Sông Hậu kết không hậu

ANH THƯ| 26/11/2009 00:26

Vụ án Nông trường Sông Hậu” vẫn chưa khép lại dù bản án phúc thẩm đã tuyên 8 năm tù giam dành cho bà Trần Ngọc Sương - người đã từng được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới

Sông Hậu kết không hậu

“Vụ án Nông trường Sông Hậu” vẫn chưa khép lại dù bản án phúc thẩm đã tuyên 8 năm tù giam dành cho bà Trần Ngọc Sương - người đã từng được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và Người phụ nữ Ấn tượng châu Á.

Chưa khép lại vì còn rất nhiều dư luận không thuận chiều trước bản án dành cho nguyên giám đốc của mô hình kinh tế nông trường quốc doanh này. Thậm chí, hàng trăm nông trường viên đã viết đơn xin đi tù thay bà. Có lẽ ít có vụ án nào mà nhận được cả ý kiến của Thủ tướng, nguyên Phó chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ Công an.

Dư luận không thuận không phải vì danh hiệu hay những đóng góp của bà Sương, mà vì danh dự của bà và cuộc sống của hàng ngàn nông dân Nông trường Sông Hậu. Pháp luật có cả tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ, nhưng quan trọng nhất là phải xử đúng luật, và nếu xử không đúng bản chất vụ án thì người dân sẽ hoài nghi về tính nhân bản của những người đại diện công lý.

Trong quyết định cuối cùng, thẩm phán của Tòa Phúc thẩm thành phố Cần Thơ tin rằng: “Nông trường Sông Hậu cho đến nay vẫn là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, việc lập quỹ để ngoài sổ sách trái quy định là vi phạm pháp luật”. Khoan bàn đến quyết định xét xử, chỉ bàn tới mô hình sản xuất, kinh doanh của Nông trường Sông Hậu (nay là Công ty Nông nghiệp Sông Hậu).

Là mô hình nông trường quốc doanh tiêu biểu thời bao cấp, nhưng ông Năm Hoằng và sau này, con gái ông là bà Ba Sương, đã không nằm chờ cơ chế bao cấp. Họ tự vay vốn ngân hàng, tự tích lũy làm ăn và tự đầu tư mạng lưới y tế, giáo dục, đường sá. Cũng nhờ năng động mà Nông trường đã trực tiếp xuất khẩu gạo. Rồi từ một DN thuần nông (sản xuất lương thực chiếm 90% doanh thu những năm đầu), Nông trường Sông Hậu đã trở thành DN chế biến và xuất khẩu lương thực, chủ yếu là gạo, đồ gỗ (chiếm 90% doanh thu)..., trở thành mô hình sản xuất - kinh doanh lá cờ đầu của cả nước.

Tuy nhiên, kinh doanh theo cơ chế thị trường mà vẫn không thoát khỏi mô thức quản lý tập trung, cơ chế xin - cho thời bao cấp, đã gây khó khăn cho chính Nông trường và những người lãnh đạo của nó. Cái áo bao cấp đã không phù hợp với một nông trường năng động. Có lẽ vì vậy mà Sông Hậu ráo riết chuyển đổi 8 đơn vị thành viên thành công ty cổ phần. Năm 2004, trên địa bàn của Nông trường thành lập xã Thới Hưng để lo việc hành chính cho dân, Nông trường chỉ còn lo việc kinh doanh để trở thành Tổng công ty Nông nghiệp Sông Hậu. Thế nhưng, việc tách bạch ấy lại gây thêm nợ cho các công trình phúc lợi công cộng do Nông trường đầu tư, được chính quyền nhận nhưng không trả tiền...

Theo sổ sách thì quỹ đời sống (mà phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm gọi là “quỹ đen” của nông trường thành lập năm 1979), tới nay quỹ tồn tại 30 năm. Quỹ gây dựng với mục đích giúp đỡ 3.000 hộ nông dân nghèo bước đầu vào nông trường. Tổng tiền của quỹ là 4,5 tỷ đồng. Nếu tính chi ly, trung bình mỗi năm quỹ chi 150 triệu đồng chia cho 3.000 hộ dân, tương đương mỗi hộ là 50 ngàn/năm hay 4.200 đồng/hộ/tháng. Nếu là DN cổ phần đang ăn nên làm ra thì những con số này quả là vô nghĩa. Nhưng đối với DN nhà nước thì nó phải trả giá bằng 8 năm tù và cũng là nguy cơ đối với hàng ngàn hộ lao động tại nông trường.

Một DN có doanh số hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm thì khó tránh khỏi rủi ro do một vài khách hàng dây dưa không chịu trả nợ, hay quịt nợ, mà có khi số nợ ấy lên hàng chục tỷ đồng. Sử dụng vài tỷ đồng tiếp khách hay lập quỹ phúc lợi cũng là chuyện thường... Nhưng với một DN nhà nước, điều đó lại có thể không được phép. Vào những năm 1980, luật pháp chưa thiết lập các tiêu chí rành mạch giúp phân biệt giữa “quỹ hợp pháp” và “quỹ bất hợp pháp”. Trong bối cảnh luật pháp đã trở nên rõ ràng thì sự phân biệt “trắng - đen” cũng trở thành chứng cứ kết tội người có trách nhiệm tiếp tục duy trì và vận hành quỹ không theo luật mới. Đó vừa là bài học, vừa là day dứt của “vụ án Nông trường Sông Hậu”.

Mục tiêu cao nhất của luật pháp là tạo hành lang dẫn dắt DN kinh doanh và sản xuất ngày càng hiệu quả, đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Nếu luật và chính sách không đưa ra được những cảnh báo rõ ràng, cũng như DN hiểu không thấu đáo, thì vô hình trung, luật trở thành cái bẫy nguy hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sông Hậu kết không hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO