Phụ nữ - động lực phát triển các nước chậm tiến

01/10/2012 00:21

Các công ty đa quốc gia đang tìm kiếm lợi ích ở các nước đang phát triển nên nhận ra rằng: cần phá bỏ các rào cản và tạo cơ hội để phụ nữ thực sự tham gia vào các hoạt động kinh doanh.

Phụ nữ - động lực phát triển các nước chậm tiến

Các công ty đa quốc gia đang tìm kiếm lợi ích ở các nước đang phát triển nên nhận ra rằng: cần phá bỏ các rào cản và tạo cơ hội để phụ nữ thực sự tham gia vào các hoạt động kinh doanh.

Các công ty đa quốc gia đang tìm kiếm lợi ích ở các nước đang phát triển nên nhận ra rằng: cần phá bỏ các rào cản và tạo cơ hội để phụ nữ thực sự tham gia vào các hoạt động kinh doanh.

Thay đổi quan niệm

Phân biệt đối xử về giới vẫn đang là một thực tế đáng báo động tại "các quốc gia vùng trũng" của thế giới, nơi có tới 2 tỉ người đang sinh sống. Thực trạng này không nên chỉ được hiểu là vấn đề quyền con người, mà còn là một vấn đề kinh tế cấp bách. Nó kìm hãm đáng kể các hoạt động thương mại, năng suất lao động và nguồn nhân lực của toàn xã hội.

Ngược lại, trao quyền cho phụ nữ - nơi mà ở đó phụ nữ có thể là khách hàng, là nhân viên, doanh nhân thành đạt, là người đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu quyền lực của địa phương hay tham gia vào chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu - được định hình như là một thị trường đầy tiềm năng. Đó là lý do tại sao Quỹ Sáng kiến toàn cầu của Bill Clinton đã chọn "Trao quyền cho bé gái và phụ nữ" là một trong bốn chủ đề tại các cuộc họp hàng năm của Quỹ.

Nghiên cứu gần đây của Công ty tư vấn Booz Allen cho thấy, phụ nữ đang đại diện cho "ba tỷ người" trên trái đất, trong đó có hơn 1 tỉ người tham gia vào thị trường tại Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, để nhận dạng và biến các tiềm năng đó thành hiện thực, phụ nữ cần phải được trao thêm các cơ hội học tập, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, được an toàn hơn, và được cộng đồng của họ tạo thêm các điều kiện tham gia vào nền kinh tế toàn cầu.

Để giải quyết vấn đề nguồn lực phát triển kinh tế và việc làm thì khu vực tư nhân có thể là đối tác tích cực cho các chính phủ và tổ chức phi chính phủ, nhằm hiện thực hóa sứ mệnh giải phóng phụ nữ.

Một số công ty đã và đang triển khai các dự án phát triển để cải thiện điều kiện sống của phụ nữ tại các thị trường mới nổi và Tupperware là một trong số đó. Đây là công ty tiên phong của Mỹ thử nghiệm mô hình bán hàng dựa vào các nhóm phụ nữ, vì phụ nữ và cho phụ nữ, giống như các mô hình của những năm 1950. Ngày nay, công ty Tupperware đang áp dụng mở rộng mô hình này khi kinh doanh ở nước ngoài.

Theo một thống kê mới đây, gần 50% doanh thu của công ty là từ các thị trường mới nổi như Ai Cập, Ấn Độ và Indonesia. Chỉ tính riêng ở thị trường Ấn Độ, số lượng nhân viên nữ của Tupperware đã chiếm tới hơn 50.000 người. Lao động nữ tại Tupperware chiếm vị trí quan trọng trong quản lý điều hành và các hoạt động đào tạo cho phụ nữ. Các nhân viên nữ của công ty Tupperware ngày càng tự tin và có vị thế hơn trong xã hội, nhiều người trong số họ đã trở thành lãnh đạo địa phương.

Standard Chartered là một trong những ngân hàng nhận thấy vai trò tích cực của phụ nữ thông qua việc trao quyền quản lý các hoạt động kinh doanh của mình, chính vì thế họ đã đạt được 90% doanh thu từ các thị trường Châu Phi, Trung Đông và Châu Á. Để phát huy được thế mạnh này, Standard Chartered tập trung vào các thị trường truyền thống có sự tham gia của phụ nữ như tại Ấn Độ và Pakistan. Ở những thị trường này, phần lớn chi nhánh của Standard Chartered đều được điều hành bởi nhân viên nữ.

Tại châu Phi, Standard Chartered đã thử nghiệm thành công mô hình "Câu lạc bộ Diva" (Diva Club), một chương trình tiết kiệm nhằm khuyến khích phụ nữ thực hành tiết kiệm theo từng nhóm, và xây dựng mạng lưới phụ nữ tiết kiệm giữa các nhóm. Standard Chartered nhận thấy chương trình này mang lại giá trị nhất định trong việc xây dựng niềm tin giữa các khách hàng và tạo ra một lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Trong quá trình thực hiện, sáng kiến này của Standard Chartered đang từng bước góp phần khẳng định vai trò của phụ nữ trong các hoạt động tài chính của xã hội, giúp họ quản lý tài chính tốt hơn, và có tiếng nói hơn trong các quyết định về tài chính của gia đình. Họ cũng có thể làm chủ các doanh nghiệp, do được nâng cao kiến thức về tài chính và tiếp cận với các nguồn tín dụng.

Nguyên tắc tạo quyền cho phụ nữ

Dưới đây là năm nguyên tắc quan trọng cho các công ty hoạt động tại các thị trường mới nổi để xây dựng chiến lược.

Đầu tiên, cần xác định và đo lường sự thành công một cách thích hợp. Trên thực tế, có nhiều trở ngại trong việc tạo quyền cho phụ nữ. Vì vậy, mỗi công ty cần xác định các vấn đề có liên quan đến từng thị trường. Ví dụ, để được đi làm thì nhân viên nữ có cần hỏi ý kiến và được sự cho phép của chồng hay không? Phụ nữ có quyền quyết định các vấn đề tài chính không? Họ có thể kiểm soát thu nhập của họ không? Họ có những khó khăn gì và những khó khăn đó có gì khác biệt so với nam giới, ví dụ như về giao thông, hay đảm bảo an toàn cho bản thân?

Nhiều khi, bình đẳng giới hướng vào các mục tiêu rất đơn giản và cụ thể như: giúp phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm chứng minh thư, hoặc chứng thực quyền sở hữu về tài sản của phụ nữ.

Thứ hai, mặc dù việc tích tụ các sáng kiến nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ là một khởi đầu tích cực, nhưng chúng ta cũng cần kết hợp nhiều mục tiêu trong quá trình vận hành doanh nghiệp. Ví dụ như: kết nối các nữ doanh nhân vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu là một tiềm năng đáng kể, tuyển dụng phụ nữ làm nhân viên bán hàng là một ý tưởng tuyệt vời, những vấn đề này cũng giống như những kinh nghiệm thực tiễn của Tupperware.

Thứ ba, đào tạo các kỹ năng và nguồn lực cho các nữ doanh nhân và lãnh đạo doanh nghiệp. Điều này mang lại ý nghĩa thiết thực khi doanh nghiệp cần mở rộng các dịch vụ tài chính tới các nhóm khách hàng nữ - không chỉ cung cấp các khoản tín dụng mà cả hoạt động tiết kiệm - giống như ngân hàng Standard Chartered đã làm được. Đào tạo lãnh đạo, cũng giống như đào tạo ở cấp trung học phổ thông và đại học, là vấn đề cốt lõi để phát triển nguồn nhân lực kế cận cho các nữ doanh nhân, nhà quản lý, và các nhà hoạt động xã hội.

Thứ tư, không ngần ngại tham gia giải quyết các vấn đề. Mặc dù các công ty thường né tránh những vấn đề nóng bỏng gây tranh cãi, nhưng họ lại thể hiện mối quan tâm sâu sắc đến các vấn đề gai góc như bạo lực gia đình (giảm hiệu quả lao động của cả nam giới và phụ nữ từ hậu quả của bạo lực gia đình), hay vấn đề của phụ nữ tiếp cận chăm sóc sức khoẻ sinh sản (tăng dân số có thể đe dọa tính ổn định của một quốc gia).

Thứ năm, không nên cố gắng sao chép và phát minh lại những thành quả mà người khác đã hoàn thiện trước đó. Thay vào đó, các công ty nên hợp tác với những tổ chức phi lợi nhuận uy tín, có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực bình đẳng giới trong nhiều thập kỷ qua, như CARE, Vital Voices và Ngân hàng thế giới. Các tổ chức này luôn thể hiện sự sẵn sàng hợp tác với khu vực tư nhân để phát triển các chương trình mà họ có lợi thế về chuyên môn và phương tiện thực hiện như thương hiệu, nhân viên, nhà cung ứng, công nghệ và tài trợ.

Thu hẹp khoảng cách về giới và cải thiện quyền của phụ nữ tại các thị trường mới nổi có thể phải mất nhiều thế hệ, nhưng những lợi ích mà nó mang lại thì vô cùng to lớn, không chỉ cho từng cá nhân, gia đình họ mà còn cho thị trường toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phụ nữ - động lực phát triển các nước chậm tiến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO