04/2010 05:41

Cầu Cần Thơ đã được khánh thành. Phà Hậu Giang ngưng hoạt động, chấm dứt vai trò, phận sự đưa đón khách sang sông về miền Tây Nam bộ đã ngót nghét trăm năm.

Trăm năm bến phà Hậu Giang

Cầu Cần Thơ đã được khánh thành. Phà Hậu Giang ngưng hoạt động, chấm dứt vai trò, phận sự đưa đón khách sang sông về miền Tây Nam bộ đã ngót nghét trăm năm.

Từ những chiếc phà chạy bằng hơi nước…

Trải qua gần thế kỷ, dù ở thời kỳ nào cũng không thể phủ nhận vai trò và công lao to lớn của bến phà Hậu Giang đối với sự khai phá, phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Làm sao kể hết, trong ngần ấy năm đã có bao nhiêu chuyến phà cần mẫn, lầm lũi vượt sông? Ai thống kê được đã có bao nhiêu chuyến xe nặng oằn hàng hóa, bao nhiêu con người đã ngang qua bến phà Hậu Giang. Có thể nói, bến phà Hậu Giang đã in đậm trong ký ức, tâm tư tình cảm của mỗi người dân vùng châu thổ Cửu Long.

Thưở xưa, khi cha ông ta đi mở đất phương Nam; vùng miền Tây, bên kia sông Hậu còn nê địa sình lầy. Trấn Di - tức vùng Cần Thơ bây giờ chưa phát triển. Từ miệt trên xuống, muốn qua sông Hậu, người ta đi ghe bầu, ghe chài hoặc bằng những chuyến đò đạp, đò chèo nhỏ xíu, mỏng manh của người dân ngụ cư ở địa phương.

Khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây, để khai thác tài nguyên thuộc địa, cùng lúc với việc khơi dòng, đào kênh, họ mở rộng hệ thống giao thông toàn Nam kỳ lục tỉnh; trong đó con lộ huyết mạch nối từ Sài Gòn về miềnTây.

Năm 1918, sau khi đào kênh Măng Thít, Xà No, đắp lộ Cái Vồn, Phụng Hiệp, người Pháp xây dựng bến phà Hậu Giang (thường gọi bắc Cần Thơ, bắc Cái Vồn, bắc Bình Minh), vận hành bằng máy hơi nước.

Theo trí nhớ của các cụ già, những chiếc phà đầu tiên ấy nhỏ xíu, chỉ có một đầu, chở được vài chục người với chiếc xe mui rùa. Dần dần, người Pháp cải tiến, thay phà chạy máy hơi nước bằng máy dầu có công suất lớn hơn.

Những năm 60, bến phà Hậu Giang có thêm những chiếc phà 50, phà 100 tấn, chở được cả chục chiếc xe lớn nhỏ và hàng trăm hành khách, có thêm bến phà quân sự phục vụ bộ máy chiến tranh của chính quyền Sài Gòn.

Ngày thống nhất đất nước, bến phà Hậu Giang được tiếp quản nguyên vẹn, phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Năm 1986, đất nước đổi mới, phía bờ Cần Thơ có thêm bến hạ lưu, tạo thêm thuận lợi cho những chuyến phà vượt sông. Năm 1990, phà 200 tấn đầu tiên được đưa vào hoạt động, góp phần giải phóng số lượng lớn người và phương tiện tham gia tuyến giao thông huyết mạch này.

Từ năm 1995, phà tăng cường hoạt động cả ngày lẫn đêm. Nếu như sau ngày giải phóng chỉ có 100 - 200 chuyến phà vượt sông mỗi ngày thì 10 năm trở lại đây đã có trung bình 800 - 900 chuyến phà/ngày cùng với gần 50.000 lượt hành khách, 33.000 lượt xe 2 bánh và 4 bánh qua lại.

… đến cây cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á

Nhắc tới bến phà Hậu Giang, người ta không thể không nhớ tới hàng ngàn con người từ bao đời nay gắn bó với nó.

Ngay từ những ngày đầu bến phà hoạt động, người Pháp đã thuê người Việt Nam đốt lò, phụ việc chạy máy hơi nước, dần dần tham gia vận hành, lái phà, điều khiển, kiểm soát bến phà.

Hàng chục rồi hàng ngàn nhân viên qua nhiều thế hệ như thế đã gắn bó với bến phà cả trăm năm nay. Nhiều người từ đời cha truyền lại cho đời con nghề làm nhân viên bến phà cho đến bây giờ.

Cùng với những chuyến phà từ thời Pháp thuộc, bến xe đò, bến xe lôi, người dân mua bán tụ hội về đây đông dần. Hai bên bến phà có hàng ngàn hộ dân sinh sống cùng với hàng ngàn người xung quanh bến phà mưu sinh với đủ thứ nghề khác nhau.

Họ cất hàng quán bán cơm, nước giải khát, chạy xe lôi, xe ba gác, xe ôm, khuân vác, bán hàng rong và phục vụ các nhu cầu thiết yếu khác cho khách đi đường…

Hoạt động mưu sinh của những “cư dân” tự do này góp phần tạo nên những ấn tượng khó quên cho những ai đã từng ghé qua bắc Hậu Giang.

Nay thì cầu Cần Thơ đã khánh thành, nối liền đôi bờ sông Hậu, rút ngắn khoảng cách miền Tây Nam bộ với cả nước. Vai trò lịch sử của bến phà Hậu Giang sẽ không còn. Đây là bước đi tất yếu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đồng bằng sông Cửu Long muốn phát triển nhanh hơn phải xây dựng hệ thống giao thông hoàn chỉnh, cả đường bộ lẫn đường thủy. Đó là cơ hội để hàng hóa nông sản dễ dàng giao thương với bên ngoài, khai thác tiềm năng to lớn của vùng châu thổ Cửu Long trù phú này.

Song, trước một sự kiện lớn, đánh dấu quá trình phát triển đi lên cũng không khỏi chạnh lòng khi một hình ảnh đẹp, hoạt động cũ sắp mất đi.

Trăm năm còn đó bến sông này. Trong niềm phấn khích, vui mừng bên cây cầu mới, xin dành một chút hoài niệm, tôn vinh bến phà Hậu Giang. Hơn nữa là nhớ đến hàng ngàn số phận con người gắn bó với bến phà nay phải lìa xa, tìm phương mưu sinh khác.

Hãy dành nhiều tình thương và trách nhiệm có thể để những con người này có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn môi trường sống cũ, để họ cũng được hòa cùng niềm vui chung trước sự phát triển đi lên của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trăm năm bến phà Hậu Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO