Tái cơ cấu cần gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng

TS. TRẦN DU LỊCH - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội| 22/08/2013 00:59

Vấn đề trung - dài hạn của nền kinh tế liên quan đến sự bất cập của cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng.

Tái cơ cấu cần gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Vấn đề trung - dài hạn của nền kinh tế liên quan đến sự bất cập của cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng. Đây là vấn đề được đặt ra từ nhiều năm, nhất là từ năm 2008, khi chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng rõ ràng mọi chuyện vẫn chậm được giải quyết.

Đọc E-paper

Bất cập kéo dài

Quan điểm tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng được đặt ra trong chiến lược 10 năm, từ 2011-2020 và trong kế hoạch 5 năm 2011-2015, nhưng cho đến nay chưa có một chính sách căn cơ đi vào cuộc sống.

Chẳng hạn, chúng ta có một nền công nghiệp chủ yếu dựa vào gia công, với lao động rẻ, giá trị gia tăng thấp đã mất sức cạnh tranh khi hội nhập với kinh tế khu vực và toàn cầu.

Năm 2012 sự gia tăng xuất khẩu chủ yếu dựa vào khu vực FDI (cũ và mới), còn doanh nghiệp (DN) trong nước hoàn toàn không có khả năng tăng trưởng xuất khẩu ( thậm chỉ tổng thể là âm). Trong khi đó giá cả lao động phải tăng liên tục để bù đắp lạm phát và yêu cầu cải thiện đời sống, nên chi phí sản xuất tăng, sức cạnh tranh giảm.

Công nghiệp hỗ trợ - yếu tố then chốt để nâng tỷ trọng nội địa hóa trong cơ cấu giá trị sản phẩm, giảm giá thành - cho đến nay vẫn thiếu chính sách phát triển. Một nền nông nghiệp có nhiều lợi thế, nhưng dựa vào xuất thô với giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự đặt vào khuổn khổ cạnh tranh toàn cầu, nên không thể cải thiện được thị trường của 70% dân số sống ở nông thôn.

Xuất khẩu hơn 7 triệu tấn gạo, với doanh thu 3,5 tỷ USD, ngay cả lợi nhuận đạt 30% (thực tế rất khó) cũng không thể cải thiện đời sống cho người dân trồng lúa. Thị trường nông thôn, một thị trường có số lượng người tiêu dùng chiếm gần 70% dân số, nhưng không thể mở rộng với cơ cấu sản xuất nông nghiệp, có giá trị gia tăng thấp như hiện nay.

Vấn đề lớn thứ hai là năng suất tổng hợp (TPF) giảm. Cụ thể, năng suất tổng hợp là chỉ báo quan trọng thể hiện sự sử dụng các yếu tố sản xuất (tài nguyên, nhân lực và vốn) có hiệu quả.

Sự giảm tuyệt đối năng suất tổng hợp trong việc đóng góp vào tốc độ tăng trưởng GDP trong 10 năm gần đây; đồng thời tăng nhanh yếu tố vốn đã lý giải nguyên nhân nền kinh tế kém cạnh tranh và sự tăng trưởng GDP chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư. Hệ số ICOR tăng cao, gây mất cân đối nghiêm trọng giữa tích lũy và đầu tư.

Đây là nguyên nhân sâu xa của lạm phát. Năng suất và hiệu quả đang là thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong quá trình cạnh tranh và hội nhập quốc tế đang diễn ra.

Cuối cùng, tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đang vướng mắc về mặt tư duy. Nói như thế vì sự vướng mắc làm chậm quá trình tái cơ cấu thể hiện trên ba mặt:

(1) Chức năng kinh tế của nhà nước trong điều kiện vận hành của cơ chế thị trường: sự lẫn lộn giữa Nhà nước và thị trường.

(2) Hạn chế trong việc sử dụng các công cụ điều tiết thị trường của Nhà nước: vai trò dẫn dắt và hỗ trợ thị trường của thể chế kinh tế và hành chính công.

(3) Sự phân bố nguồn lực kém hiệu quả: đầu tư công , doanh nghiệp nhà nước, bất động sản...

Giải pháp nào?

Thực tế các chính sách của Chính phủ để cải thiện những vấn đề trên vẫn đang thực thi, đồng thời Chính phủ cũng áp dụng nhiều giải pháp để tăng tổng cầu, kích thích phục hồi tăng trưởng và thực thi các chính sách nhằm khởi động quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.

Song, rõ ràng chúng ta đang mất quá nhiều thời gian, trong khi đó, năm 2013 là năm mấu chốt để tái cơ cấu nền kinh tế, tạo cơ hội để DN cũng tái cơ cấu, lành mạnh hóa thị trường, hướng đến mục tiêu phát triển trung hạn và dài hạn.

Theo đó, vấn đề quan trọng nhất của chính sách kinh tế vĩ mô hiện nay là lấy lại và củng cố niềm tin cho thị trường. Bởi trong suốt 5 năm phải áp dụng các biện pháp tình thế để ổn định kinh tế vĩ mô, đã làm thị trường mất phương hướng dài hạn.

Chẳng hạn với hệ thống chính sách và giải pháp Chính phủ đề ra thông qua Nghị quyết 01 và 02 là những nỗ lực cần thiết để lấy lại niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tập trung hơn trong các đề án tái cơ cấu.

Ví dụ, Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013 - 2020, trong đó đã phân kỳ giai đoạn 2013 - 2015 ưu tiên tập trung tái cơ cấu ba lĩnh vực: đầu tư công, hệ thống ngân hàng thương mại và tập đoàn tổng công ty nhà nước.

Trong quá trình thực hiện các chính sách và giải pháp mà Chính phủ đã đề ra, sẽ có tác động làm tăng tổng cầu và phân bố lại nguồn lực. Đây là cơ hội các DN cần nắm bắt để xây dựng một chiến lược kinh doanh mới. Thị trường sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh, thị phần sẽ được phân chia lại.

Đây là cơ hội cho những DN có điều kiện mở rộng thị phần, tăng đầu tư với chi phí rẻ. Với lạm phát kỳ vọng 6% - 7% và tỷ giá VND/USD ổn định ở biên độ 2% - 3% trong năm 2013 sẽ tạo điều kiện quan trọng cho DN xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường và tính toán cho các mục tiêu trung hạn.

Bên cạnh đó, trên cơ sở định hướng tái cơ cấu nền kinh tế theo đề án của Chính phủ đến năm 2020, DN có điều kiện hơn trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn. Chắc chắn năm 2013 - 2014 sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu thị trường "nghiệt ngã”, trong đó có thị trường lao động.

Đây là cơ hội để DN phát triển nguồn nhân lực; thu hút đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, với những điều kiện và giải pháp nêu trên, có thể xem đây là thời kỳ mở ra cơ hội cho những DN nắm bắt để tái cơ cấu và phát triển bền vững.

Để việc tái cơ cấu đạt hiệu quả, cơ quan chức năng cần xác định rõ lĩnh vực, ngành nghề cần tái cơ cấu; đồng thời cần có những cơ chế, chính sách linh hoạt để triển khai việc tái cơ cấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tái cơ cấu cần gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO