Thêm áp lực cải cách môi trường kinh doanh

TS. LÊ ĐĂNG DOANH| 03/08/2016 06:14

Thủ tướng đã có chỉ thị rõ ràng việc cải thiện môi trường kinh doanh. Vấn đề bây giờ là biến các quyết tâm đó thành hành động và nó phụ thuộc rất nhiều vào bộ máy các cấp, các ngành.

Thêm áp lực cải cách môi trường kinh doanh

Thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực thu hút đầu tư cũng như tạo điều kiện cho kinh doanh.

Đọc E-paper

Việt Nam đang là địa điểm đầu tư hấp dẫn bởi đã ký kết TPP và FTA với EU. Hàng hóa sản xuất ở Việt Nam, có nhãn mác Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của Mỹ và EU sẽ có thuế suất bằng 0%. 

Vì vậy, lượng đầu tư nước ngoài tăng vọt và chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ châu Á vì có thể tận dụng được lao động giá thấp, lại tận dụng được cơ hội xuất hàng với thuế suất bằng 0%.

Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững và hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn cần phải được cải cách mạnh hơn.

Trước hết, lãi suất ngân hàng của Việt Nam còn quá cao, hiện nay là 8 - 9%/năm, trong khi lãi suất ở Thái Lan chỉ 3%. Như vậy, các doanh nghiệp (DN) của Việt Nam phải trả chi phí rất lớn cho tín dụng.

Thứ hai, các chi phí ngoài pháp luật ở Việt Nam còn rất cao. Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị quyết 35 buộc phải cắt giảm nhưng theo phản ánh của các DN và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) thì chi phí đó không giảm bao nhiêu.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức kiểm tra, giám sát 10 ngày (từ ngày 10 - 20/7/2016) trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, cho thấy, bình quân một ngày các trạm thu phí thu về 1,985 tỷ đồng, nhiều hơn khoảng 585 triệu đồng so với mức bình quân 1,4 tỷ đồng/ngày mà Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo với cổ đông và cơ quan quản lý nhà nước.

Như vậy, tới đây phải điều chỉnh để DN có thể giảm được chi phí. Hiện nay thông quan ở cảng Việt Nam vẫn còn 10 ngày. Giờ đã là tháng 8/2016, thì đến năm 2018, có giảm được từ 10 ngày xuống 2 ngày theo cam kết với TPP?

Nước ta đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn. Cơ hội là có thể thu hút đầu tư nước ngoài, thành lập thêm nhiều DN, mà như Chính phủ yêu cầu phải có 1 triệu DN vào năm 2020, trong đó TP.HCM chiếm một nửa. Đấy là tầm nhìn và mục tiêu đáng khích lệ, nhưng thách thức rất lớn từ phía DN và bộ máy nhà nước. Phải đẩy mạnh cải cách thì mới nắm bắt được cơ hội và vượt lên thách thức đó.

>>TP. Hồ Chí Minh: 5 nhiệm vụ cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh

Cả Ngân hàng Thế giới lẫn Quỹ Tiền tệ Quốc tế đều dự báo kinh tế thế giới năm nay giảm mức tăng trưởng. Diễn biến bất định của tình hình kinh tế thế giới càng "làm khó” kinh tế Việt Nam. Ví dụ, nước ta phải trả nợ các khoản vay Nhật Bản khi giá đồng yên tăng lên 20%, là mức tăng không nhẹ.

Trong khi đó, đồng bảng Anh mất giá tới 10%, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Anh sẽ tăng giá, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của nước ta ở cả Liên minh Châu Âu. Việc Anh rời EU, diễn biến khó dự đoán, bởi chưa biết nước Anh sẽ đàm phán để rút lui trong thời hạn bao lâu, với điều kiện như thế nào.

Dĩ nhiên, nước Anh đòi có quyền tiếp cận thị trường nhưng Liên minh Châu Âu không sẵn sàng. Anh muốn kéo dài đàm phán để tận dụng được ưu đãi thị trường, nhưng EU muốn kết thúc nhanh.

Chắc chắn tình hình bất định đó không có lợi cho đầu tư nước ngoài từ châu Âu vào Việt Nam. Thêm nữa, đồng euro biến động, đồng bảng Anh bị mất giá, trong khi thu nhập của người dân Anh giảm sút, nền kinh tế Anh tăng trưởng âm thì lúc bấy giờ, khả năng nhập khẩu cũng sẽ hạn chế, buộc Việt Nam phải nỗ lực tìm kiếm thêm những thị trường mới. Trong bối cảnh đó, kinh tế của nước ta tăng trưởng 5,52% trong năm nay chẳng hạn, là nỗ lực rất lớn của Chính phủ và DN.

Từ nay đến cuối năm, tình hình có thể diễn biến phức tạp hơn. Cho nên nước ta phải tiếp tục cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ, phải giúp đỡ nông dân nhiều hơn, phải tạo điều kiện nhiều hơn cho DN phát triển, đặc biệt là phải tiết kiệm chi tiêu ngân sách, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là phải tái cơ cấu ngân sách, và điều đó cần phải thực hiện ngay.

Một điểm nữa, Thủ tướng đã có chỉ thị rõ ràng việc cải thiện môi trường kinh doanh. Vấn đề bây giờ là biến các quyết tâm đó thành hành động và nó phụ thuộc rất nhiều vào bộ máy các cấp, các ngành. Báo chí và DN nên ủng hộ quyết tâm đó của Chính phủ để thực hiện tốt hơn các cải cách kinh tế.

NGUYỄN HOÀNG ghi

>>Ấn Độ "hút" giới đầu tư Mỹ nhờ cải cách kinh tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thêm áp lực cải cách môi trường kinh doanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO