Quản lý vàng miếng vì lợi ích quốc gia

MAI THẢO| 28/11/2011 02:38

Trao đổi với PV về việc dùng thương hiệu SJC làm nhãn hiệu vàng quốc gia, bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết:

Quản lý vàng miếng vì lợi ích quốc gia

Tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội cuối tuần qua Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết thời gian tới NHNN sẽ độc quyền sản xuất vàng miếng và dùng thương hiệu SJC làm nhãn hiệu vàng quốc gia (SBV). Mặc dù điều này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của các thương hiệu vàng khác, trong đó có vàng miếng PNJ – DongABank. Trao đổi với PV về việc này, bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết:

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Tổng giám đốc CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận

- Từ trước đến nay chúng tôi luôn ủng hộ chủ trương NHNN phải là người “chủ trò” trong việc điều tiết thị trường vàng. Chúng tôi cũng đã nhiều lần tham mưu lên NHNN về quan điểm này. Ngay trong những năm 90 của thế kỷ trước tôi đã từng tham mưu về việc NHNN phải là đơn vị trực tiếp điều tiết thị trường vàng để dập tắt cơn sốt vàng thời ký đó. Đến nay, NHNN quyết định sẽ là đơn vị độc quyền sản xuất và điều tiết kinh doanh vàng miếng là điều hợp lý.

Bởi lẽ Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) là đơn vị 100% vốn nhà nước. Hơn nữa, thông lệ quốc tế không có chuyện kinh doanh vàng miếng lộn xộn như Việt Nam, người dân trên thế giới không sở hữu miếng vàng vật chất mà chỉ có các công ty kinh doanh vàng thỏi, vàng khối, Nhà nước phát hành đồng tiền vàng. Người dân các nước mua vàng trên thị trường vàng tài khoản là chủ yếu. Ở nước ta do tâm lý người dân thích cất trữ vàng vật chất tồn tại lâu nay, nên để ổn định nền kinh tế, chống vàng hóa phải đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng miếng vào quỹ đạo thống nhất do NHNN quản lý.

Tuy nhiên, NHNN phải quản lý luôn khâu nhập khẩu và phân phối kinh doanh vàng miếng. Còn nếu NHNN độc quyền mà giao cho công ty độc quyền thì không nên. Do vậy, cần phải có một tổ chức của Nhà nước quản lý kinh doanh thương hiệu vàng quốc gia, lợi nhuận có được đưa vào quỹ bình ổn thị trường vàng.

- Hiện có nhiều ý kiến cho rằng tình trạng người dân phải xếp hàng mua vàng bình ổn tại SJC đang tạo ra tâm lý bất ổn cho thị trường?

- Tôi ủng hộ những giải pháp của NHNN về thị trường vàng trong thời gian qua dù đó chỉ là giải pháp tình thế. Phải có những giải pháp cho thời kỳ quá độ chứ không thể một ngày, một buổi đưa thị trường đi vào nề nếp. Tuy nhiên, có vấn đề là khi NHNN khoanh vùng một số đơn vị bán vàng bình ổn nhưng người dân rất khó mua. SJC cho biết có ngày bán đến 20.000 lượng ngày nhưng nhiều người dân phải xếp hàng chờ nhưng không dễ mua được.

Trong khi các đơn vị phân phối vàng miếng SJC như PNJ với hàng chục cửa hàng trên cả nước lại không có nguồn vàng SJC để bán và cũng không biết mua từ đâu, bởi các NH được phân công bình ổn thị trường chỉ bán cho người dân mua vàng gửi giữ hộ tại chính NH họ. Điều này dẫn đến có sự chênh lệch giá vàng SJC niêm yết với giá bán bên ngoài. Có hiện tượng nhiều người xếp hàng mua vàng SJC rồi ra ngoài bán giá cao lên. Giá vàng SJC ngoài thị trường cao hơn giá do SJC và các NHTM công bố ít nhất 300.000-500.000 đồng/lượng. PNJ là một thương hiệu đã được Nhà nước xác lập là thương hiệu quốc gia nên chúng tôi phải giữ uy tín, nghiêm túc niêm yết giá bán theo chỉ đạo nhưng lại không có nguồn vàng SJC để bán.

Vì vậy NHNN cần sớm có quy định rõ ràng việc phân phối vàng miếng SJC, tránh tình trạng mỗi nơi mỗi giá. Một khi công nhận người dân có quyền cất trữ mua, bán vàng miếng thì phải tạo điều kiện thông thoáng để người dân tiếp cận mua vàng một cách thuận lợi mới tạo tâm lý an tâm và niềm tin cho dân.

- Theo bà, tại sao nhóm G5+1 đã bán vàng bình ổn mà giá trong nước vẫn cao hơn thế giới trên 1 triệu đồng/lượng?

- Đã là bán vàng bình ổn thì giá vàng trong và ngoài nước chênh nhau 300.000 đồng/lượng là hợp lý nhưng có những ngày giá vàng chênh lệch 1,5-2 triệu đồng/lượng thì thật sự phi lý. Như vậy vẫn còn mục tiêu kinh doanh trong đó và chưa rạch ròi giữa kinh doanh và bình ổn. Với xu thế này nhóm được mua bán vàng bình ổn có lợi rất nhiều. Bên cạnh đó, nếu giá vàng trong nước và quốc tế chênh nhau trên 500.000 đồng chắc chắn có vàng nhập lậu. Không loại trừ giới nhập lậu vàng còn bắt tay ép lậu giả vàng SJC, điều này đã được SJC và công an cảnh báo. Vì vậy, NHNN phải giải quyết triệt để tình trạng chênh lệch giá trong và ngoài nước.

- Khi không còn sản xuất vàng miếng mang thương hiệu của mình, PNJ có bị thiệt hại gì và có kế hoạch chuyển hướng hoạt động như thế nào?

- Theo dự thảo Nghị định quản lý vàng NHNN không cho sản xuất một số thương hiệu vàng miếng nhưng chưa cấm lưu thông. Hiện một bộ phận người dân không an tâm nên bán vàng miếng thương hiệu khác, cũng có người bán vàng PNJ nhưng không nhiều. Rất nhiều năm qua PNJ luôn là thương hiệu uy tín, thương hiệu quốc gia và chưa bao giờ để quyền lợi người tiêu dùng bị thiệt thòi.

PNJ cũng đang chờ động thái của NHNN và có thể về lâu dài NHNN sẽ có lộ trình cho đổi miếng vàng khác thành vàng SJC, hoặc vẫn cho các thương hiệu khác lưu hành vàng miếng của mình đã sản xuất nhưng không sản xuất mới. Riêng với PNJ, lợi nhuận từ kinh doanh vàng miếng chiếm một tỷ lệ không lớn trong tong lợi nhuận của công ty. Từ nhiều năm PNJ đã xác lập chiến lược sản xuất và kinh doanh trang sức là thế mạnh và là giá trị cốt lõi.

Hiện nay với mạng lưới trên 150 cửa hàng trong phạm vị cả nước PNJ là một doanh nghiệp dẫn đầu về kinh doanh vàng trang sức tại Việt Nam và chúng tôi vẫn quan tâm nhiều nhất đến sản xuất trang sức cũng như phát triển hệ thống bán lẻ, trong đó có bán lẻ vàng miếng. Do đó, với tiêu chí được mua bán vàng miếng theo dự thảo Nghị định quản lý vàng, PNJ thừa tiêu chí để đủ điều kiện mua, bán phân phối vàng miếng.

- Bà đánh giá thế nào về nhiều kiến nghị cho phép các công ty kinh doanh vàng đủ tiêu chuẩn được dập thuê vàng thương hiệu SJC?

- Kiến nghị này không khả thi vì SJC thừa năng lực để sản xuất vàng miếng mang thương hiệu của mình, loại trừ những đợt cao điểm. Hơn nữa, không dễ kiểm soát việc gia công miếng vàng SJC của các công ty. Tất nhiên khi gia công vàng miếng sẽ có đóng dấu và ký hiệu, seri vàng gia công nhưng cũng khó kiểm soát được đơn vị nhận gia công liệu có sản xuất thêm vàng để tuồn ra bán ngoài thị trường.

Và nếu điều này xảy ra cũng khó quy trách nhiệm cho đơn vị nào đã sản suất vượt hạn mức để bán ra ngoài. Quản lý lĩnh vực này khá phức tạp. Ngay ở công ty chúng tôi thời gian qua việc quản lý bộ phận sản xuất vàng miếng là một công việc hết sức nghiêm ngặt và mất nhiều công sức nếu không sẽ khó kiểm soát được chất lượng và số lượng sản xuất từ xí nghiệp.

Có thể nếu NHNN cho gia công thuê, PNJ là công ty kinh doanh vàng có thể được lợi nhiều, nhưng phải nói thẳng nói thật, cái gì có lợi ích cho quốc gia nhất thì làm chứ không thể vì quyền lợi một số ít doanh nghiệp. Tôi tin chắc chắn trong thời gian tới đây NHNN sẽ có một lộ trình rõ ràng, tính toán làm sao đặt trên hết là của là lợi ích quốc gia và đảm bảo quyền lợi cho người dân.

- Xin cảm ơn bà

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quản lý vàng miếng vì lợi ích quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO