Sống ở thành phố sinh thái

BÍCH HỒNG| 09/10/2009 04:10

Hội An bắt đầu những bước đi chập chững theo mô hình thành phố sinh thái (Eco-city)

Sống ở thành phố sinh thái

Hội An bắt đầu những bước đi chập chững theo mô hình thành phố sinh thái (Eco-city)

Tôi hình dung chuyện tương lai thế này. Bạn sẽ nói, thật là tuyệt vời nếu được sống ở một thành phố sinh thái (TPST). Nhưng thói quen sinh hoạt, làm ăn của bạn sẽ “đụng” với hàng loạt quy định khắt khe. Rất nhỏ thôi. Ở chợ, người bán hàng đưa cho bạn một gói cá mà không có bao ni lông kèm theo. Bạn sẽ lúng túng nếu không chuẩn bị trước cho việc này. Người ta đến nhà bạn để kiểm nghiệm nước thải và ghi biên lai phạt nếu như có tố chất ô nhiễm đặc biệt.

Hội An hôm nay

Bạn dự định xây căn nhà, bản vẽ thiết kế không thể “cá tính” đến phá luôn cảnh quan kiến trúc chung. Là một nông dân, bạn luôn phải áp dụng quy trình nghiêm ngặt khi trồng trọt. Nếu là DN, hàng loạt quy định đặc biệt về xây dựng, về nguyên liệu, về chính sách với công nhân ràng buộc từng chi tiết. Rất nhiều thứ quy định đặt ra đảm bảo nơi bạn đang sống được phân biệt bởi mức độ hòa hợp của những yếu tố không có lợi liên quan tới môi trường, tài nguyên, nhân văn trong chương trình hành động của cộng đồng hay cá thể. Tuy nhiên, được sống ở TPST vẫn là mơ ước của mọi người.

Bởi thế, hằng ngày, khi mở báo đọc có thể gặp quảng cáo bán đất dự án đầy những chữ “đô thị sinh thái”, người ta sẽ dựng lên những khu đô thị nhỏ ở một nơi riêng biệt trong quy hoạch tổng thể vùng và đặt tên cho nó là đô thị sinh thái. Nhưng để tiến tới xây dựng thành phố đã tồn tại hơn 300 năm thành TPST liên hoàn Eco-city, hiện nay thế giới chưa có hình mẫu. Hội An được coi là nhà thám hiểm đầu tiên với kế hoạch Eco-city, một bước đi đảm bảo cho sự phát triển bền vững của một Di sản Văn hóa Thế giới sống và tiếp tục phát triển mạnh về kinh tế.

Hội An thành công hay thất bại, VN và quốc tế sẽ có thêm kinh nghiệm về mô hình Eco-city. TPST Hội An sẽ là những khu đô thị liên hoàn trong tổng thể thống nhất, không sinh thái “lẻ tẻ”.

Mồng 9 tháng 9 vừa qua, phố cổ sống trong một không khí đặc biệt. Đây là ngày đầu tiên toàn Hội An không sử dụng bao ni lông, lại cũng là sự kiện đầu tiên trên thế giới. Du khách và cư dân phố cổ được tập thử thói quen mới. Thật không dễ dàng gì. Tổng giám đốc Công ty May thời trang Yaly cho biết, Công ty đã phải chuẩn bị khá nhiều túi giấy chất lượng tốt, thiết kế lại logo cho phù hợp để giao hàng cho khách nước ngoài trong ngày đặc biệt này. Mỗi chiếc túi giấy phù hợp với thương hiệu của công ty có giá thành gấp 5 lần bao ni lông cùng loại.

Kiến trúc mới hòa nhịp được cùng phố cổ

Tuy thế, bà Trịnh Lữ Quỳnh nhận định vấn đề, nếu mỗi công dân phố cổ góp một tay xây dựng Hội An TPST, bảo tồn tốt di sản, thì cơ hội phát triển bền vững mới đem lại sự sung túc cho người dân. Giá trị cộng thêm từ thương hiệu của thành phố rất to lớn.
Nghe thế tôi thấy cũng phấn khởi. Nhưng lúc ra chợ, việc không dùng bao ni lông làm cư dân phố cổ bối rối. Cá, thịt chưa biết gói bằng gì cho phù hợp. Hội An chưa có siêu thị, nhưng cũng sắp khai trương siêu thị đầu tiên. Nếu Hội An áp dụng thường xuyên quy định về bảo vệ môi trường, e rằng siêu thị muốn tồn tại, phải nghiên cứu mô hình bán hàng “sinh thái”. Từ bài tập dượt về một ngày không có bao ni lông ở phố cổ, tôi thấy hai chữ “sinh thái” thật sự là một hành trình vượt dốc tại VN, chứ không riêng gì Hội An.

Giữa tháng 9 năm nay, Hội An vừa đưa công khai dự thảo đề án khoa học xây dựng một TPST để các nhà khoa học tự nhiên và xã hội phản biện. Có thể trong suy nghĩ, chúng ta thấy với thực tế ở VN chuyện này khó như cá chép hóa rồng. Bởi vì một TPST không đơn giản đạt chuẩn về cây xanh, nước sạch - đương nhiên - nó còn đòi hỏi yếu tố về sinh thái nhân văn, trong đó con người là hạt nhân vừa bảo vệ những thành tựu nhân văn, vừa tiếp tục tạo ra giá trị mới.

PGS-TS Nguyễn Hoàng Trí - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục môi trường, Tổng thư ký Ủy ban Sinh quyển và Con người VN (MAB), đưa ra ý kiến cần áp dụng tư duy hệ thống trong quản lý khu sinh quyển Cù Lao Chàm và Di sản Thế giới Hội An, đáp ứng tiêu chí TPST. Ông cho rằng, mô hình đô thị sinh thái của Hội An là kết nối giữa cảnh quan thiên nhiên và văn hóa, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, làm ý thức của nhân dân được nâng lên, trong đó ý thức của người dân là quan trọng nhất. Với Hội An, để xây dựng thành công đô thị văn hóa, cần lấy bảo tồn làm trọng và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Theo góp ý của các nhà khoa học, một thành phố muốn xây dựng theo tiêu chuẩn sinh thái, rất cần đến một nền tảng tốt để lên kế hoạch cho tương lai. Hội An là một thành phố có nền tảng rất tốt về vị trí địa lý và quá trình phát triển đúng hướng một đô thị văn hóa du lịch. Nhìn lại quá khứ, người phố Hội ít nhất 400 năm sống trong không gian đô thị, quen buôn bán với Tây, Tàu, Nhật, bây giờ họ cũng nhanh chóng quen bầu không khí đa chủng tộc.

Thân thiện

Sáng mở cửa tiệm thuốc Bắc, anh họ Vương gốc mười đời Phúc Kiến “Good morning!” hàng xóm là họa sĩ người Úc. Ông người Úc có gian hàng nhỏ bán mấy tác phẩm điêu khắc bằng đá. Cái không gian đẹp ở vườn sau, ông lại dọn thêm ít bàn gỗ bé tí xíu, mấy cái phin cà phê, mở toang cửa để người ra vào, nghe nhạc, ngắm mấy cái tượng. Còn ông họa sĩ mải mê đọc sách. Bên kia đường, một đôi chồng người Ý, vợ người Thái đi ăn phở sáng về cũng tươi tỉnh “Good morning!”. Họ là hàng xóm của nhau, đang phát đạt nhờ phố cổ hút khách bốn phương.

Trong một quán cà phê nhỏ, cả phố biết hết mọi tin tức, bàn nhau đi thăm một gia đình có tang hay chuẩn bị dự đám cưới của người quen biết. Người nước ngoài đến đây lập nghiệp hòa nhập vào lối sống này rất nhanh. Vấn đề là Hội An giữ nếp sống cũ như một truyền thống văn hóa, giờ đây nó sẽ là nền tảng để công dân phố cổ đồng thuận thực hiện mục tiêu TPST. Mục tiêu đặc biệt này phải dựa vào một thế hệ lãnh đạo chính quyền chịu nghe phản biện.

Nó phải giải quyết những trở ngại trong các lĩnh vực sinh thái học đô thị; phát triển bền vững; hình thái học, môi trường đô thị; quy hoạch, kiến trúc, giao thông sinh thái. Nhờ luôn nghe phản biện từ giới trí thức, nghiên cứu khoa học, Hội An đã có quy hoạch không gian tốt, đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa đô thị và vùng ven nông thôn, mở rộng vùng du lịch văn hóa cho phố cổ chật hẹp bằng làng nghề. Những làng quê có đặc trưng như rau Trà Quế, dừa nước Cẩm Thanh, mộc Kim Bồng, trầu cau Cẩm An có thể làm rung động bất cứ ai vì cái vẻ xanh ngan ngát của cây cối, cái hiền hòa xưa cũ của con đường làng và mái nhà ngói quê.

Một buổi tối ngồi bên vùng quê An Hội ngó về phố cổ bên kia sông Hoài, tôi phải thầm khen ai đó đã tạo nên kiến trúc cảnh quan tuyệt đẹp cho Hội An. Hàng chục chiếc đèn lồng viền theo nếp nhà cổ, dưới bến sông, vài chiếc thuyền in xuống bóng nước long lanh. Người Hội An thật hạnh phúc vì họ được sở hữu một di sản văn hóa sống động đến vậy. Sau này họ cũng sẽ sống giản dị, hạnh phúc trong một thành phố luôn hành động vì môi trường sống, mọi công việc, sự nghỉ ngơi ngày càng tốt đẹp hơn lên. Một mô hình của Hội An không thể là quá khó đối với những thành phố chưa bị ảnh hưởng nhiều của công nghiệp hóa. Huế và Nha Trang có thể sẽ là những ứng cử viên mới của TPST..

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sống ở thành phố sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO