Làm giàu cho biển đảo

ANH THƯ| 14/04/2010 00:05

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 16 (diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 - 9/4), các nước trong khu vực bày tỏ tin tưởng các bên liên quan sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì an ninh, ổn định tại biển Đông.

Làm giàu cho biển đảo

Như trông đợi, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 16 (diễn ra tại Hà Nội từ ngày 5 - 9/4), các nước trong khu vực bày tỏ tin tưởng các bên liên quan sẽ tiếp tục nỗ lực duy trì an ninh, ổn định tại biển Đông. Thúc đẩy tuyên bố của các bên về Ứng xử ở biển Đông (DOC), ký năm 2002 và vốn không có tính ràng buộc pháp lý, thành bộ Quy tắc Ứng xử (COC) chặt chẽ hơn.

Rõ ràng, những tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông không thể giải quyết một cách chóng vánh được. Điều mà Việt Nam và các nước liên quan có thể hy vọng nhất là đạt được đồng thuận của các nước ASEAN về cách thức đối phó với những quốc gia đưa ra các hành động đơn phương, lấn lướt tại biển Đông.

Hay nói cách khác, nước chủ nhà Việt Nam đang chủ động khơi lại quan tâm của các nước ASEAN để thương lượng với Trung Quốc về bộ Quy tắc COC. Các nước có tranh cãi về lãnh hải tại biển Đông như Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia cũng cùng có mối quan tâm tương tự, và muốn vậy, trước một đối trọng lớn hơn, các nước ASEAN phải hiệp đồng.

Việt Nam cố gắng thúc đẩy cách tiếp cận đa phương và đưa chủ đề biển Đông vào nghị trình ASEAN có thể nói là một bước đi cần thiết. Với chiếc ghế Chủ tịch ASEAN, Việt Nam có cơ hội dùng diễn đàn khu vực để vận động cho các chủ đề quan trọng, trong đó có chủ đề biển Đông.

Một yếu tố mới là tại Hội nghị Thượng đỉnh 16, các nước ASEAN dự kiến đẩy mạnh quan hệ đối ngoại với các đối tác ngoài khối, tiêu biểu là có thể thu nạp Nga và Hoa Kỳ trong khuôn khổ Họp cấp cao Đông Á. Nếu thành công, tiếng nói của ASEAN, của Việt Nam trong mọi vấn đề quốc tế sẽ có trọng lượng hơn nhiều.

Trong khi lãnh đạo họp về chủ đề biển Đông, nhân dân cả nước cũng sôi nổi với nhiều hoạt động hướng về biển đảo, khẳng định tình yêu thiêng liêng và máu thịt với Trường Sa, Hoàng Sa. Đất nước là của nhân dân, dựa vào dân để bảo vệ lãnh thổ là con đường ngàn đời nay cha ông đã giữ gìn non sông.

Những xu thế mới của thế giới cho Việt Nam thêm con đường “ngoại giao nhân dân” để tranh thủ dư luận quốc tế và tỏ ra rất hiệu quả. Chẳng hạn, Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ đính chính sai bản đồ Việt Nam. Trước những sai trái này, người dân Việt Nam đã lên tiếng bằng nhiều hình thức và Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ đã phải chỉnh sửa ngay sau đó.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gần đây ra thăm huyện đảo Bạch Long Vĩ đã phát biểu: “Chúng ta không tham của ai, nhưng một tấc đất quê hương chúng ta cũng không nhân nhượng”. Đó cũng là lời thề không gì lay chuyển được của dân tộc Việt Nam qua bao thế hệ. Mỗi người dân đều có nghĩa vụ thiêng liêng này và doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc. Các công ty tư nhân rồi đây có thể có những dự án độc lập, có thể hoạt động khắp nơi ở Việt Nam, chẳng hạn như các nghiên cứu khoa học ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Qua đó, để càng khẳng định hai quần đảo này là lãnh thổ ngàn đời của Việt Nam. Việt Nam có hơn 3.000 đảo lớn nhỏ, nên di dân ra đảo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được kiên trì thực hiện trong hơn nửa thế kỷ qua.

Tuy nhiên, có nhiều trường hợp dân đã ra đảo sống một thời gian rồi lại quay về, do điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội trên đảo chưa đảm bảo để yên tâm ổn định cuộc sống lâu dài. Do vậy, cùng với mặt trận ngoại giao, cần gấp rút có những dự án kinh tế phát triển Trường Sa và cả Hoàng Sa, có thể là du lịch hay ngư nghiệp... Và đây chính là thời điểm để doanh nghiệp Việt Nam thể hiện trách nhiệm với đất nước.

Với sự hỗ trợ to lớn bằng quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn có đủ phát kiến để làm giàu những mảnh đất này. Giữ đất không gì hơn bằng cách làm giàu cho đất, để đất sinh thêm đất, giữ người không gì hơn là làm giàu cho người, để người tiếp nối nhau cùng giữ biển trời đất nước...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm giàu cho biển đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO