Nông dân trên vỉa hè thành phố

KHẢI LY| 23/04/2017 06:56

Thành phố mệt nhoài trong cái gánh nặng mưu sinh vô tổ chức, nhưng làm sao ngăn dòng người ra thành phố khi nông thôn ngày càng buồn bã, thiệt thòi.

Nông dân trên vỉa hè thành phố

Lâu lâu rảnh chạy xe ra ngoại thành, giật mình vì phố đã lan về những nơi ngày nào còn đầm lầy, ao hồ, nơi hồi nhỏ còn xem mấy ông anh câu cá đìa, cá lóc. Một ngoại ô rải rác những nhà cao tầng xen kẽ những ruộng rau muống, rau lang còn sót lại.

Đọc E-paper

Sực nhớ hôm qua đọc một tin quảng cáo bất động sản "rau sạch". Nhiều dự án bất động sản ngoại ô đã chuyển từ đẳng cấp sống 5 sao sang bất động sản trồng rau. Và nhà giàu đầu tư đến hai tỷ đồng cho dự án rau sạch trên nền đất biệt thự ngày nào.

Nông thôn và ngoại ô như vậy đó. Mọi thứ cứ nháo nhào lên, xoay vần nhanh quá, khiến người nông dân chân chất hoa mắt chóng mặt. Người khỏe mạnh chạy theo con sóng đó, dẫu cũng bị nó dập tơi bời. Xong một cuộc giải tỏa nhà cửa, ruộng vườn cho các dự án phát triển đô thị, người nông dân cũng đã luống tuổi, mệt mỏi. Nhưng còn sức thì phải đi.

Sự hấp dẫn của vỉa hè thành phố thật lạ lùng. Có mỗi mét vuông bụi bặm mà ly nước trái cây với đường hóa học bằng cả vạt rau muống lớn ở ngoại ô.

Tôi ngồi nơi ngoại ô cũ, đọc tin tức về chuyện ở Sài Gòn, nơi bà chủ tịch phường đi "đòi" lại vỉa hè cho phố phường đã chứng kiến nghịch cảnh của người bán nước mía, và bà phải bỏ tiền túi nộp phạt thay để giải phóng chiếc xe nước mía. Một xe nước mía mà nuôi được vợ với bầy con, những câu chuyện như vậy khiến người ta cảm động.

Nhưng phải nhìn xa nữa đi, nhìn ra nông thôn, ngoại thành, nơi người nông dân chán ngán ruộng đồng, chán ngán điệp khúc nông sản được mùa dội chợ, chán ngán quẩn quanh trồng rau "sạch" nhưng giá cao không tìm được người mua. Ở lại trồng rau "bẩn" với hóa chất cũng không bằng ra vỉa hè bán trà sữa hóa chất, cơm bình dân.

Hàng quán đông dần lên trong những con hẻm chật, rồi tràn ra lề đường, chỗ cơm sườn, nước mía cho dân công sở nghèo ăn trưa, chỗ đặt gánh mì Quảng, nơi khác là tủ cà phê. Đến giờ người trẻ cũng không còn e ngại phơi mặt buôn bán trên phố nữa, trà sữa, ăn vặt vỉa hè lan như nấm, người kéo đến ăn cũng nhờ quảng bá trên Facebook.

Thành phố mệt nhoài trong cái gánh nặng mưu sinh vô tổ chức ấy. Nhưng làm sao ngăn dòng người ra thành phố khi nông thôn ngày càng buồn bã, thiệt thòi.

Đã bao năm chúng ta vô cảm trước cảnh đội trật tự đô thị đi đến đâu, người buôn gánh bán bưng chạy tan tác đến đó. Đôi khi ta chỉ dừng lại chép miệng nhìn những biển hiệu, bàn ghế, thúng mủng bị thu gom lên xe công vụ, rồi tiếp tục chọn cân cam, mớ rau và vội vã trở về căn nhà bình yên của mình.

Hôm nay ngồi ở vùng ngoại ô nơi phố đã lan đến, nhưng cung cách sinh hoạt còn rất nông thôn. Người còn thưa vắng hơn trước, bởi chủ mới đến thì ở yên trong căn biệt thự của mình. Người nông dân thì đã vào nội thành, dẫu cho công cuộc đòi lại vỉa hè đang ở cao trào trên khắp cả nước. Những tin tức mới về tích tụ hạn điền còn đang nằm trong các cuộc tranh luận về chính sách. Và đây đó lại đang dấy lên nỗi lo người nông dân sẽ không giữ được mảnh ruộng nữa. Họ sẽ lại tìm kiếm một mét vuông trên vỉa hè của phố.

>Vỉa hè là của người nghèo?

>Người trẻ Việt và bài toán công dân toàn cầu

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nông dân trên vỉa hè thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO