Tết phương xa

Nguyễn Ngọc Phương - California, Mỹ| 31/01/2022 07:00

Cali (California, Mỹ) đang chìm trong không khí Giáng sinh với thời tiết lạnh hơn bình thường. Cây đào trước sân nhà tôi vào mùa trút lá. Tôi lơ đãng ngắm nhìn từng chiếc lá vàng rơi lặng lẽ trên nền cỏ đẫm giá sương, báo hiệu một mùa hoa nở muộn.

Tết phương xa

Đối với gia đình ba người chúng tôi, mùa lễ hội ở xứ Cờ Hoa không chỉ có lễ Tạ ơn, Giáng sinh, Tết dương lịch, mà còn có cả Tết nữa. Tôi tin rằng, đây là khoảng thời gian tuyệt vời nhất của năm, khi mà nhịp sống bỗng lắng đọng, chỉ còn yêu thương và niềm tin bừng sáng.

Năm nay, tôi không kịp về Việt Nam đón Tết cùng gia đình. Dịch bệnh đã làm thay đổi cuộc sống và những dự định của chúng tôi. Nhưng Tết vẫn tự đến với đầy đủ sắc màu của bánh mứt và hoa quả, như một sợi dây vô hình gắn kết nhiều thế hệ trong gia đình chúng tôi. Suốt một năm bận rộn, dù ở đâu, khi Tết đến, chúng tôi ai cũng trở về hay nhớ về gia đình và cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho người thân, tổ tiên, ông bà.

Mặc dù Cali khá an toàn với dịch bệnh, tôi vẫn quyết định sẽ mua bánh mứt, hoa quả ở siêu thị hay là đặt mua từ một người quen, thay vì đi chợ Tết ở khu Phước Lộc Thọ như những năm trước Covid-19. Khi ấy, vào lúc gần Tết , vợ chồng tôi thường dẫn con trai tới đây để mua những tép pháo. Thằng bé thích thú ném chúng xuống đường để nghe những tiếng nổ giòn tan. Trong khi vợ chồng tôi tranh thủ ngắm nhìn những cành mai rừng và đào phai cao vút. Mặc dù chúng không rực rỡ như mai 6 cánh hay đẹp nao lòng như đào thắm Nhật Tân ở Việt Nam, những cành hoa này đều có nét đẹp riêng man mác gợi nhớ mùi Tết quê nhà. Cuối tuần, chắc tôi sẽ lại đi tìm mua vài củ hoa thủy tiên về gọt với hy vọng hoa sẽ nở vào đúng những ngày đầu Xuân.

Năm tháng trôi qua mang theo những cái Tết phương xa, những đổi thay và nỗi nhớ. Giờ đây, Tết ở Việt Nam có gì thì tôi cũng tìm được những thứ ấy ở Cali, từ bánh mứt cho tới vú sữa, măng cụt. Thậm chí tôi còn thấy cả trái Phật thủ, khế và thanh long bày bán tại siêu thị của người Mỹ như Pavilon và Whole Foods gần nhà. Tuy nhiên, không khí và hương vị Tết ở quê nhà vẫn rất khác biệt. Nhớ nhất là mùi bánh chưng nấu thâu đêm của má, tiếng cười sảng khoái của ba khi chuẩn bị những bao lì xì đỏ thắm cho con cháu, hay mùi hương trầm nhà ai bay lang thang khắp đoạn đường vắng lặng sáng mùng một Tết.

Tết này rơi vào ngày trong tuần chứ không phải cuối tuần như Tết Tân Sửu, nên con trai tôi vẫn phải đi học. Lúc đó sẽ là thời điểm con tôi chuẩn bị cho những bài kiểm tra giữa kỳ. Vậy nên tôi sẽ chỉ còn một trợ thủ đắc lực và thường trực là ông xã. Anh sẽ giúp tôi chuẩn bị và cúng ông bà, má chồng và ba tôi.

Tôi hài lòng với sự sắp xếp như vậy. Con trai tôi vẫn thích tối ba mươi nhất. Sau bữa cơm Tết niên với ông nội, các cô chú và anh em họ, thông thường tiếp theo sẽ là thời điểm của những bao lì xì đỏ thắm cùng những lời chúc tốt lành. Con sẽ được dịp đốt những giấy tiền vàng bạc trong một thùng sắt màu đỏ ở ngoài sân để đón ông bà về ăn Tết. Đến rằm tháng giêng, gia đình cháu gái và chúng tôi thường đi chùa Dược Sư dự lễ phóng sanh, hoặc là dẫn trẻ con đến chùa Hsi Lai ném những đồng tiền lên cây mơ ước. Tôi luôn mỉm cười khi thấy con cháu tôi thì thầm cầu nguyện.

Những đứa trẻ như con tôi lớn lên có thể sẽ nói tiếng Việt không rành, nhưng chắc chắn một điều là cuộc sống của các cháu không chỉ có Santa Claus và những món quà Giáng sinh, mà còn cả cái cây mơ ước và những bao lì xì đỏ thắm mà các cháu gọi là lucky money (tiền may mắn). 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tết phương xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO