Kỳ 2: Nhóm Thứ Sáu: Vật vã với Giá – Lương - Tiền

16/04/2010 06:47

Sau khi chính sách giá lương tiền được thực hiện, nền kinh tế lâm vào cảnh xáo trộn, giá cả tăng từng ngày, trong khi đó tiền mặt khan hiếm, chính quyền các cấp kêu gào kéo giá xuống...

Kỳ 2: Nhóm Thứ Sáu: Vật vã với Giá – Lương - Tiền

Sau khi chính sách giá lương tiền được thực hiện, nền kinh tế lâm vào cảnh xáo trộn, giá cả tăng từng ngày, trong khi đó tiền mặt khan hiếm, chính quyền các cấp kêu gào kéo giá xuống. Thành uỷ đề nghị Nhóm nghiên cứu chuyên đề nghiên cứu biện pháp làm cách nào để kéo giá xuống.

Tôi còn nhớ rõ trong buổi họp, khi tôi nêu yêu cầu này của Thành uỷ với anh em thì anh Hồ Xích Tú đặt câu hỏi: "Ta lấy cơ sở nào nói rằng giá hiện nay cao mà phải có biện pháp kéo xuống!".

Thế là bắt đầu một cuộc tranh luận vô cùng sôi nổi. Thú thật, lúc bấy giờ tôi chỉ là một cậu học trò ngồi nghe 24 ông thầy tranh luận về nội dung kinh tế "tầm vĩ mô", trong khi các từ ngữ chuyên môn trong kinh tế thì tôi hoàn toàn chưa biết.

Thì ra chuyện mua bán khác với chuyện kinh tế và nhờ đó tôi được biết cái tôi chưa từng biết, cái tôi cần phải học. Và đối với tôi, đây là trường kinh tế học đặc biệt nhất, có thể nói là duy nhất. Cảm nhận này làm tôi nhớ đến câu chuyện của Kim Dung: nhân vật Quách Tỉnh học võ với Giang Nam Thất Quái, rồi sau đó học với khắp mọi cao thủ võ lâm, trong nhiều trường hợp khác nhau; anh ta rất khờ khạo nhưng được gặp nhiều danh sư nên đã thành đạt.

Việc đặt lại vấn đề thực trạng và bản chất giá cả hiện nay như thế nào là điều vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta là bác sĩ, không thể chỉ nghe bệnh nhân khai bị bệnh phổi vì thường bị ho là ta cho thuốc ngay được mà lúc nào cũng phải xét nghiệm lại. Tương tự như vậy, lúc bấy giờ giá cả tăng hàng ngày, Nhà nước cứ đổ lỗi cho người bán hàng tăng giá, nên phải dùng biện pháp hành chánh kéo giá xuống. 

Anh Huỳnh Bửu Sơn đề nghị phải có một bản so sánh sự biến đổi giá của nền kinh tế Việt Nam qua các thời kỳ, và anh đã đưa ra một phương pháp là so sánh từng nhóm hàng với tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ; đồng thời chọn thời điểm chuẩn để so sánh. Phương pháp là chia các nhóm hàng ra thành 5 nhóm và lấy giá thị trường làm căn cứ:

- Nhóm 1: hàng nhập khẩu (phân urê, xi măng, xăng v.v...)

- Nhóm 2: hàng công nghệ phẩm sản xuất tại Việt Nam với nguyên liệu nhập khẩu (sữa hộp, bột giặt...)

- Nhóm 3: hàng nông sản lương thực thực phẩm (gạo, thịt, trứng...)

- Nhóm 4: dịch vụ lao động phổ thông đơn giản (bốc xếp, xích lô...)

- Nhóm 5: vàng.

Thời điểm chuẩn được so sánh là:

- Năm 1973 tỷ giá: 1USD # 493 VNĐ.

- Năm 1986 tỷ giá: 1USD # 455 VNĐ.

Khi chọn được hai điểm chuẩn ở hai thời điểm (1973 và 1986) có tỷ giá đô la Mỹ và đồng Việt Nam tương đương nhau thì ta thấy được giá thị trường của nhóm hàng thứ nhất (hàng nhập khẩu):

- Xi măng: 1973 là 1.500 đồng/bao và 1986 là 1.600 đồng/bao.

- Phân Urê: 1973 là 79.160 đồng/tấn và 1986 là 70.000 đồng/tấn.

- Xăng: 1973 là: 125 đồng/lít và 1986 là 100 đồng/lít.

- V.v...

Như vậy, giá chênh lệch nhau giữa hai thời điểm (1973 và 1986) là không đáng kể, có thể xem như tương đương. Ta đã có một mặt bằng giá cả của nền kinh tế Việt Nam một cách tổng quát, từ đó có thể so sánh giá của các nhóm hàng còn lại, xem loại nào đang tăng loại nào đang giảm.

Sau nhiều ngày tranh luận và cuối cùng anh em đưa ra được kết luận theo phương pháp cũng như số liệu thống kê của anh Huỳnh Bửu Sơn, thì tôi cũng ngộ ra rằng: Sự hỗn loạn của kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ giống như mọi vật đang trong trạng thái rơi tự do của vật lý, trong đó thu nhập của người lao động ăn lương là rơi nhanh nhất.

Nhưng trong vật lý, các vật rơi đều bị sức hút của trọng trường trái đất, nghĩa là đã có sẵn mặt phẳng quy chiếu để só sánh nên ta dễ nhận thấy. Còn trong kinh tế, mọi yếu tố đều biến động theo các hệ qui chiếu khác nhau, nghĩa là không gian n chiều, do đó ta phải xác định lại một mặt phẳng qui chiếu để so sánh. Và chính hai thời điểm (1973, 1986) và đường thẳng tỷ giá USC/VNĐ # (493 - 455) đã xác định được một mặt phẳng qui chiếu để so sánh.

Nếu giá mặt hàng nào nằm trên mặt phẳng thì giá đó đã lên, thoát ly nền kinh tế, nếu mặt hàng nào giá nằm dưới mặt phẳng nền thì nó đang sụt giảm, đây là cách suy luận theo kiến thức vật lý của tôi.

Kết quả sau khi so sánh:

Giá 2 thời điểm 1973 và 1986 với tỷ giá USD/VNĐ (493 đồng/USD, 455 đồng/USD):

- Giá nhóm 1 năm 1986 tương đương năm 1973

- Giá nhóm 2 năm 1986 thấp hơn khoảng 2,5 lần giá năm 1973

- Giá nhóm 3 năm 1986 thấp hơn khoảng 3 lần giá năm 1973

- Giá nhóm 4 năm 1986 thấp hơn khoảng 4 lần giá năm 1973

- Giá nhóm 5 năm 1986 cao hơn khoảng 4 lần giá năm 1973

(Vàng 1986 là 190.000 đồng/lượng và 1973 chỉ là 50.204 đồng/lượng)

Từ bảng so sánh này ta thấy giá cả năm 1986 đã tụt xuống quá thấp so với mặt phẳng nền, trừ nhóm 5 và vàng thì ngược lại. Nếu ta lấy giá dịch vụ lao động tự do mà xét, thì nếu năm 1973 một lượng vàng nuôi sống gia đình được 1 tháng thì năm 1986 nó nuôi sống một gia đình được 16 tháng (thời đó ai có vàng thì đỡ khổ là vậy).

Cuộc tranh luận về kéo giá xuống hay phải đẩy giá lên đã rõ. Nhà nước đã đứng vào vị trí của người tiêu dùng và trên nền tảng tư duy bao cấp tiền lương, nên thấy mọi giá cả đều lên, nhưng nếu đứng ở góc độ sản xuất nghĩa là cái gốc của nền kinh tế lúc bấy giờ thì giá đã làm cho mọi ngành sản xuất đều lỗ, đều ăn vào vốn, cả nền kinh tế đang tan rã.

Thế là công trình nghiên cứu đầu tiên của Nhóm là "Các biện pháp chủ động về tiền tệ, giá cả nhằm phát triển kinh tế" được biên soạn, đến tháng 3 năm 1987 là in ấn xong. Đây là một kiến nghị với Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh và Trung ương mà nội dung hoàn toàn không đồng tình với việc dùng biện pháp hành chính kéo giá xuống, trong khi giá đã xuống đến mức làm tan rã nền kinh tế Việt Nam.

Từ công trình này, Nhóm nghiên cứu Cholimex gây được tiếng vang tại Hà Nội qua cuộc thuyết trình của ba anh em Phan Chánh Dưỡng, Trần Bá Tước, Huỳnh Bửu Sơn trước 30 cán bộ cấp Bộ, Thứ trưởng, Vụ trưởng do ông Võ Văn Kiệt tổ chức cho anh em trình bày nội dung đề án. Tiếp theo đó là các công trình nghiên cứu khác ra đời với đề tài:

- Đổi mới hệ thống ngân hàng.

- Xây dựng chánh sách phát triển ngoại thương cho Việt Nam.

- Qui hoạch vùng để phát triển kinh tế.

Đối với tôi, sau khi cùng tham gia vào 4 đề tài nghiên cứu trên, có thể nói là như đã học xong 4 năm đại học kinh tế. Và từ đó tôi đọc say mê sách về kinh tế như đọc tiểu thuyết chưởng của Kim Dung. Các hiện tượng kinh tế tôi biết đến đều được suy luận theo phương pháp tư duy vật lý, từ đó bắt đầu có thể tham gia bàn luận với anh em trong các lãnh vực kinh tế.

Mời theo dõi tiếp kỳ 3

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỳ 2: Nhóm Thứ Sáu: Vật vã với Giá – Lương - Tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO