Lời thề 400 năm

KIM SA| 27/09/2012 05:00

Hơn 400 năm qua, người dân hai thôn Kim Thượng, xã Kim Lũ, Sóc Sơn (Hà Nội) và Trâu Lỗ, xã Mai Đình, Hiệp Hòa (Bắc Giang) vẫn giữ vẹn khế ước của lớp tiền nhân.

Lời thề 400 năm

Hơn 400 năm qua, người dân hai thôn Kim Thượng, xã Kim Lũ, Sóc Sơn (Hà Nội) và Trâu Lỗ, xã Mai Đình, Hiệp Hòa (Bắc Giang) vẫn giữ vẹn khế ước của lớp tiền nhân: Coi nhau như anh em một nhà, trai gái hai làng tuyệt nhiên không lấy nhau và tận tâm vượt bao gian khó để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đọc E-paper

Mối tình huynh đệ Kim - Trâu trải qua thời gian, sự thăng trầm của cuộc sống mà lời thề ước năm xưa vẫn còn nguyên giá trị, người dân hai thôn luôn tôn trọng và thực hiện nghiêm lệ cổ. Có thể xem đây là một trong những nét văn hóa “độc nhất vô nhị” còn sót lại ở vùng đất ven sông Cầu.

Dân hai làng Kim Thượng - Trâu Lỗ từ cụ già tóc bạc phơ đến em nhỏ mới học lớp 3, lớp 4 đều nằm lòng câu ca: “Tình huynh đệ, nghĩa tâm giao/ Dưới dày có đất, trên cao có Trời/ Dẫu cho vật đổi sao dời/ Tử sinh vẫn giữ lấy lời tử sinh”. Lời thề son sắt ấy được dân hai làng ghi nhớ, tôn thờ và truyền dạy cho hậu sinh suốt mấy thế kỷ qua.

Cụ Ngô Văn Xuyên, 94 tuổi (cao niên nhất làng Trâu Lỗ), một “pho sử sống” của làng, kể rằng: Năm 1592, dân làng thôn Kim Thượng (Sóc Sơn, Hà Nội) mở hội tế thần, họ dâng lên Thành hoàng làng một con trâu trắng (ngưu tinh) to khỏe nhất làng để cầu mong được bình an vô sự, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Buổi tế lễ diễn ra long trọng trong không gian linh thiêng và khi chuẩn bị kết thúc, bỗng dưng con trâu trắng dùng làm vật tế lồng lên, trực chỉ hướng Mặt trời mà chạy. Trâu vượt qua sông Cầu Lồ, nằm phủ phục trước ngôi đền làng Trâu Lỗ (Hiệp Hòa, Bắc Giang), nơi thờ hai vị thần Trương Hống và Trương Hát, là hai anh hùng dân tộc có công giúp Triệu Quang Phục đánh đuổi giặc Lương xâm lược.

Người dân làng Trâu Lỗ cho rằng điều kỳ lạ trên là điềm thiêng, còn người dân Kim Thượng lại cho là điềm dữ nên họ đi dò hỏi khắp nơi để chuộc trâu về.

Dân hai làng Kim Thượng - Trâu Lỗ gặp nhau tại đình làng

Biết trâu đang ở làng Trâu Lỗ, dân làng Kim Thượng cử người chuẩn bị mang 100 quan tiền và lễ vật sang chuộc trâu về với thái độ lịch lãm, hòa nhã; người làng Trâu Lỗ cũng đáp lại một cách đầy thiện chí và khiêm nhường: “Dạ thưa quý anh, người là vàng, của là ngãi, chúng em đâu dám nhận tiền chuộc trâu”.

Cảm kích trước ứng xử của người Trâu Lỗ, dân làng Kim Thượng xin được kết chạ và nhận nhau làm anh em. Từ câu chuyện ngưu tinh, tình cảm, ơn nghĩa giữa hai làng bắt đầu nảy sinh, và theo thời gian, tình cảm đó ngày càng được vun đắp, thêm bền chặt.

Năm 1594, buổi lễ kết nghĩa huynh đệ giữa hai làng diễn ra tại đền thờ làng Trâu Lỗ, hai làng chính thức trở thành huynh đệ tâm giao, trong gian khó, hoạn nạn hay trong những việc vui đại sự đều không thể thiếu vắng nhau.

Điều đặc biệt, dân hai làng xưng hô với nhau một cách rất khiêm nhường, họ gọi nhau là anh, (chị) và xưng là em, không phân biệt tuổi tác, địa vị cao thấp. Dù trong hoàn cảnh khó khăn đến mấy, hai làng vẫn yêu thương, đùm bọc, che chở nhau mà không suy tính thiệt hơn, hiếm khi xảy ra xích mích, cãi vã, đánh nhau.

Lịch sử làng Kim Thượng - Trâu Lỗ kể lại, vào thời kỳ diễn ra cuộc nội chiến Lê -Mạc (thế kỷ XVII), trai tráng hai làng gặp nhau nơi biên ải Cao Bằng với thân phận phu phen cực khổ, và cũng chính ở nơi gian khó ấy tình nghĩa huynh đệ lại được thử thách, vun đắp thêm đầy, họ đã đoàn kết, yêu thương, nhường cơm sẻ áo cho nhau giữa chốn biên thùy gian khổ.

Cụ Ngô Văn Xuyên kể về lịch sử

Các cụ cao niên làng Trâu Lỗ kể, cũng có trường hợp do không biết nhau, một số thanh niên làng Trâu Lỗ đi làm ăn xa đã xảy ra va chạm với thanh niên làng Kim Thượng, nhưng khi họ biết đó là “dân anh” thì lại làm hòa ngay và chấp nhận khi về quê phải làm lễ ra đình làng để chịu phạt.

Năm 1957, làng Trâu Lỗ sửa lại ngôi đình, dân Kim Thượng sai thợ ngõa (thợ lợp nhà) sang giúp không công và không đòi hỏi gì. Năm 1963, dân Trâu Lỗ đắp đập, làng Kim Thượng lại giúp đỡ nhân lực, tiền của một cách chân tình, vô tư.

Gần đây nhất, vào năm 2007-2008, làng Trâu Lỗ lại sửa chữa đình làng và cũng như những lần trước, Kim Thượng cho thợ sang làm giúp và hỗ trợ gần 90 triệu đồng tiền mặt. Đáp lại, cách đây 5 năm, một trận rét hại làm chết hết mạ non làng Kim Thượng, dẫn đến thiếu mạ giống.

Nghe tin ấy, làng Trâu Lỗ họp nhau lại và huy động mỗi suất đinh đóng góp 5 bó mạ rồi chất lên thuyền chở sang giúp “dân anh”. Hơn 400 hộ dân, mỗi hộ vài ba đinh nên chuyện thiếu mạ lúc nước sôi lửa bỏng trở thành chuyện nhỏ. Có lần, làng Trâu Lỗ còn hỗ trợ Kim Thượng hơn 300 triệu đồng để sửa sang đình, chùa...

Đó là chuyện của lịch sử, còn ngày nay, hai làng vẫn coi nhau như anh em trong nhà. Để duy trì truyền thống tốt đẹp của quê hương, hằng năm, khi Tết đến, đặc biệt vào ngày hội làng, hai bên tổ chức lễ đón rước “dân anh” đến làm lễ tế tại đền thờ làng mình, cùng nhau ôn lại truyền thống lịch sử kết nghĩa, giáo dục các thế hệ hôm nay phải biết gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp đó của cha ông.

Lễ đón "dân anh"

Mỗi khi làng nào có công to, việc lớn lại “thỉnh” đến nhau. Đặc biệt, trai gái hai làng chưa bao giờ có ai dám phá lệ để lấy nhau. Anh Nguyễn Văn Tuấn, người làng Trâu Lỗ, kể rằng: “Cách đây khoảng ba năm, tôi có thích và yêu một cô gái nhưng sau này khi biết cô ấy là người làng Kim Thượng, tôi đã từ bỏ ý định đi tới hôn nhân, bây giờ thì gọi cô ấy là “chị”, xưng “em” một cách rất chân thành, trong sáng”.

Bên ngôi đền cổ kính, trầm mặc, cụ Ngô Văn Xuyên kể mà như khẳng định với chúng tôi: “Từ ngàn xưa tổ tiên chúng tôi đã thực hiện như vậy, giờ là chúng tôi và sau này là con cháu cũng sẽ làm như thế để duy trì truyền thống quê hương, nếu ai vi phạm sẽ bị “xử” theo lệ làng đã quy định”.

Cụ Xuyên còn đọc một câu thơ được dân hai làng đúc kết và truyền tụng đến ngày nay: “Xưa kia ai biết ai đâu/ Ngưu Tinh dắt mối tình đầu nên thân/ Đi phu Cao Lạng mùa Xuân/ Đến Thu kết nghĩa toàn dân lâu dài”.

Hơn 400 năm qua, dân hai làng chưa hề có ai vi phạm. “Những quy định ấy suy cho cùng cũng có phần cực đoan, nhưng lệ làng thế rồi.
Các cụ cũng chỉ muốn dân hai làng xem nhau như ruột thịt, vì họ sợ những mối quan hệ riêng tư làm ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp giữa hai làng, và cũng là để bảo vệ tình cảm cộng đồng thiêng liêng, sâu nặng của hai làng đã có từ hàng trăm năm nay”, cụ Ngô Văn Xuyên trầm ngâm giải thích.

Bản kết nghĩa tình huynh đệ hai làng gồm hai tập sách dịch từ chữ Nôm, với 5 điều cơ bản sau:

1. Nam từ 15 tuổi trở lên mới được gánh góp việc của dân hai làng.

2. Chỉ giao dịch việc công, không giao dịch việc tư.

3. Dân hai làng không được kết hôn với nhau.

4. Giúp nhau trên tinh thần vô tư, không suy bì thiệt hơn, không hoàn lại.

5. Người đến cư trú từ ba đời trở lên phải được dân đồng ý mới được gánh góp việc hai làng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lời thề 400 năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO