Phía sau lời nguyện cầu bình an

HOÀNG BÍCH| 19/03/2018 03:13

Cầu an chỉ là động thái nhắc nhở con người cần đối mặt với rủi ro, tự răn đe mình để có lối sống tích cực chứ không giải quyết được các vấn đề bất an.

Phía sau lời nguyện cầu bình an

Chừng vài chục năm trước, đầu năm người ta đi lễ chùa chỉ mong được thịnh vượng, an khang, ít nhấn mạnh đến hai chữ “cầu an”. Và ngày ấy các chùa cũng không tổ chức cầu an rầm rộ, một buổi hành lễ nay không thể thiếu cho các gia đình. Rủi ro, vận hạn ai cũng biết khó tránh khỏi bởi cuộc sống ngày càng phức tạp khi nền kinh tế, việc thực thi pháp luật đã lộ ra những yếu kém tác động không ít đến đời sống con người.

Ai cũng đến chùa cầu an dù mỗi ngày họ đối mặt, hoặc tham gia vào các hoạt động gây bất an cho đời sống, những vụ tai nạn giao thông do công trình giao thông không đạt chất lượng, yếu kém về quy hoạch, hoặc vì con người không tuân thủ luật giao thông.

Rồi những rủi ro về sức khỏe do chất lượng sống thấp, ô nhiễm môi trường, ngộ độc thực phẩm từ sản phẩm nông nghiệp “bẩn”; những vụ án giết người cướp của, hoặc do sử dụng ma túy...

Không thể lường trước những rủi ro, nhưng ai cũng cảm nhận được đời sống đang rất bất an, vì thế người ta dốc lòng cho những buổi lễ cầu an mà quên rằng ở rất nhiều nơi khác, các quốc gia khác, người ta đã vượt lên phát triển nhiều bậc chỉ riêng trong chuyện chăm sóc con người, cho con người cái quyền được bình an trên mọi phương diện.

Tôi không thể quên được cảm xúc thảng thốt khi nhìn thấy một người mẹ trẻ dùng mảnh vải quấn đứa con thơ một tuổi vào lưng và cứ thế hai mẹ con trên chiếc xe máy hòa vào dòng người đông đặc trên đường đến nhà trẻ mỗi buổi sáng.

Đôi khi tôi muốn trách người chồng ở đâu mà nỡ để cho vợ con mỗi ngày đối mặt với hiểm nguy như vậy. Đôi khi tôi bực tức người mẹ trẻ ngốc nghếch, thiếu hiểu biết nên đã để mặc con mình hít thở không khí ô nhiễm vì khói của hàng trăm chiếc xe máy trên đường khi không đeo khẩu trang cho con.

Nhưng nhiều người phải chấp nhận vì sinh kế mà đành phó thác đứa con bé bỏng cho một nhà trẻ tư nhân không thể đúng chuẩn, không thể an toàn. Và chẳng lẽ chỉ biết cầu an để tồn tại, để dựa vào niềm tin nào đó mà không làm điều gì thiết thực hơn cho sự an toàn của chính mình. Không ít cặp vợ chồng trẻ đã vừa cầu an, vừa ngày ngày nhẫn nại đưa con vào chỗ hiểm nguy như thế mà vẫn “tặc lưỡi” để đi nốt cuộc sống, bởi vì tất cả đều đang sống như vậy!

Bất an là trạng thái tâm lý bình thường và phổ biến của con người. Tuy nhiên, khi bất an trở thành trạng thái tâm lý phổ biến của cộng đồng hay xã hội thì quả thực rất đáng lo ngại bởi điều đó nói lên sự không lành mạnh của cộng đồng hoặc xã hội.

Nói cách khác, nếu bất an trở thành một hiện tượng xã hội phổ biến, chúng ta sẽ phải đối mặt với rủi ro trên phạm vi toàn xã hội - đó là sự khủng hoảng tâm lý có tính chất toàn diện và sâu sắc.

Nhưng không thể chỉ ngồi nói suông trên mạng xã hội, bó tay nhìn những chiếc xe buýt vắng khách, mua trái cây về thờ cúng nhưng không dám ăn, và bó tay trước những rủi ro nhìn thấy rõ ràng mỗi ngày vì những yếu kém khi chưa tạo ra một môi trường sống an toàn chung, chăm sóc chung cho con người.

Bức bối tới mức nào mà chỉ vì một chỗ đậu xe cũng đem mắm tôm, sơn, vôi đổ lên ô tô người khác, rồi cãi cọ quyết liệt đến rút dao đâm chết người.

Người dân Singapore được chăm sóc chu đáo, ai cũng có thể thấy rõ điều đó khi đi trên đường phố của quốc gia này. Con người ở đó chấp nhận sống kỷ luật để tạo ra môi trường sống an toàn , thuận tiện cho chính mình. Người nghiện thuốc lá bị cấm hút thuốc ở nơi công cộng để tránh làm ô nhiễm không gian chung. Tại sao nhà vệ sinh công cộng, đường đi riêng cho người khuyết tật được xây dựng khắp nơi trên đất nước Singapore mà ở ta lại khó làm đến thế?

Cầu an chỉ là động thái nhắc nhở con người cần đối mặt với rủi ro, tự răn đe mình để có lối sống tích cực chứ không giải quyết được các vấn đề bất an.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phía sau lời nguyện cầu bình an
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO