Kinh tế số nhìn từ vùng trọng điểm nông nghiệp quốc gia

TS. TRẦN HỮU HIỆP| 06/02/2019 04:00

Kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ kỹ thuật số. Các giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ diễn ra nhanh chóng, thuận tiện, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các dạng kinh tế truyền thống.

Nông nghiệp số

Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 26 (APEC 26), năm 2018, diễn ra tại Papua New Guinea, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi đến thế giới thông điệp mới và cam kết mạnh mẽ về phát triển kinh tế số.

Việt Nam đang tích cực xây dựng hạ tầng công nghệ, chuyển đổi kỹ thuật số, xây dựng chính phủ điện tử, thành phố thông minh, ban hành nhiều chính sách để tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế số.

Không chỉ Chính phủ nỗ lực, đã có những doanh nghiệp tiên phong, nhiều nông dân tại Đồng bằng sông Cửu Long đang hiện thực hóa nền kinh tế số trên những cánh đồng, vườn cây, ao cá. Phát huy lợi thế sinh thái tự nhiên, nâng tầm nông nghiệp truyền thống, kết hợp công nghệ thông tin đã cho ra đời các dạng thức "nông nghiệp số” tại miền Tây Nam bộ.

Nhiều ứng dụng mà cách nay vài năm được xem như chuyện xa vời, nay đã trở thành sự thật, minh chứng cho kinh tế số trong nông nghiệp.

Link bài viết

Một gia đình nông thôn sau bữa ăn sáng, người chồng đi họp câu lạc bộ nông gia, người vợ đi chợ và đứa con đi thi. Nhưng họ không hề rời khỏi nhà mà vẫn hoàn thành công việc do người chồng họp trực tuyến, vợ đi chợ qua mạng và đứa con làm bài thi trực tuyến.

Những chủ nông trại miền Tây có thể ngồi ở quán cà phê miệt vườn theo dõi công nhân làm việc hằng ngày qua màn hình smartphone. Tương tự, họ có thể điều khiển hệ thống bơm, thoát nước cho vuông tôm bằng cách kích hoạt ứng dụng trên smartphone.

Mới đây, TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Rynan Holdings JSC tại Trà Vinh cho biết, qua việc đầu tư trạm quan trắc nước, xử lý thông tin, Tập đoàn đã cung cấp cho nông dân tỉnh này bộ công cụ "làm nông bằng điện thoại".

Chỉ cần xem độ mặn, ngọt của nước trong các sông, rạch hiển thị trên "cái alô thông thái", nông dân có thể điều khiển từ xa hệ thống bơm, thoát nước tự động cho nuôi tôm hay trồng lúa, trồng hoa màu với nhiều tiện ích và hiệu quả kinh tế vượt trội.

Mô hình không chỉ phổ biến ở tỉnh Trà Vinh, mà đang được nghiên cứu nhân rộng ra các tỉnh Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bến Tre, Tiền Giang.

Trước đó, Tập đoàn Lộc Trời đã giúp những nông dân trở thành cổ đông, doanh nhân nông nghiệp, mở ra cơ hội chia sẻ lợi ích thông qua sàn giao dịch chứng khoán, số hóa giá trị nông sản. Nhờ tích hợp các dữ liệu, Lộc Trời đã ứng dụng viễn thám địa lý cho nông nghiệp và nước (SAT4RICE), giúp nông dân An Giang và nhiều địa bàn vùng nguyên liệu của Tập đoàn nắm bắt thông tin đồng áng qua smartphone, không cần phải ra đồng.

Nông dân thời @ chỉ cần truy cập ứng dụng trên smartphone, chọn thửa ruộng sẽ nắm được toàn bộ dữ liệu của thửa ruộng đó từ lúc sạ cho đến lúc thu hoạch.

Mấy năm trước đây, nhiều nơi đã sử dụng công nghệ laser để phá bờ mẫu, san phẳng đồng ruộng, mở ra hướng phát triển nông nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn. Nông dân Đồng Tháp cũng đã biết trồng xoài qua mạng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với công nghệ số, mã vạch, người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng nông sản bày bán tại các siêu thị. Công nghệ số tạo dựng niềm tin nơi người tiêu dùng và góp phần xây dựng các chuỗi giá trị nông sản từ đồng ruộng đến bàn ăn.

Kinh tế số, nông nghiệp số từ lý thuyết đã trở thành thực tiễn sinh động trong đời sống nông thôn miền Tây, nơi lâu nay nhiều người nghĩ sẽ mãi quanh quẩn với kinh tế nông nghiệp truyền thống. Hệ sinh thái, hạ tầng kỹ thuật cho kinh tế số, nông nghiệp số đang được hình thành, giúp chắp cánh cho những ý tưởng kinh doanh mới và ứng dụng vượt trội.

kinh-te-doanhnhansaigon-7136-1549380175.

"Công xưởng mới" cần kinh tế số

Gần đây, nhiều người nói đến "công xưởng thế giới" đang hình thành ở Việt Nam. Nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Intel, Canon, Toyota, Honda và hàng nghìn doanh nghiệp FDI, sự lớn mạnh của các tập đoàn kinh tế trong nước như FPT, Viettel, VNPT, Vingroup, VietJet Air... đang tạo ra niềm tin về các "công xưởng mới".

Việt Nam trở thành nguồn cung 50% số lượng điện thoại di động hằng năm của Samsung trên toàn thế giới, cung cấp 80% tủ điện của Tập đoàn General Electric (GE) toàn cầu và sẽ trở thành địa điểm đặt một trong 5 nhà máy thông minh của GE.

Ngành công nghệ thông tin của Việt Nam cũng phát triển nhanh chóng, đi tiên phong trong phát triển các mạng 3G, 4G, thí điểm sớm mạng 5G, trong thời gian ngắn đã đạt một số tiêu chí trình độ tiên tiến nhất trong khu vực.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, từ chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, Việt Nam đã có những nhà máy chế biến nông sản được đầu tư công nghệ hiện đại.

Việt Nam đã có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu có giá trị hơn 1 tỷ USD; nhiều mặt hàng nông sản ở vị trí top đầu trên thế giới như gạo, hồ tiêu, cá basa, tôm, cao su. 

Là quốc gia xuất khẩu cá tra nhiều nhất, chế biến và xuất khẩu hạt tiêu nhiều nhất với trên 50% giá trị thương mại toàn cầu.

Việt Nam đứng thứ hai thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê, xuất khẩu trên 1 triệu tấn cà phê các loại ra toàn thế giới, xuất khẩu tôm thuộc top 5 thế giới. Trong đó, vùng trọng điểm nông nghiệp quốc gia Đồng bằng sông Cửu Long có đóng góp quan trọng.

Link bài viết

Việt Nam hướng đến công xưởng thế hệ mới, thành tựu của nông nghiệp rất đáng ghi nhận, nhưng cũng đang gặp nhiều thách thức.

Việt Nam còn nhiều việc cần làm để trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới, với công nghệ cao và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số. Phải lên nấc thang giá trị cao hơn, hỗ trợ và khuyến khích cụ thể hơn cho đổi mới sáng tạo trong kinh doanh nông nghiệp, lĩnh vực công nghệ và bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Nông dân miền Tây chiếm hơn 70% dân số trong vùng, địa bàn nông thôn đang là dư địa lớn cho các hình thái kinh tế mới: nông nghiệp số, kinh tế số, kinh tế chia sẻ.

Những kết quả bước đầu của nông nghiệp số là đáng trân trọng, song chưa nhiều. Trước thách thức cạnh tranh khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được thực thi, đòi hỏi của chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, rất cần nhiều cơ chế, chính sách, thể chế mới và xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ, chất lượng nhân lực trong nông nghiệp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nền nông nghiệp số.

Những nông dân miền Tây đang rất cần sự dẫn dắt của nhà đầu tư, doanh nghiệp, sự hỗ trợ của nhà khoa học và kiến tạo của Nhà nước để kinh tế số, nông nghiệp số không phải là những ngôn từ trống rỗng.

Những kết quả bước đầu của nông nghiệp sáng tạo, nông dân khởi nghiệp và kinh tế số đang đòi hỏi cơ chế, chính sách, thể chế mới và xây dựng nền tảng ứng dụng công nghệ để khuyến khích thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nền kinh tế chia sẻ.

Khi công nghệ và kinh tế vượt lên trước, đòi hỏi hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện hành và những dạng thức của kinh tế số, kinh tế chia sẻ trong nông nghiệp. Bản quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ cho những kết quả sáng tạo, khởi nghiệp phát huy kinh tế chia sẻ trong nông nghiệp, nông dân và nhiều vấn đề khác đang được đặt ra, đòi hỏi cần hoàn thiện "hệ sinh thái" cho nền kinh tế số và kinh tế chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kinh tế số nhìn từ vùng trọng điểm nông nghiệp quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO