Phát triển thị trường điện cạnh tranh: Phải tách rời liên kết dọc

NGUYỄN HOÀNG thực hiện| 17/12/2015 06:21

Phải tách rời các liên kết dọc để thị trường cạnh tranh phát triển.

Phát triển thị trường điện cạnh tranh: Phải tách rời liên kết dọc

Trong khi Việt Nam đang điều chỉnh quy hoạch Tổng sơ đồ điện 7 và thực thi lộ trình thị trường điện cạnh tranh, GS. AndreasPolk, Trường Kinh tế và Luật Berlin - CHLB Đức, cho rằng: Cần thiết lập một cơ quan hoàn toàn độc lập trong các quyết định đưa ra cho ngành điện và quan trọng hơn, các quyết định đó phải thuần tuý về mặt luật pháp.

Đọc E-paper

* Ở Đức, trong quá trình tự do hóa diễn ra, có bốn công ty nhà nước độc quyền trong lĩnh vực sản xuất điện, cung cấp điện, còn ở Việt Nam chỉ có một công ty, ông nói gì về sự khác biệt này?

- Ở Đức, trước tự do hoá, quyền lực các công ty điện là rất lớn, song ở Việt Nam chỉ có một công ty, nên quyền lực thị trường còn lớn hơn. Tự do hóa cũng đặt thị trường điện trước những yêu cầu về minh bạch cơ cấu giá thành, cũng như giảm quyền lực của các công ty đang chiếm lĩnh thị trường.

Quá trình tự do hóa ở Đức cũng cho thấy, bốn công ty nhà nước rất e dè trong việc cho các công ty khác tiếp cận hệ thống, nhưng khi làm như vậy thì chính họ đã ngăn cản và làm chậm lại việc cạnh tranh.

Chuyển đổi quyền lực từ công ty nhà nước sang thị trường tự do là một quy trình dài. Tôi cho rằng, việc tự do hóa cần thực hiện cùng lúc ở tất cả các khâu: phát điện, truyền tải, bán buôn, bán lẻ. Trường hợp không thể cùng lúc tự do hóa ngay toàn bộ các khâu, cần tính đến việc bắt đầu tự do hóa ở khâu nào.

* Trong thị trường điện cạnh tranh mà Việt Nam hướng tới, không tự do hóa tất cả các khâu, hiện mới chỉ cạnh tranh ở khâu phát điện và vẫn độc quyền truyền tải. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- Theo kinh nghiệm của Đức, thị trường sẽ không thể tự do hóa được nếu không tính đến việc tách riêng khâu truyền tải. Hệ thống truyền tải điện phải tách ra khỏi các công ty sản xuất và mua bán điện, bởi các công ty quản lý truyền tải điện sẽ thu lợi nhiều hơn khi có ngày càng nhiều các công ty tiếp cận mạng lưới.

Ngược lại, nếu các công ty sở hữu hệ thống truyền tải cũng là các công ty sản xuất, lúc đó họ sẽ không được lợi ích gì khi cho nhiều công ty khác tiếp cận và điều này sẽ làm hỏng lộ trình mà nhà nước kỳ vọng, nên phải tách rời các liên kết dọc để thị trường cạnh tranh phát triển.

Trên thực tế, việc tách rời liên kết dọc không dễ dàng nhưng Việt Nam phải tính đến các vấn đề này ngay khi bắt đầu tiến hành tự do hóa thị trường điện.

* Tự do hóa thị trường đã giúp giá điện ở Đức ngày càng thấp, theo ông, điều này có thể diễn ra ở Việt Nam?

- Sự độc quyền khiến thị trường điện Việt Nam giảm cạnh tranh và giá thành điện cao. Giá điện chỉ giảm được khi Việt Nam thực hiện tự do hóa thị trường, tập trung vào hai yếu tố: giảm sự tập trung thị trường và sử dụng năng lượng tái tạo.

* Theo ông thì Việt Nam cần lưu ý gì trong quá trình thực hiện tự do hóa thị trường điện?

- Khi nói đến các tác động của quá trình tự do hóa, cần lưu ý một điều, quá trình tự do hóa đó phải diễn ra song song với quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo. Chính vai trò ngày càng quan trọng của năng lượng tái tạo đã dẫn đến việc giảm sự tập trung trong thị trường sản xuất điện.

Một điểm nữa, hệ quả của việc độc quyền tự nhiên cũng khẳng định vai trò của nhà nước, thể hiện trong các quyết định liên quan đến đầu tư vào công suất mạng lưới, tiếp cận mạng lưới. Vì vậy, việc thiết lập một thể chế hay một cơ quan độc lập là vô cùng quan trọng và chỉ khi đó mới tránh được lạm quyền các quy định đưa ra, đồng thời đảm bảo tất cả các công ty có quyền bình đẳng như nhau.

* Cảm ơn ông!

>Giá điện không cần tần suất điều chỉnh ngắn mà cần ổn định

>EVN đề xuất biểu giá điện: Chưa thuyết phục

>Điện vẫn giữ “độc quyền tự nhiên”

>Myanmar xóa độc quyền viễn thông

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát triển thị trường điện cạnh tranh: Phải tách rời liên kết dọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO