Ngôi nhà dưới bóng hoàng lan

PHẠM HỒNG THỦY| 28/11/2009 09:50

Đó là ngôi nhà của ông giáo Hai, loại nhà chữ Đinh phổ biến của vùng quê miền Tây Nam bộ.

Ngôi nhà dưới bóng hoàng lan

Đó là ngôi nhà của ông giáo Hai, loại nhà chữ Đinh phổ biến của vùng quê miền Tây Nam bộ. Nhà gồm nhà trên và nhà dưới; nhưng nhà dưới lại nằm xoay ngang với nhà trên, hai đầu có cánh én hình tam giác quay về phía sân trước và sau hè. Trước cửa nhà là một hàng ba nối liền nhà trên và nhà dưới, đây cũng là nơi bày tiệc tùng các dịp đãi đằng, giỗ oải. Phần tiếp giáp bên trong giữa nhà trên và nhà dưới là một sân nhỏ với khoảng không để lấy ánh sáng. Phía trước và phía sau khoảng sân này là hai mái nhà cầu để tránh mưa nắng. Phía dưới hai mái nhà cầu là hàng lu, kiệu chứa nước mưa.

Ngôi nhà của ông giáo không giống bất cứ ngôi nhà chữ Đinh nào trong xóm, bởi chủ nhân của nó là một người say văn chương, mê đọc sách thánh hiền. Người lớn tuổi trong xóm gọi ngôi nhà đó là nhà của thầy giáo Hai một cách kính trọng. Bọn trẻ con thì gọi là “nhà có cây dầu thơm”, dù trong vườn nhà ông còn có rất nhiều loại cây khác. Sở dĩ bọn trẻ gọi như vậy vì bên hiên nhà ông giáo có trồng cây dầu thơm, hay còn gọi là cây công chúa. Những cánh hoa xoắn hình sao biển có màu vàng ánh lục, cùng mùi hương nồng đậm của cây công chúa nhà ông giáo đã thơm suốt một thời thơ ấu của lũ trẻ chúng tôi, từng được chúng tôi đặt vào trang vở với những chiêm bao úa vàng màu hoa ép.

Chỉ cần “lách cánh cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào” (Dưới bóng hoàng lan - Thạch Lam), bên trong hàng rào nhà ông giáo là một thế giới khác. Ẩn sau hàng dâm bụt với hàng cau thẳng tắp là một khung cảnh yên bình, đơn sơ và mộc mạc. Khung cảnh đó như bước ra từ những trang sách mà ta đã đọc đâu đó, như một bài văn tả cảnh quê nhà mà thầy cô từng cho học sinh làm. Phía sau cánh cửa gỗ là lối nhỏ bằng gạch tàu dẫn vào một cái sân cũng được lót bằng thứ gạch đó. Hai bên lề của lối đi là thảm bông mười giờ mượt mà khi sáng sớm và rực rỡ lúc vào trưa. Trước sân là bàn thờ ông thiên, bên dưới rực vàng một rừng bông sao nháy.

Cây sung già bên bờ mương hiền lành như một ông bụt, tỏa bóng râm dọc chiều dài của con rạch nhỏ dẫn đến cái sàn nước ở cuối mương. Trên sàn nước là mấy cái lu, khạp để đựng nước với đồ múc làm bằng gáo dừa có cán tròn, nhẵn bóng được làm bằng phần già nhất của cây cau. Gọi cây sung già là “bụt” vì hằng năm, cây sung của ông giáo Hai đều “ban tặng” cho cả xóm những chùm trái sung túc trên mâm ngũ quả của mỗi gia đình vào dịp Tết Nguyên Đán. Bên hiên phải của ngôi nhà là mảnh “vườn cổ tích” với khế ngọt, ổi sẻ, chùm ruột, mận hồng đào, me chua, chanh giấy… Bọn con nít trong xóm được ông giáo cho đến đây leo trèo thỏa thích. Biết bao kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ đã được chúng tôi viết lên từ mảnh vườn này. Nhưng nổi bật trong đám cây trái ấy vẫn là cây công chúa, với những chùm “sao biển” ngạt ngào tỏa hương.

Bên trong nhà trên, một tủ thờ được đặt chính giữa nhà, sát vách buồng. Phía trước tủ thờ là một bàn dài và sáu ghế đai đặt thẳng hai hàng. Bên trái bộ bàn là cái đi văng dùng làm giường ngủ của ông giáo. Bên phải là kệ sách được sắp xếp ngăn nắp, thứ tự theo từng thể loại. Bên dưới cái cửa sổ rộng trổ ra “vườn cổ tích” là bàn làm việc và một cái ghế bố để ông giáo nằm nghỉ ngơi, đọc sách. Dọc theo khuôn bông của cửa sổ là hai dây trầu bà lúc nào cũng xanh tươi, mang cái mát dịu cho cả căn phòng.

Một đặc điểm của nhà chữ Đinh là ít khi chủ nhà tiếp khách ở nhà trên, trừ những lúc có đám tiệc. Nhà ông giáo Hai cũng vậy. Ông thường tiếp khách bên chiếc bàn tròn đặt bên trong cửa nhà dưới. Trên bàn là bộ tách úp trên cái khay và một bình trà được giữ ấm trong vỏ bình làm bằng vỏ trái dừa khô. Có nhiều khách đến chơi, nhưng không phải ai cũng ngồi lại trò chuyện với ông. Ông sẵn lòng tiếp họ, nhưng người dân quê chân chất không am hiểu chuyện thế sự, chuyện sách vở nên họ ngại, không dám ngồi lâu. Hàng xóm thường đến để nhờ ông viết giùm cái đơn hoặc giấy tờ mua bán đất vườn, đất ruộng; nhờ ông dàn xếp chuyện xung đột gia đình hay tư vấn một việc gì đó, và ông không bao giờ phụ lòng tin cậy của họ.

Tôi may mắn được ghé nhà ông giáo chơi thường xuyên, hầu như mỗi ngày. Sở dĩ tôi có được “đặc ân” đó của ông giáo là vì gia đình ông có mối quen biết thân tình với ba má tôi, nhất là từ khi ông rời thị xã để trở về nơi chôn nhau cắt rún “vui thú điền viên” khi ở tuổi “cổ lai hy”. Ông còn gửi bên nhà tôi một số sách. Cũng từ những cuốn sách đó mà tôi gần gũi với ông giáo hơn.

Tôi bắt đầu say mê cái “kho tàng” đang ở tạm nhà mình. Một chân trời mới mở ra trước đôi mắt của một thằng bé con có “tầm nhìn xa” không hơn một dang đồng như tôi. Tôi say sưa đọc, chỗ nào không hiểu thì hỏi ông giáo, được ông cắt nghĩa tận tình từng chi tiết. Ông nói từ tốn, ngắn gọn, rất dễ hiểu. Những đêm trăng sáng, tôi còn được ông cho nghe mấy ngón đờn kìm trầm buồn, sâu lắng như chất chứa nỗi lòng của ông. Và từ những câu chuyện ông kể, tôi biết vì sao ông trồng cây dầu thơm bên hiên nhà.

Ông giáo yêu thích văn chương và truyện ngắn mà ông thích nhất là Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam. Cây dầu thơm của ông chính là cây hoàng lan đi ra từ trang sách đó. Hình như câu chuyện của anh Thanh và cô Nga hàng xóm trong sách man mác chút kỷ niệm của ông với bà giáo thời mới quen nhau. Và tự lúc nào không biết, bọn trẻ chúng tôi bắt đầu yêu mến cây hoàng lan; yêu mến ngôi nhà bàng bạc như khói lam chiều của bà anh Thanh cùng tình yêu thầm kín, sâu lắng, đằm thắm, dịu dàng của cô Nga dành cho anh… Và nhất là yêu mến ngôi nhà của ông giáo mà chúng tôi lãng mạn đặt cho cái tên: Ngôi nhà dưới bóng hoàng lan!

***
Cuộc đời dâu bể. Cây hoàng lan tỏa hương chưa được bao năm thì ông giáo mất. Ba năm sau ngày mãn tang cha, người con trai trưởng của ông phá bỏ ngôi nhà chữ Đinh để xây ngôi nhà mới. Cây hoàng lan và “khu vườn cổ tích” chỉ còn trong ký ức với những kỷ niệm khó phai của tôi và chúng bạn. Tôi luôn nhớ câu nói của ông: “Nhơn chi sơ tính bổn thiện… Vi nhơn nan, vi nhơn nan…” mỗi khi ông giáo huấn chúng tôi về đạo làm người.

Thỉnh thoảng về thăm quê, ngang qua nhà ông giáo, hương hoàng lan như vẫn còn vương bước chân tôi trên con đường làng. Tôi nhớ những đêm trăng vằng vặc trên bến sông, bên tai tôi như còn văng vẳng tiếng đờn kìm và bài ca não nuột ngày nào của ông giáo được cất lên mỗi khi ông nhớ về người tri kỷ:

Đêm miền Tây,
Mênh mông dào dạt.
Tiếng đờn kìm tha thiết,
Chuyển sang bài nhớ thương
“Từ là từ phu tướng…”
Câu ca buồn loang loáng mặt sông.
Ánh trăng điệu nghệ rắc vàng,
Đưa tiếng đờn bay xa
Lòng bỗng thương những kẻ không nhà.
Tứ cố vô thân,
Giang hồ tứ chiếng.
Bỗng thương người biền biệt phương xa.
Quan hà muôn dặm.
Bỗng thương ta,
Đơn lẻ nhớ thương người…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngôi nhà dưới bóng hoàng lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO