Nhìn thẳng thực trạng nền kinh tế để vượt khó khăn

HOÀNG HẢI/DNSGCT| 06/10/2014 06:25

Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu chủ đề “Tái cơ cấu nền kinh tế: kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản” quy tụ rất nhiều chuyên gia có tên tuổi trong nước diễn ra hai ngày cuối tuần qua tại Ninh Bình đã cho thấy một bức tranh màu xám khi nhìn thẳng vào thực trạng của nền kinh tế mấy năm qua.

Nhìn thẳng thực trạng nền kinh tế để vượt khó khăn

Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu chủ đề “Tái cơ cấu nền kinh tế: kỳ vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản” quy tụ rất nhiều chuyên gia có tên tuổi trong nước diễn ra hai ngày cuối tuần qua tại Ninh Bình đã cho thấy một bức tranh màu xám khi nhìn thẳng vào thực trạng của nền kinh tế mấy năm qua.

Đọc E-paper

Tìm ra một hướng đi quả thật rất không dễ do có quá nhiều cản ngại do chính chúng ta đặt ra. Như vậy mới thấy đề ra chủ trương là một chuyện, còn thực hiện được hay không lại là chuyện khác trong tình hình cơ chế quản lý doanh nghiệp chằng chịt.

Đây là diễn đàn do Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng tổ chức.

Trong lời phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh tái cơ cấu nền kinh tế không chỉ là quan tâm của các đại biểu Quốc hội mà người dân cũng rất mong đợi sự chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản để khắc phục những hạn chế, yếu kém mang tính cơ cấu, đưa nền kinh tế phát triển bền vững. Bà bày tỏ kỳ vọng các ý kiến tại diễn đàn về những mặt làm được và chưa được cũng như chỉ ra những điểm nghẽn góp phần đánh giá khách quan, đầy đủ hơn về tái cơ cấu nền kinh tế.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói: Người dân Việt Nam đang đặc biệt kỳ vọng vào đề án TCC tổng thể nền kinh tế.

Gần 30 phát biểu tại diễn đàn đã làm rõ nét tình hình kinh tế của nước ta và cho thấy những bức xúc về tình trạng chậm chuyển biến trong các chính sách. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên khi trình bày tổng quan về tái cơ cấu nền kinh tế đã cho rằng tiến trình này diễn ra rất chậm, kết quả thực tiễn không nhiều và không cơ bản. Ông Thiên mạnh dạn đặt ra vấn đề là sự chậm trễ đó xuất phát từ đâu? Phải chăng cách làm đúng mà chưa chịu làm hay sai nên làm mãi không được?

Đi sâu hơn vào tái cơ cấu ngân hàng, ông Thiên nêu rõ, tốc độ xử lý nợ xấu chậm hơn quá trình phát sinh nợ xấu là vấn đề đáng báo động, đồng thời nhấn mạnh các con số dự báo cho năm tới phụ thuộc rất nhiều vào xử lý nợ xấu.

Thật ra, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế đã được đề cập và mổ xẻ từ ba năm nay nhưng vẫn chưa có bước tiến triển nào đáng kể. Đầu tháng 4/2012, Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân từng rất sôi động quanh chủ đề “Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế”.

Tại diễn đàn này, vấn đề đổi mới thể chế kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới, kiểm soát lạm phát, tái lập lòng tin… được xem là các vấn đề mấu chốt để quá trình tái cơ cấu nền kinh tế có thể diễn ra thành công. Ngay sau diễn đàn, một bản kiến nghị 12 điểm đã được gửi tới các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, trong đó lần đầu tiên khái niệm tái cơ cấu nền kinh tế được nêu ra là “quá trình phân bổ lại các nguồn lực cho tăng trưởng”. Khái niệm này đã nhận được sự đồng thuận cao trong giới chuyên gia cũng như các đề án của Chính phủ.

Gần một năm sau, giữa tháng 2/2013, đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020 mới được phê duyệt, nhưng thật bất ngờ khi một tháng sau đó đề án này đã bị phê phán nặng nề đến nỗi một chuyên gia có uy tín với những nhận định thuyết phục như Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung phải khái quát rằng: “Nền kinh tế của chúng ta như một chiếc xe ở ngã ba đường, thẳng tiến là rơi xuống vực sâu, phải rẽ sang đường khác, nhưng để sang được xa lộ khác đẹp hơn, rộng hơn, thì phải qua một chặng đường gập ghềnh, trong khi người lái và hành khách trên xe có vẻ chưa đồng lòng”.

Diễn đàn Kinh tế Mùa Xuân 2013 được tổ chức, chủ đề được chọn là “động lực phát triển mới từ cải cách thể chế” nhưng tái cơ cấu vẫn là vấn đề mà cả chuyên gia và nhà quản lý đặc biệt quan tâm.

Trong tình hình ấy, nhiều người đặt kỳ vọng vào những ý kiến đột phá tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2014 lần này với sự tham gia của cả trăm chuyên gia hàng đầu.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương, trong một bài tham luận gần 30 phút đã thuyết phục người nghe bởi nhận định chính xác về thực trạng nền kinh tế. Ông nói: “Rất nhiều người cho rằng kinh tế Việt Nam đang phục hồi tốt nhưng theo tôi cơ hội phục hồi vẫn rất mong manh. Vì sao bấp bênh? Đó là vì chúng ta đang sống trong một thế giới bất định đầy rủi ro và một khi rủi ro xảy ra là chết”.

Theo ông, điểm tắc nghẽn lớn nhất khơi thông tín dụng đó là nợ xấu nhưng vai trò của Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vẫn chưa khẳng định được do thiếu cả năng lực lẫn nguồn lực. Trong năm qua, VAMC chỉ mua được 74.000 tỉ đồng nợ xấu, trong đó có những khoản bán được, có khoản cơ cấu lại cho khách hàng.

Còn ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại – một chuyên gia về đàm phán quốc tế, lại cho rằng kinh tế Việt Nam đang “vật vã” đi lên bởi đang vướng vào cái vòng luẩn quẩn của nợ xấu, xử lý nợ xấu, tắc nghẽn tín dụng khiến các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, phá sản hàng loạt.

Tám tháng đầu năm nay đã có 47.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể. Ông không cho rằng việc hình thành VAMC là sáng kiến, bởi thực chất VAMC vẫn chưa giải quyết được gì, nợ xấu vẫn phình to. Với những khó khăn trên ông Tuyển cho rằng Việt Nam khó mà đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 2014 là 5,8%.

TS. Nguyễn Đình Cung phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu.

Một điều đáng ghi nhận là bài phát biểu của Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM), Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung đã nhận được sự đồng tình của các chuyên gia khi ông khẳng định chúng ta chưa tuân thủ đầy đủ luật chơi của nền kinh tế thị trường. Ông nhấn mạnh “không kinh tế thị trường, không giải quyết được gì cả”.

Theo cách nhìn của ông, tái cơ cấu nền kinh tế và khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ khó có bước tiến chừng nào vẫn chưa tham gia cuộc chơi lời ăn lỗ chịu. Đến nay vẫn còn tình trạng Chính phủ đi vay tiền rồi cho doanh nghiệp vay lại.

Khi doanh nghiệp không có khả năng thanh toán thì lại được hỗ trợ lãi suất, khoanh, giãn, hoãn nợ và thuế. Khi không bán được hàng thì có ông Chủ tịch tỉnh đứng ra chỉ đạo tiêu thụ hàng hóa. Nhiều doanh nghiệp nhà nước được hưởng đặc quyền trong quản lý, khai thác tài nguyên quốc gia.

Luật của chúng ta quy định các lãnh đạo DNNN sau hai năm làm ăn thua lỗ mới phải chứng minh năng lực điều hành. Vì vậy, khi xảy ra thua lỗ, hậu quả đối với doanh nghiệp cũng như đối với nền kinh tế là không lường hết do chậm được giải quyết. Trong cơ chế thị trường như vậy là không sòng phẳng, ngay cả trong cạnh tranh giữa các DNNN và doanh nghiệp tư nhân.

Hiện quyết tâm thực hiện tái cơ cấu, kế hoạch thực hiện đều đã có. Vậy làm sao để việc tái cơ cấu nền kinh tế có hiệu quả thực tế. Chúng ta tiếp tục kỳ vọng vào việc tái cơ cấu nhưng đừng để chỉ là kỳ vọng.

Mổ xẻ những mặt trái của nền kinh tế để cho thấy những điều bất cập của việc tái cơ cấu có rất nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Hiện chúng ta thiết kế mô hình, chính sách đang hướng tới thúc đẩy nhập khẩu hơn sản xuất trong nước. Cộng với các chính sách tiền tệ dường như xu hướng kinh tế đầu cơ đang rất nặng nề.

Tại diễn đàn, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia thường có các phản biện sắc bén, cho rằng tái cơ cấu nền kinh tế giống như một công trình đang xây dở. Đề án xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng được triển khai trên nhiều mảng cắt khúc, riêng lẻ, thiếu tính đồng bộ và cho đến nay chưa giải quyết những cản trở chính.

Ông cho rằng các vấn đề phức tạp về sở hữu chéo, chất lượng tín dụng, nhà đầu tư góp vốn vào ngân hàng để huy động số vốn cao hơn nhiều lần từ ngân hàng đó vi phạm các quy định pháp luật về tổ chức tín dụng vẫn chưa có lời giải.

Trong khi đó, thị trường bất động sản lên đến 21 tỉ USD (4,4 triệu tỉ đồng), chôn một số vốn tín dụng khổng lồ (1 triệu tỉ đồng) với rất nhiều yếu tố tiêu cực như lừa đảo, chiếm dụng vốn, tỷ lệ đút lót, lại quả rất cao, phải cần đến nhiều năm mới có thể giải quyết được.

Dù có liên quan mật thiết đến nợ xấu và hoạt động ngân hàng nhưng không có đề án tái cơ cấu một cách toàn diện và có hệ thống trong lĩnh vực này. Hiện mới chỉ có dự án cho vay với tổng số vốn là 30.000 tỉ đồng, được giải ngân rất chậm và chỉ có tác động rất hạn chế đến việc giải tỏa kho bất động sản đang tồn đọng trên thị trường.

Các vấn đề khác của thị trường bất động sản được đề cập riêng lẻ trong những đề án khác như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở trong khi công luận đã phát hiện những chồng chéo, vướng mắc giữa các luật trên. Kết quả là bong bóng bất động sản tiếp tục tác động đến cục máu đông nợ xấu, sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng.

Nền kinh tế đang đứng trước những cơ hội và thách thức rất to lớn, đòi hỏi phải có những giải pháp kịp thời, hữu hiệu. Qua Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2014, chắc hẳn chúng ta đã có được nhiều ý tưởng mạnh dạn hơn các diễn đàn trước đây để Quốc hội xem xét toàn diện vấn đề trong kỳ họp vào tháng 10 tới đây.

>Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia: Lợi kép
>Vượt bẫy thu nhập trung bình: Chỉ là giấc mơ?
>
Áp lực nợ công rất đáng lo ngại
>Kinh tế tiếp tục cải cách để bứt phá

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nhìn thẳng thực trạng nền kinh tế để vượt khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO