Lãi suất khó giảm trong năm 2017

HẢI VÂN thực hiện| 05/01/2017 06:21

Đối mặt với các bất định từ bên ngoài ngày càng lớn, việc giảm lãi suất trong năm 2017 là khó xảy ra, nhưng nếu các điều kiện kinh tế diễn biến thuận lợi, lãi suất vẫn có thể giảm nhẹ vào năm sau.

Lãi suất khó giảm trong năm 2017

Đối mặt với các bất định từ bên ngoài ngày càng lớn, việc giảm lãi suất trong năm 2017 là khó xảy ra, nhưng nếu các điều kiện kinh tế diễn biến thuận lợi, lãi suất vẫn có thể giảm nhẹ vào năm sau, theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Tú Anh.  

Đọc E-paper

* Một số ngân hàng thương mại mới đây đã giảm lãi suất huy động (BIDV, Agribank giảm từ 0,1% - 0,3%/năm, Sacombank, Bản Việt khoảng 0,1%/năm). Liệu giảm lãi suất có thể trở thành xu hướng chung của cả hệ thống ngân hàng trong năm tới. Vậy ý kiến của ông?

- Lãi suất huy động và lãi suất cho vay chịu ảnh hưởng của diễn biến kinh tế trong và ngoài nước. Trong năm 2017, nền kinh tế nước ta phải đối mặt với rất nhiều bất định từ bên ngoài, như sự thay đổi chính sách của tân Tổng thống Mỹ, sự phản ứng của các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU đối với sự biến động của đồng USD, xu hướng bảo hộ mậu dịch, sự biến động trên thị trường tài chính... Bên cạnh đó là sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc cũng có thể dẫn đến những bất định cho thương mại và đầu tư của nhiều nước.

Năm 2017 kinh tế nước ta có thể có một số thuận lợi, như số doanh nghiệp tăng mạnh, khu vực chế tác và dịch vụ vẫn đà tăng trưởng, khu vực nông lâm thuỷ sản phục hồi sau những tác động bất lợi của thời tiết, dòng vốn FDI được dự báo vẫn tăng trưởng, cán cân thương mại có thặng dư.

Bên cạnh đó, những giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu sẽ được thực thi mạnh mẽ, góp phần quan trọng cho việc điều chỉnh lãi suất ngân hàng.

>>Với người gửi tiền, lãi suất không là tất cả?

Tuy nhiên năm 2017 cũng sẽ có hàng loạt thách thức, như nợ công tăng cao, sự bất định của Hiệp định TPP có thể ảnh hưởng đến dòng vốn FDI, giá trị các đồng tiền đối tác chính của Việt Nam biến động mạnh, giá dầu và các mặt hàng cơ bản có thể tăng trở lại tạo sức ép lên lạm phát.

Đối mặt với các bất định từ bên ngoài ngày càng lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải rất thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định nền kinh tế, kiềm chế lạm phát. Do đó việc giảm lãi suất trong năm 2017 là khó xảy ra. Tuy nhiên nếu các điều kiện của nền kinh tế diễn biến thuận lợi thì lãi suất vẫn có thể giảm nhẹ vào năm sau.

* Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong năm 2017 nhiều khả năng sẽ có 3 lần tăng lãi suất. Theo ông, nếu điều đó xảy ra sẽ tác động thế nào đến lãi suất cho vay ở Việt Nam?

- FED chưa có kế hoạch tăng lãi suất mục tiêu thêm 3 lần nữa mà chỉ là mở ra khả năng này. Tác động của đồng USD đối với lãi suất trên thị trường Việt Nam chủ yếu thông qua luồng vốn vào ra và tỷ giá. Dòng vốn vào Việt Nam chủ yếu là để đầu tư dài hạn trong khi dòng tiền quay về Mỹ để đón xu hướng tăng lãi suất là dòng tiền nóng, do đó tác động của việc Mỹ tăng lãi suất lên dòng vốn vào Việt Nam sẽ không nhiều.

>>Thị trường châu Á khủng hoảng vì đồng USD trong năm 2017

Thêm vào đó, trong năm 2017, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chờ đợi nhiều doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa và lên sàn chứng khoán. Đây sẽ là cú hích quan trọng cho dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam. Có nhiều dự báo dòng vốn đổ vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, điều này giảm áp lực cho lãi suất.

Tuy nhiên việc FED tăng lãi suất sẽ có tác động lên tỷ giá các đồng tiền của các đối tác và đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. Điều này trong chừng mực nào đó sẽ gây sức ép lên tỷ giá của đồng Việt Nam và lạm phát, và qua đó tăng áp lực lên lãi suất.

* Có ý kiến cho rằng năm 2017 nên duy trì lãi suất ổn định như năm 2016. Theo ông thì sao?

- Mục tiêu của chính sách tiền tệ là bám sát thị trường, chủ động nắm bắt các biến động thuận lợi và bất lợi nhằm duy trì ổn định nền kinh tế, trong đó có các chỉ số về lạm phát và lãi suất. Nếu các yếu tố thuận lợi là vượt trội thì cũng không loại trừ khả năng giảm lãi suất.

* Dự thảo Đề án Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng đã đưa ra các mục tiêu đẩy mạnh tái cấu trúc các ngành kinh tế, trong đó có nội dung kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển, tức khoảng 5%/năm. Theo ông, mục tiêu này có khả thi trong trung hạn?

- Mục tiêu lạm phát của nước ta trong năm 2017 và trung hạn là 3 - 4%. Như vậy lãi suất huy động kỳ hạn ngắn ít nhất cũng phải ở mức 3,5%, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay ít nhất cũng phải đạt 2 điểm phần trăm để trang trải các chi phí hoạt động của ngân hàng.

Như vậy lãi suất cho vay ít nhất cũng phải 5,5% cho các kỳ hạn ngắn. Việc đặt mục tiêu lãi suất cho vay trung bình 5% là quá tham vọng trong điều kiện kinh tế Việt Nam ngày nay.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi suất khó giảm trong năm 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO