![]() |
Chưa hết lo lắng vì Chính phủ vừa đồng ý cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá điện bình quân thêm 7,5%, lên mức 1.622,05 đồng/kWh, các doanh nghiệp (DN) phải đổi diện với nỗi lo mới: thiếu điện trong mùa khô.
Mới đây, ông John Rockhold, Trưởng nhóm Năng lượng Diễn dàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho biết, Việt Nam đang phải đối diện với nhu cầu tiêu thụ năng lượng rất cao, mà nguồn cung cấp chủ yếu đến từ thủy điện trong khi Nhà nước không cho phép xây thêm các đập thủy điện, nên thời gian tới sẽ là thách thức khả năng cung ứng điện.
"Khu vực phía Nam của Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng cúp điện khá nhiều", ông John Rockhold dẫn chứng và cho rằng việc EVN cam kết sẽ đáp ứng đủ nguồn điện trong năm 2015, nhưng nhiều khả năng sẽ chỉ đáp ứng đủ ở miền Bắc, mà sẽ không đủ cho miền Nam, dù công suất dự phòng là 30%.
"Ở những vùng quê một số tỉnh phía Nam đã bị cúp điện ít nhất là 1 ngày trong tuần. Đây là mức được xem là nghiêm trọng", ông John Rockhold nói thêm.
Trước đó, tại cuộc họp báo do Bộ Công Thương tổ chức vào ngày 30/12/2014, Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri khẳng định, năm 2015, nguy cơ thiếu điện tại các tỉnh phía Nam rất cao.
Ông Tri cho biết nguyên nhân là do một số nhà máy điện mới chưa đi vào hoạt động và EVN đang phải triển khai một số dự án cấp bách như dự án điện Vĩnh Tân 2, các nhà máy điện Duyên Hải 1-3 mở rộng để bù khoảng 3.000 MW thiếu hụt.
Trong một diễn biến khác, nhằm chuẩn bị các tiêu chí điện năng tốt nhất, đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã đưa ra một số phương án cân đối nguồn điện dựa trên tính toán cân bằng cung - cầu với các kịch bản tần suất nước về các hồ thủy điện và phụ tải dự kiến.
Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5% (tương ứng 1.622,05 đồng/kWh), từ ngày 16/3/2015. Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đây là mức tăng vừa phải, song nhiều chuyên gia vẫn lo ngại, lần tăng giá điện này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới người dân và các ngành sản xuất khác. |
Theo A0 tính toán, có 4 phương án, trong đó đáng chú ý có phương án thứ nhất, được coi là phương án cơ sở với dự tính điện thương phẩm tăng 11,5%, tần suất nước về 65%.
Với phương án này, các nguồn tuabin khí và nhiệt điện than miền Nam được huy động cao trong cả năm, đồng thời phải huy động điện chạy dầu từ tháng 4/2015. Trong trường hợp Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 vận hành không ổn định như dự kiến sẽ phải huy động các nguồn nhiệt điện dầu cao hơn.
Đặc biệt, trong năm 2015 sẽ có đợt ngừng cấp khí cho Điện Đạm Cà Mau, lô 06.1, Nam Côn Sơn khoảng 18 ngày để sửa chữa định kỳ, do đó sẽ phải huy động nhiệt điện dầu khoảng 153 triệu kWh. Tuy nhiên, nếu phải chạy dầu ở một số nhà máy thì chi phí sẽ tăng rất cao.
Cũng theo A0, trong trường hợp kịch bản xấu nhất là phụ tải tăng cao, lượng nước về thấp thì cần huy động ở mức cao nhiệt điện dầu khoảng 579 triệu kWh trong mùa khô, 747 triệu kWh cả năm.
Truyền tải trên các đường dây 500 kV luôn ở mức cao trong cả năm. Việc phải liên tục truyền tải với công suất và sản lượng cao sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong vận hành. Các chuyên gia ngành điện dự báo, năm 2015 sẽ là năm khó khăn khi tần suất nước về thấp, các dự án cấp điện cho miền Nam có nguy cơ chậm tiến độ.
Ở góc DN sản xuất, ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Vĩnh Thành Đạt cho rằng, lĩnh vực chăn nuôi công nghiệp khép kín không thể thiếu điện dù chỉ 1 phút. "Nếu bị mất điện chừng 5 phút mà không có dự phòng thì chuồng trại chăn nuôi gà công nghiệp khép kín sẽ thiệt hại hàng tỷ đồng.
Vậy nên hầu hết các trang trại công nghiệp đều trang bị máy phát điện tự động, chỉ cần cúp điện 30 giây là hệ thống dự phòng này sẽ tự động bật lên", ông Thiện cho biết.
Vấn đề cần lưu ý ở đây là nếu cúp điện nhiều, người chăn nuôi theo mô hình công nghiệp phải chạy máy phát điện bằng dầu sẽ khiến giá trứng bị đội lên, DN thực phẩm như Vĩnh Thành Đạt sẽ gián tiếp chịu ảnh hưởng.
Tại khu vực miền Tây, nơi đặt nhiều trang trại của Vĩnh Thành Đạt trong thời gian 2-3 năm qua, nguồn cung điện tương đối ổn định, nên DN này không để ý vấn đề về điện.
Tuy nhiên, khi biết thông tin năm nay có thể sẽ bị thiếu điện, ông Thiện cũng như nhiều DN chăn nuôi quy mô công nghiệp tỏ ra lo lắng. Theo ông Thiện, sắp tới, Vĩnh Thành Đạt sẽ khảo sát lại việc dự phòng nguồn điện, để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.
Trong khi đó, ông Trần Thành Trọng, Tổng giám đốc Công ty CP Sáng Ban Mai cho hay, từ đầu năm 2014 trở lại đây, nhiều trang trại vùng Đông Nam bộ do làm ăn thua lỗ nên đã giảm dần việc mua máy phát điện dự phòng. Trong khi đây vốn là nguồn đem lại doanh thu lớn của Sáng Ban Mai (DN chuyên cung cấp các loại máy phát điện), trong những năm trước đây.
"Năm nay, nếu EVN điều hành mạng lưới điện quốc gia tốt như năm trước và sản xuất công nghiệp trên cả nước không tăng đột biến thì khả năng vẫn cung ứng đủ nguồn điện", ông Trần Thành Trọng nhận xét.
Thậm chí, do nguồn điện dự phòng tới 30% nên kể cả trong trường hợp địa phương có nhiều khu công nghiệp như Bình Dương - dự báo tăng trưởng công nghiệp trong năm nay gần 17%, vẫn đủ khả năng đáp ứng nguồn điện.
Là nhà cung cấp các loại máy phát điện công suất lớn, ông Trọng cho biết, gần đây, các dự án bất động sản quy mô lớn tìm đến Công ty Sáng Ban Mai để đặt mua máy phát điện công suất lớn đã tăng mạnh so với đầu năm 2014.
Đây là một tín hiệu vui cho thấy thị trường bất động sản đang ấm dần lên, nhưng nó cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc tiêu thụ điện sẽ tăng, phần nào dẫn tới nguy cơ thiếu điện trong mùa khô, khi lượng điện tiêu thụ ở các tòa chung cư cao tầng ngày một tăng.