Tận đáy đô thị

BÍCH HỒNG| 14/09/2012 09:48

Trời mưa không dứt. Những gánh ve chai vẫn cần mẫn ngang qua cửa, rao lên một tiếng cầu may.

Tận đáy đô thị

Trời mưa không dứt. Những gánh ve chai vẫn cần mẫn ngang qua cửa, rao lên một tiếng cầu may.

Đọc E-paper

Buổi chiều trời lại đổ xuống trận mưa mới, đôi quang gánh đặt vội ké vào hiên nhà.Một đôi bàn tay gầy đen níu giữ những mảnh ny-lon che số trái cây còn đọng lại cuối buổi. Ngấm mưa thì trái cây hỏng hết! Bắt gặp cái nhìn của bà cà phê, cái giọng cất lên nằng nặng trĩu những muối biển miền Trung.

Bà cà phê nhích cái bàn, biểu vô thêm chút nữa đi. Ở ngoài Quảng vào à? Dạ! Cả gia đình hay một mình? Dạ, hai vợ chồng vô, còn hai đứa con gái đang đi học ở với nhau ngoài đó!

Tiếng trao qua đổi lại thấp thỏm được mất sau tiếng ống thoát nước kêu ồ ồ. Thuê nhà ở à? Dạ, thuê chỗ ngủ thôi, đi cả ngày, ăn ngoài đường thuê nhà uổng tiền lắm bà ạ. Mỗi tối vào khu trọ thuê một chỗ bằng cái chiếu hết mười ngàn đồng vợ chồng ngủ được rồi bà ạ.

Ra là giữa đất Sài Gòn mênh mông này có những khách sạn ngàn sao mười ngàn đồng mỗi đêm, với cái giếng nằm lút trong cỏ dại, và văng vẳng đâu đây tiếng ti vi oang oang nghe ké đỡ thèm. May vợ chồng còn có cái chứng minh, làm cái thẻ ATM mỗi chiều về ngang cái bốt đầu đường lại ghé, gửi mấy trăm ngàn đồng vốn vào chờ sáng rút ra buôn bán.

Ở đây có vợ có chồng là đỡ rồi! Bà cà phê an ủi. Bà hàng rong đồng tình, nhưng lại thở dài, bảo lo cho hai đứa con gái còn ở với nhau trong căn nhà trống trải ngoài quê, không biết đêm hôm có sao không! Bà lo hôm nọ có người đọc báo bảo có vụ đứa bé gái ở nhà một mình bị trai làng quấy nhiễu đến mang bầu, tội nghiệp lắm.

Bà cà phê gạt ngang, thôi, đừng quá lo cái chuyện năm thuở mười thì, bất hạnh lắm mới gặp chuyện xấu chứ người xấu ở đâu ra mà nhiều như thế. Lời an ủi cất được gánh nặng, gánh trái cây sau mưa dường như nhẹ tênh theo bước chân như chạy của người đàn bà tha phương nhìn không rõ mặt sau vành nón. Người trong nhà nghe lỏm câu chuyện, cũng muốn nhích ra ngoài gần vỉa hè hơn để uống ly cà phê, nhưng trời đang mưa thấy ngán.

Ngồi trong nhà ông sợ đọc báo, xem ti vi, sợ vào mạng internet vì cảmgiác người xấu việc xấu trên ấy nhiều quá, buổi sáng ly cà phê thường ngưng ngang cổ, bỏ luôn ăn sáng để nhìn theo dòng người xuôi ngược phố, lắng nghe những cuộc cãi cọ từ đám đông tắc đường, nghe tiếng rao nằng nặng muối bán những cái bánh bột chiên hai nghìn đồng cho đám học trò hẻm lót dạ.

Ông thường tự hỏi cuộc sống tươi đẹp ông nuôi mộng từ thời còn trẻ trung lãng mạn nó cứ rơi rụng dần theo sau mỗi đoạn đời, để bây giờ cứ suốt ngày đối diện với những điều buồn bã tẻ nhạt. Ông nhớ đến những câu chuyện giáo dục mấy chục năm trước, rằng chú cảnh sát trong vai trò người biểu dương một đứa bé nhặt được của rơi đem nộp đồn công an trả cho người mất, bây giờ một anh cảnh sát giao thông không nhận hối lộ vài triệu đồng của người vi phạm đã được lên báo biểu dương như... chuyện lạ trên Trái đất!

Cuộc sống thay đổi đến vậy, thì ông làm sao hoạch định được ước mơ!

Sáng nay trời vẫn mưa! Ông vẫn ngồi trong nhà nhưng bỗng nhận ra đang hóng về phía cửa dường như chờ đợi một tiếng chào hỏi bâng quơ ngoài đó. Ông nhận ra mình cô đơn trong sự đầy đủ đến mức không có niềm vui hay nỗi buồn nào có thể tác động đến tinh thần của mình, dường như ông cứ chìm hẳn vào tiếng mưa gõ đều trên mái.

Và ông ngạc nhiên nhận thấy mình nhổm dậy trên ghế nệm, bỏ tờ báo, lắng nghe tiếng chào “nặng muối biển” của người đàn bà bán trái cây rong. Bà ấy đi nhanh đến, bảo là muốn biếu bà cà phê một trái dưa hấu ngon vì nhà có tin vui.

Tin gì thế, cả người ngồi trong nhà lẫn người ngoài vỉa hè đều nghiêng tai chờ đợi, tin vui thiệt vì đứa con gái thui thủi ở quê vừa đậu vào trường chuyên cấp huyện. Bà trái cây vui như một tương lai rực rỡ đã hiển hiện sau kết quả đậu trường chuyên ấy. Người trong nhà nhắm mắt lại, ông muốn làm điều gì đó gia tăng thêm niềm vui cho người mẹ, ông bước ra lúng túng nói một câu chúc mừng kiểu công chức hay nói trong các cuộc họp.

Ông thấy người mẹ ngỡ ngàng nhìn, vì vậy ông rút ra một món tiền nhỏ, đưa bà mẹ bảo là quà ông gửi cho cháu năm học mới. Bà mẹ rụt tay không nhận. Mãi về sau ông mới hiểu ra hành động đột ngột của mình, nó bắt đầu từ trong sâu thẳm suy nghĩ về cái định mệnh “con sãi ở chùa”.

Hóa ra ông là người không tin vào cổ tích, không tin vào những chàng Thạch Sanh hay Nàng Lọ Lem có thể đổi đời nhờ sự nỗ lực, nhờ đạo đức hoặc tài năng. Ông muốn an ủi, hay bù đắp, hay muốn san lấp cái bất công từng được đúc kết trong câu ca dao bất hủ kia?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tận đáy đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO