"Siêu cơ quan" phải độc lập, chịu trách nhiệm trước Quốc hội

THANH HUYỀN thực hiện| 22/03/2017 06:34

Việc lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đó phải là một cơ quan hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

Việc lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp, theo chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh, đó phải là một cơ quan hoạt động độc lập, chịu trách nhiệm trước Quốc hội. 

Đọc E-paper

* Theo yêu cầu của Chính phủ, trong quý I/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải hoàn thiện đề án lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ông nói gì về vấn đề này?

- Tôi ủng hộ phương án có một cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng đó phải là một cơ quan độc lập, chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

Trong bối cảnh nước ta hiện nay, việc lập ra một cơ quan như vậy là một thay đổi lớn. Song cần nhìn nhận rõ cả 2 mặt ưu và nhược điểm của mô hình này.

Về ưu điểm, mô hình này khắc phục được hiện tượng "vừa đá bóng vừa thổi còi", giải phóng các bộ, ngành khỏi nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp nhà nước và đại diện chủ sở hữu. Về nhược điểm, mô hình này là chuyển nhiệm vụ hành chính từ nhiều bộ vào một "siêu cơ quan" hành chính khác, nên quyền lực sẽ lớn hơn rất nhiều.

Mục tiêu lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp là để quản lý vốn nhà nước. Tuy nhiên, cần tránh cách làm của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong việc ủy quyền cho người đại diện, với lý do các doanh nghiệp nhà nước lớn, trải dài từ Bắc đến Nam. Cách làm này không đảm bảo được việc quản lý sâu sát các nguồn vốn của Nhà nước.

* Nhiều ý kiến vẫn ngại việc lập cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước sẽ làm phình to bộ máy hành chính. Còn ý kiến của ông?

- Trường hợp đó chỉ xảy ra khi tạo ra một cơ quan chỉ để cho có. Việc lập ra cơ quan này đồng nghĩa với việc giảm người ở các cơ quan khác, không được nhân cơ hội này đẩy cho nó toàn những người không biết làm việc hay gửi gắm kiểu con ông cháu cha.

* Cách thức để cơ quan này hoạt động hiệu quả, nếu được thành lập, theo ông nên là gì?

- Trước hết phải có một khung pháp luật quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm giải trình, bởi vì cơ quan này quản lý lượng công sản rất lớn.

Tiếp đến, cơ quan này phải được giám sát bởi Quốc hội, Thanh tra Nhà nước, báo chí và người dân. Điều này là rất quan trọng.

Cuối cùng, cơ quan này phải có trách nhiệm giải trình trước Quốc hội và xã hội. Tôi nghĩ những điều ấy phải được thực hiện đầy đủ và nghiêm túc. Một hội đồng quản trị hoạt động theo mô hình của SCIC cũng không thích hợp với quản lý vốn nhà nước.

* Với cách thức như ông nói, ông có tin cơ quan này quản lý vốn nhà nước tốt hơn?

- Nếu được giám sát chặt chẽ, hoạt động công khai, minh bạch, cán bộ có trách nhiệm cao, chấm dứt mọi hành động can thiệp ngoài pháp luật vào hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thì cơ quan này mới có thể hoàn thành công việc được giao. Tôi nghĩ điều ấy không dễ thực hiện trong khuôn khổ hệ thống quyền lực và các mối quan hệ đan xen rất phức tạp hiện nay.

Do đó, chỉ nên xem cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp là một công cụ, trong khi giải pháp căn cơ là thực hiện cải cách thể chế một cách toàn diện và có hệ thống tiêu chí quản trị công hiện đại, công khai, minh bạch, chế độ giải trình nghiêm ngặt.

Theo tôi cần phải xem xét kỹ mọi vấn đề vì số lượng doanh nghiệp nhà nước quá lớn, vượt khỏi khả năng quản lý của một cơ quan như vậy. Kinh nghiệm thế giới là chỉ quản lý hiệu quả khi số lượng doanh nghiệp hạn chế. Nếu không giảm bớt doanh nghiệp nhà nước, sinh ra một siêu cơ quan quản lý thì cuối cùng vẫn phải quay lại với công cụ hành chính.

Bất cứ mô hình quản lý nào cũng phải cổ phần hóa triệt để các doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ cổ đông đa số ở ngành chiến lược, công ích cần thiết. Khi các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, chính cổ đông và ban kiểm soát nội bộ doanh nghiệp sẽ kiểm soát, chế định lẫn nhau và khi đó, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước mới hiệu quả.

* Cám ơn ông!

>Thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và cơ hội đầu tư

>Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước: Thiếu, trùng, trống

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Siêu cơ quan" phải độc lập, chịu trách nhiệm trước Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO