Những khu rừng tình yêu

PHƯƠNG HÀ| 04/05/2010 06:26

Con đường 781 từ thị xã Tây Ninh lên Lò Gò không còn xóc nẩy người để trên chiếc xe máy, em ôm eo tôi thật chặt...

Những khu rừng tình yêu

1.

Con đường 781 từ thị xã Tây Ninh lên Lò Gò không còn xóc nẩy người để trên chiếc xe máy, em ôm eo tôi thật chặt. Đã 35 năm, cứ đến tháng Tư, chúng mình lại trở về chiến khu, nơi có một thời tuổi trẻ đẹp nhất, và lần nào cũng như lần đầu...

Khu rừng Lò Gò dọc theo thượng nguồn sông Vàm Cỏ, bên này đất ta, bên kia đất bạn Campuchia, từ giữa năm 1973, Bệnh viện Liên Cơ và Báo Giải Phóng đóng đối diện nhau qua con đường xuôi về vàm Trảng Trâu, ngược vào bao nẻo đường kháng chiến. Cùng là cơ quan của Trung ương Cục, mà lãnh đạo Bệnh viện Liên Cơ buộc tôi phải làm lý lịch có chứng nhận của Ban biên tập Báo Giải Phóng để xét xem có đủ tư cách yêu cán bộ của họ.

Đường miền Đông hôm nay

Tất nhiên là tôi không thể làm theo yêu cầu ấy, thế là bảo vệ bệnh viện cấm cửa. Cấm cửa mà họ quên rừng già có bao lối để chúng mình gặp nhau. Lâu lâu, mỗi lần từ mặt trận về, tôi lại luồn rừng đến với em trong chiếc lán lợp lá trung quân. Tôi lót dép râu ngồi đung đưa cho em xỏa mái tóc dài xuống cánh võng, dưới ánh trăng chao nghiêng tán rừng. Chúng mình chỉ hôn nhau mà cũng bị bảo vệ chiếu đèn pin vào mặt, bắt quả tang. Em phải viết tự kiểm điểm mà không biết viết gì, vì chẳng làm điều gì sai.

Thế là người ta đưa em ra tuyến trước. Không sao, con gái đôi mươi, lại là bác sĩ mà dám vượt Trường Sơn sáu tháng trời để ra chiến trường thì việc phục vụ thương binh tại hậu cứ hay ngoài mặt trận cũng như nhau. Và cũng vì thế mà tình yêu của chúng mình càng khắc khoải, khắc khoải cho đến ngày tiến về Sài Gòn. Trách chi cái thời mọi chuyện quy vào chỉ hướng con người vào việc giải phóng đất nước, mọi việc riêng tư đều bị coi nhẹ, phải không em?

Vẫn còn đây những cây gùi cho trái chua thanh mà tôi thường hái cho em ăn, nhưng không thể tìm ra dấu tích căn cứ, dù chỉ một căn hầm chữ A, tất cả đã hòa vào hệ sinh thái của Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát.

Bắc Tây Ninh cuối những năm 1970 vẫn còn bạt ngàn rừng nguyên sinh, nhưng là vô chủ, nên mạnh ai nấy khai hoang, cộng với chủ trương đưa dân Sài Gòn lên xây dựng “kinh tế mới”, mà thực chất là phá rừng làm rẫy, khi những người có trọng trách “tĩnh ra” thì mấy trăm ngàn hecta rừng chỉ còn lại khoảng 20%, chạy dọc vài chục kilômét theo biên giới.

Cho mãi đến tháng 7/2002, Chính phủ mới có quyết định thành lập vườn quốc gia, gọi là Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát, nằm trên địa phận ba xã Tân Lập, Tân Bình, Hòa Hiệp thuộc huyện Tân Biên, nhằm bảo vệ đa dạng sinh học với hơn 200 loại cây quý, như vên vên, sao đen, cà te, gõ mật, giáng hương, bằng lăng... và hệ động vật phong phú, có nhiều loại quý hiếm, như voọc chà vá chân đen, voọc bạc Đông Dương, khỉ mặt đỏ, sói đỏ, sói vàng, gấu ngựa, gà lôi hồng tía, hồng hoàng, hạc cổ trắng, vẹt má vàng...; cũng là nơi bổ sung nguồn nước cho sông Vàm Cỏ.

Thế cũng là may mắn, phải không em, nếu không, một căn cứ của hai cuộc chiến tranh giữ nước mãi mãi biến mất, và nơi ghi dấu tình yêu của chúng mình chỉ còn là ký ức.

2.

Tôi lại chở em qua con đường mới mở nối Lò Gò - Xa Mát, nối Khu Di tích lịch sử Trung ương Cục Miền Nam, nối tận qua Lộc Ninh, nơi có trảng Tà Thiết là căn cứ Bộ chỉ huy Quân Giải phóng, nơi có căn nhà nửa chìm nửa nổi mà ngày 8/4/1975, đồng chí Lê Đức Thọ thay mặt Bộ Chính trị công bố Nghị quyết của Trung ương Đảng về việc thành lập Bộ chỉ huy Giải phóng Sài Gòn - Gia Định và sau đó phổ biến bức điện tối mật của Tổng Bí thư Lê Duẩn đồng ý đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh; rồi vòng qua chiến khu Đ, để thăm những khu rừng từng nuôi nấng, chở che chúng mình.

Lạ thay, khu rừng Lò Gò - Xa Mát liền khoảnh với khu rừng có di tích Trung ương Cục (thường gọi là R), mà lại không được đưa vào vườn quốc gia, nhưng cũng thật may mắn, khu rừng 7.000 hécta có tên là Rùm Đuôn - Đất Đỏ này chỉ mất những cây gỗ quý, còn gần như nguyên vẹn đặc trưng của rừng mưa nhiệt đới, để trở thành khu di tích lớn nhất, thiêng liêng nhất của cách mạng miền Nam, là căn cứ của Mặt trận Dân tộc giải phóng và Trung ương Cục Miền Nam.

Rất tiếc, cho đến lúc này, khi mà những người lính còn phơi phới sức xuân trong chiến tranh như tôi và em, nay đã bắt đầu già, huống hồ các vị lãnh đạo cao cấp, các tướng lĩnh, nhiều người đã mất, mà vẫn chưa ai công bố vì sao lại đặt mật danh cho chiến khu kháng chiến ở miền Nam là “R”. Riêng tôi, một người viết báo suốt mười năm trận mạc, cũng chỉ biết, ngày 23/1/1961, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương Cục Miền Nam, là một bộ phận của Trung ương Đảng chỉ đạo trực tiếp cách mạng miền Nam.

Trung ương Cục Miền Nam tổ chức thành lập long trọng tại suối Nhum - Mã Đà thuộc Chiến khu Đ (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai bây giờ). Đầu năm 1962, căn cứ Trung ương Cục chuyển về Bắc Tây Ninh, vùng Chàng Riệc, hay còn gọi là Rùm Đuôn - Đất Đỏ (bây giờ thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) cho đến 30/4/1975.

Chiến tranh đã qua 35 năm, những đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, ủy viên Trung ương Cục... ai cũng được ghi tên vĩnh viễn vào từng căn nhà trong di tích căn cứ, còn bao cán bộ, chiến sĩ, nam có, nữ có, làm đủ công việc phục vụ cho Trung ương Cục, rất nhiều người không còn nữa, có ai còn nhớ tên tuổi của họ? Đồng đội của các đồng chí ấy, cũng như tôi và em, ao ước có một tấm bia kỷ niệm, có thể không bằng đá hoa cương, khắc tên tuổi họ, dựng ngay trên đường vào khu di tích. Còn rừng là còn trái gùi, trái rùm đuôn, lẽ nào lại quên những trái rừng đã đỡ lòng bao người kháng chiến lúc thiếu cơm, nhạt muối!...

3.

Chiến khu Đ là một trong hai căn cứ quan trọng nhất của miền Đông Nam Bộ, trải rộng từ triền rừng nối từ cao nguyên miền Trung và biên giới Campuchia xuống giáp thành phố Sài Gòn và những đô thị thuộc tỉnh Biên Hoà (nay là Đồng Nai), Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương).

Với địa hình rừng rú hiểm trở, Chiến khu Đ trở thành mật khu căn cứ, nơi trú giấu lực lượng, kho tàng, dự trữ vũ khí, lương thực và phát triển mọi hoạt động của cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, giải phóng đất nước. Em hỏi tôi vì sao một chiến khu rộng lớn như vậy lại mang cái tên tắt có vẻ bí hiểm. Em ơi, cũng như căn cứ R, Đ là mật danh, nhưng những ai từng sống và chiến đấu nơi này đều hiểu Chiến khu Đ đồng nghĩa với “đói”, “đau”, “đỏ”, chỉ sự thiếu thốn, bệnh tật và tinh thần xã thân vì nước của bao cán bộ, chiến sĩ.

Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, cơ quan quan trọng nhất ở Chiến khu Đ là Khu ủy Miền Đông, thành lập năm 1960. Thời ấy, hơn một nửa diện tích miền Đông Nam bộ là rừng già, nhưng không dễ tìm ra địa điểm đóng quân của Khu uỷ, vì vừa phải thật bí mật, vừa tiện cho công tác chỉ đạo, chỉ huy cả mấy tỉnh. Cuối cùng, những trinh sát kỳ cựu của lực lượng Giải phóng đã chọn đồi 820, khoảng 28 hécta, nơi có con suối Linh chảy qua, tồn tại cho đến ngày giải phóng, và bây giờ nó là khu di tích cấp quốc gia, ghi dấu những sự tích hào hùng của bao lớp người vì nước quên thân.

Em có nhớ con suối Linh có một loại cá rất kỳ lạ, gọi là cá tràu chó, hình thù giống cá lóc, con lớn nhất không quá ngón chân cái, mà chúng mình từng bắt đựơc trong các khe đá khô khốc giữa mùa khô năm nào? Lần này, nắng cuối tháng Tư gay gắt quá, em hãy ngồi trò chuyện với bảo vệ Di tích Căn cứ Chiến khu Đ, để tôi theo mấy anh kiểm lâm tìm cá tràu chó cho em được sống lại khoảnh khắc thời chiến tranh.

Phải là người quen sống với rừng miền Đông mới tìm ra cá tràu chó, bởi khi con suối Linh cạn hẳn cũng là lúc cao điểm mùa khô, loài cá này lóc qua bờ cao, lóc qua bụi rậm, có khi xa hàng cây số, đề tìm bằng được những khe đá có chút hơi ẩm mà sống qua mấy tháng khắc nghiệt nhất trong năm, sống mà không ăn uống.

Loài cá nhỏ bé mà dám sống như vậy, huống chi những người kháng chiến, như tôi, như em...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Những khu rừng tình yêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO