Phận gái nơi mỏ thiếc

NGUYÊN VI| 10/04/2015 06:45

Trong cái nắng như thiêu đốt của mùa Hè miền Trung, chúng tôi lặn lội về huyện miền núi Quỳ Hợp, nơi vốn được mệnh danh là "rốn quặng thiếc" của xứ Nghệ.

Phận gái nơi mỏ thiếc

Trong cái nắng như thiêu đốt của mùa Hè miền Trung, chúng tôi lặn lội về huyện miền núi Quỳ Hợp, nơi vốn được mệnh danh là "rốn quặng thiếc" của xứ Nghệ. Ở đây, sau những mỏ quặng bạc tỷ đầy cuốn hút là những phận người đang hằng ngày cố bám trụ, ra sức đào bới, mót từng viên quặng thiếc để đổi lấy miếng cơm manh áo trong sự cơ cực, hiểm nguy.

Đọc E-paper

Những mảnh đời cơ cực

Từ con dốc Cài Cón, nơi đã bị những chiếc xe tải hạng nặng chở đá và quặng thiếc cày nát, phóng tầm mắt về phía xa xa, Thung Bốn (thuộc xã Châu Hồng) hiện ra trước mắt. Đây là khu mỏ khoảng trên dưới 50ha, nơi trước đây từng diễn ra những cuộc ẩu đả, thanh trừng để giành quyền khai thác quặng thiếc.

Sau này, để quản lý Thung Bốn, Nhà nước cấp phép cho một số đơn vị khai thác quặng thiếc. Trải qua nhiều năm bị "quần thảo", Thung Bốn giờ mang đầy thương tích. Nhìn về hướng đỉnh núi chỉ thấy một màu đỏ quạch, những vết bùn đỏ nhem nhuốc tưởng như khu vực này vừa trải qua một trận lũ quét kinh hoàng. Đó là dấu tích của quá trình khai thác quặng trong nhiều năm qua.

Cố leo lên con dốc thẳng đứng với những vết đào bới, xói lở nham nhở để tiếp cận đỉnh núi Thung Bốn, chúng tôi bắt gặp những tốp người, đều là phụ nữ, già có, trẻ có, trung niên cũng rất nhiều, đang hì hục đào bới để tìm những viên quặng ít ỏi còn sót lại. Trong tốp đầu tiên có một người phụ nữ gầy guộc, đen đúa, tuổi trạc tứ tuần.

Chị tên là Vi Thị Năm, người ở bản Na Hiêng, xã Châu Hồng. Khi chúng tôi bắt chuyện, chị Năm không ngần ngại tâm sự: "Đã mấy năm nay, công việc chủ yếu của tôi là rong ruổi khắp các con khe, dòng suối để đào bới mót quặng kiếm sống. Vất vả lắm nhưng không có việc làm, ruộng nương chẳng có, đất canh tác hoa màu cũng ít ỏi nên muốn có tiền nuôi con đành phải làm nghề này".

ập gia đình được gần 20 năm, hầu như chị chưa hề có một ngày được ngơi nghỉ vì cuộc sống quá vất vả. Chồng chị trước đây cũng đi khai thác quặng trái phép, sau chuyển về làm cho một đơn vị khai thác quặng thiếc ở trong xã Châu Tiến, nhưng thật không may, anh bị tai nạn gãy chân.

Chút quặng thiếc mà những phụ nữ Quỳ Hợp mót được

Từ đó, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều một tay chị quán xuyến. Cực chẳng đã, không còn đủ sức làm lụng nuôi chồng đau yếu cùng hai đứa con ăn học nên chị đành cho hai đứa nhỏ nghỉ học để phụ giúp mẹ lo việc gia đình.

Em Lê Thị Soa tuy tuổi còn trẻ (17 tuổi, ở bản Công, xã Châu Hồng) nhưng hoàn cảnh cũng éo le chẳng kém chị Năm. "Cha em là người gốc tận Thái Nguyên, về đất Quỳ Hợp làm phu quặng, quen và lấy mẹ em là người ở xã Châu Hồng, sinh ra hai chị em em. Cuộc sống gia đình em trước đây tuy không sung túc nhưng cũng đủ ăn đủ mặc và chúng em cũng được ngày ngày cắp sách đến trường như các bạn cùng trang lứa. Thế nhưng do làm nghề đào quặng, giao du với một số kẻ xấu nên cha em đã dính vào ma túy, và bi kịch ập xuống gia đình em khi mẹ khuyên can cha không được nên bỏ đi biệt xứ, cha em sau đó cũng biệt tích luôn. Không còn ai nương tựa, em đã phải bỏ học từ năm lớp 8 để lo cho đứa em thơ dại", Soa không ngăn được tiếng nấc khi kể chuyện buồn của gia đình mình.

Bất chấp hiểm nguy

Gia cảnh của những người làm nghề mót quặng ở Quỳ Hợp hầu như đều cơ cực. Nghề mót quặng không chỉ nặng nhọc, mà còn luôn đối mặt với hiểm nguy, đôi khi còn có thể mất mạng. Suối Bắc (giáp ranh giữa xã Châu Hồng và Châu Thành) là khu vực có khá nhiều quặng thiếc, hiện có khoảng 6, 7 doanh nghiệp được Nhà nước cấp phép cho khai thác.

Bên cạnh đó cũng có những người tìm đến khai thác trái phép và trong số đó có không ít phụ nữ đã liều mình tham gia để mong kiếm miếng cơm manh áo cho gia đình.

Một tốp có 5 người phụ nữ và 2 người đàn ông đang đào hầm khai thác ngay sát vách núi thẳng đứng, phía dưới là nham nhở những hầm, hố lớn nhỏ, cũ, mới, dấu tích của việc khai thác quặng thiếc bừa bãi từ trước tới nay.

Chị Vi Thị Hoài, người ở bản Xóm Mới, xã Châu Thành, kể về công việc của mình: "Trước đây nhà có 2 sào ruộng để canh tác nên cũng có gạo ăn khi đến mùa thu hoạch. Mấy năm nay, Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh thu lại để khai thác quặng, được đền bù không nhiều nên cũng chẳng trang trải được bao nhiêu. Ruộng đất không còn, cuộc sống đã vất vả nay còn chật vật hơn, thế nên hai vợ chồng phải lên đây mót quặng kiếm sống. Ngày nhiều thì kiếm được ít trăm đong gạo, nhưng cũng có ngày chẳng có gì”.

Gọi là mót quặng nhưng thực ra những người này khoét đất thành những hầm sâu hoắm, phía trên chỉ chằng chống bằng những thanh gỗ ọp ẹp nên trông chẳng khác nào cái bẫy chết người.

Bất chấp hiểm nguy để tìm nguồn sống

"Nguy hiểm lắm chú ạ! Chui xuống hầm sâu hàng chục, thậm chí hàng trăm mét, nhưng hầm chỉ được chằng chống sơ sài nên nhiều khi đá rơi sứt chân, đứt tay, sứt đầu, có người còn bị gãy chân tay, thậm chí bỏ mạng. Biết vậy nhưng đường cùng nên đành phải liều mạng", chị Hoa, người ở xã Châu Thành, phân trần với vẻ lo lắng.

Cố gắng leo qua vài sườn đồi, chúng tôi lại bắt gặp một tốp phụ nữ đang khai thác tại một thung nhỏ nằm sát một khu rừng tái sinh. Họ cũng đào hầm rất sâu, soi đèn pin cũng chẳng nhìn thấy đáy.

Được biết, nhóm người này từ xã Châu Hồng đến đây mót quặng, một chị cho biết: "Khu vực này trước đây là mỏ khai thác của Công ty Kim loại màu Nghệ Tĩnh, giấy phép của họ đã hết hạn và quặng còn lại quá ít nên họ bỏ luôn. Chúng tôi đào để xem còn gì thì mót".

Khi được hỏi: "Khai thác thế này là trái phép, hơn nữa, đào hố sâu như thế sẽ rất nguy hiểm, có khả năng xảy ra tai nạn, các chị không sợ sao?", người phụ nữ này thản nhiên giải thích: "Dù biết khai thác như thế này là trái phép nhưng chúng tôi buộc phải làm để kiếm sống. Thử hỏi, đất canh tác không có, vào rừng cũng chẳng kiếm được thứ gì bán có tiền thì chúng tôi biết sống bằng gì? Còn nguy hiểm thì... Trời kêu ai nấy dạ!".

Rong ruổi khắp các con khe, hẻm núi ở các xã vốn có nhiều quặng thiếc như Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Thành, Liên Hợp..., đâu đâu chúng tôi cũng thấy rất nhiều tốp khai thác quặng mà phụ nữ chiếm đa số. Buổi chiều tà, nắng quái gay gắt như cố tình thử thách tính kiên trì của những phu quặng nơi miền sơn cước.

Khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc những ánh đèn pin yếu ớt của những người phụ nữ mót quặng kiếm sống lóe lên, họ nháo nhác gọi nhau trở về bản, tiếng í ới vang vọng khắp núi rừng Quỳ Hợp.

Chúng tôi cũng quay gót với tâm trạng nặng trĩu, băn khoăn tự hỏi không biết đến bao giờ và bằng cách nào những người phụ nữ chịu thương chịu khó nơi đây mới thoát khỏi cảnh mưu sinh cơ cực, có được cuộc sống thảnh thơi.

>Đầu trần, chân đất ở "thủ phủ” Quỳ Hợp
>Quỳ Hợp: Quật đá làm giàu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phận gái nơi mỏ thiếc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO