Thế hệ doanh nhân mang tên Lương Văn Can

HUỲNH VĂN MINH - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM| 09/10/2012 00:26

Nhiều doanh nhân lớp trước của TP.HCM đã đầy nhiệt huyết để tạo nên một giải thưởng mang tên người thầy đầu tiên của doanh giới là Lương Văn Can, tận tâm để hướng những doanh nhân thế hệ sau theo lời chỉ dạy của cụ từ hơn 100 năm trước: “Kinh doanh phải hiếu nghĩa”.

Thế hệ doanh nhân mang tên Lương Văn Can

Nhiều doanh nhân lớp trước của TP.HCM đã đầy nhiệt huyết để tạo nên một giải thưởng mang tên người thầy đầu tiên của doanh giới là Lương Văn Can, tận tâm để hướng những doanh nhân thế hệ sau theo lời chỉ dạy của cụ từ hơn 100 năm trước: “Kinh doanh phải hiếu nghĩa”.

Đọc E-paper

Nhiều doanh nghiệp tính hiệu quả kinh doanh bằng lợi nhuận quy đổi ra tiền nên đã để việc tích cóp vật chất lấn át mọi giá trị khác của cộng đồng. Trong đồng tiền lợi nhuận, họ đã quên đi sự hủy hoại những dòng sông, tàn phá những khu rừng và làm cạn kiệt những nguồn tài nguyên còn rất hạn chế.

Thậm chí, những đồng tiền lợi nhuận còn quên đi cả sức khỏe và sinh mạng con người, nên thực phẩm và hàng hóa độc hại vẫn tràn ngập thị trường, đầu độc và giết dần, giết mòn chúng ta và con cháu chúng ta.

Nhiều doanh nghiệp tính hiệu quả kinh doanh bằng lợi nhuận quy đổi ra tiền nên đã để những con số tăng trưởng lấn át giá trị bền vững. Họ sẵn sàng mua gian bán lận, hối lộ để được hợp đồng, cấu kết để xoay được vốn, tạo ra những “lợi ích nhóm” bất chấp luật pháp. V

ì đã lỡ quên nên họ phải nhớ hậu quả là hàng loạt doanh nghiệp lớn như Vinashin, Vinalines phá sản, để lại gánh nặng nợ nặng nề hàng chục ngàn tỷ đồng. Rồi nhiều ông chủ, lãnh đạo của nhiều ngân hàng lớn bị bắt giữ, kéo theo cuộc khủng hoảng về vốn vay của doanh nghiệp, khủng hoảng niềm tin của người gửi tiền.

Nhiều doanh nghiệp tính hiệu quả kinh doanh bằng lợi nhuận quy đổi ra tiền nên đã để tư duy kinh doanh chụp giật phá hủy nền tảng của mình gây dựng nhiều năm. Với tầm nhìn ngắn hạn, vì chạy theo đồng tiền trước mắt khiến họ thay vì dùng lợi nhuận để tái đầu tư thì lao vào “đầu tư đa ngành” lướt sóng chứng khoán, nhà đất.

Hậu quả là hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của các công ty bất động sản Việt Nam là 120%, so với mức trung bình 45% của doanh nghiệp cùng nghề trong khu vực Đông Nam Á. Một thị trường bất động sản đông cứng, vỡ nát còn kéo theo đủ các kiểu ông chủ từ ngân hàng, sản xuất đến thương mại vỡ nợ...

Như những quân cờ domino đổ, tiếp nối tình trạng khó khăn năm 2011, từ đầu năm 2012 đến nay, những con số ảm đạm về kinh tế vẫn tiếp tục được đưa ra: tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 4,38% so với cùng kỳ năm ngoái, tín dụng của toàn bộ nền kinh tế hầu như không tăng trưởng, hơn 40.000 doanh nghiệp bị giải thể hay tạm ngừng hoạt động tính đến hết tháng 9.

Những kết quả đáng thất vọng này xuất phát từ bối cảnh khó khăn chung ở trong và ngoài nước và cũng từ những chiến lược phát triển non kém của các doanh nghiệp Việt trong một thập kỷ trở lại đây. Căn bệnh thập kỷ của doanh nghiệp Việt khiến Việt Nam bị báo chí nước ngoài như tờ Newsweek nhận định đầy chua cay là đi từ “nền kinh tế đi từ hổ hóa mèo”.

Càng yếu kém, chúng ta càng nhận rõ những thứ mình cần.

Chúng ta cần những doanh nhân tôn trọng giá trị cộng đồng, để dù kinh doanh hay sản xuất thì cũng góp phần tạo dựng những giá trị sống. Họ biết đo đếm niềm vui của trẻ nhỏ, làm nảy nở trí tuệ và sự hiểu biết của con người cho một cuộc sống ngày càng đáng sống.

Chúng ta cần những doanh nhân hiểu biết giá trị của công nghệ và kỹ thuật để tạo dựng những doanh nghiệp thực sự vững chắc bằng chính đôi chân của mình, chứ không phải vẽ vời bằng những từ ngữ xuôi tai như “biển lớn”, “hội nhập”, “toàn cầu”.

Chúng ta cần những doanh nhân thượng tôn tính chính trực của người công chức, đạo đức của xã hội, hiểu được sự tận tâm đóng góp cho nền tảng vững bền của quốc gia, sức mạnh của dân tộc bằng những sản phẩm dù nhỏ bé nhưng hoàn hảo về chất lượng và uy tín.

Là doanh nghiệp, chúng ta có thể quên nhiều con số, có thể quên nhiều bài giảng về quản trị hiện đại nhưng những giá trị trên thì không thể quên vì chúng là đại diện cho những giá trị của bền vững và nhân phẩm. Chúng ta đón Ngày Doanh nhân Việt Nam 2012 trong một tâm trạng như thế, với biết bao điều “cần” từ những người doanh nhân mới xác lập được một vị trí trong các giai tầng xã hội.

Chúng ta vẫn tiếp tục hành trình để tạo lập nên giá trị của giai tầng do chính mình tạo dựng. Lớp doanh nhân đầu tiên sau đổi mới cũng đã kịp ghi dấu ấn của mình, dù chưa thật vững chắc. Những thế hệ doanh nhân trẻ tuổi cũng đã kịp xuất hiện, cái họ thiếu cũng chính là những gì xã hội muốn gửi gắm và đặt niềm tin.

Có lẽ vì thế, nhiều doanh nhân lớp trước của TP.HCM đã đầy nhiệt huyết để tạo nên một giải thưởng mang tên người thầy đầu tiên của doanh giới là Lương Văn Can, tận tâm để hướng những doanh nhân thế hệ sau theo lời chỉ dạy của cụ từ hơn 100 năm trước: “Kinh doanh phải hiếu nghĩa”.

Dù con đường đạo làm giàu thấm nhuần hai chữ “hiếu nghĩa” còn dài nhưng chúng ta đã thấy bóng dáng của thế hệ doanh nhân tương lai qua những đề án mang hoài bão, trí tuệ của tuổi trẻ và đam mê dấn thân cho cộng đồng. Tất cả còn dang dở trên giấy nhưng niềm tin thì đã sáng dần, khỏa lấp những điều mà “chúng ta cần” ở những doanh nhân tương lai.

Chắc chắn, những doanh nhân trẻ đó sẽ không quên mình là: Tài năng Lương Văn Can.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thế hệ doanh nhân mang tên Lương Văn Can
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO