![]() |
“Việc chống suy giảm tăng trưởng kinh tế đã có kết quả, song chưa vững chắc. Vì vậy, vẫn cần sử dụng các biện pháp kích thích kinh tế để vừa tiếp tục chống suy giảm, vừa ngăn chặn được lạm phát. Chính phủ đang chuẩn bị bước đệm cho việc khôi phục kinh tế sau khi kết thúc gói kích cầu bằng chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay dài hạn để đầu tư. Khi quyết định cũ vẫn có hiệu lực đến hết năm 2010 thì sẽ cân nhắc việc nên hỗ trợ ngắn hạn cho DN vay vốn lưu động, cân nhắc chọn lọc hơn gói thứ nhất về đối tượng, phạm vi, thời hạn và mức độ, chính sách miễn giảm, giãn thuế đối với DN hoặc thuế đối với cá nhân...”,ông Lê Đức Thúy khẳng định.
*Không thể phủ nhận, nếu kích thích quá thì nền kinh tế sẽ tái lạm phát. Vậy vì sao chúng ta cần thêm gói kích cầu thứ hai, thưa ông?
- Trên thực tế, nền kinh tế vẫn tăng trưởng chậm, tính chung, GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,9%. Để đạt được mức tăng GDP 5% cho cả năm, thì quý III, quý IV, GDP cần phải tăng 6%, điều này không dễ thực hiện vì mức tiêu dùng dân cư giảm so với năm ngoái. Chi tiêu chính phủ tăng lên chưa đủ bù mức giảm của tổng tiêu thụ, nên làm GDP tăng chậm lại; kim ngạch xuất khẩu giảm tới 14% so với cùng kỳ, tiêu thụ cuối cùng giảm 3,5% nếu tính từ đầu năm đến nay. Như vậy, nguy cơ GDP tăng trưởng thấp là có thể xảy ra. Bên cạnh đó, hàng công nghiệp tồn kho 6 tháng đầu năm tăng 34%, chứng tỏ nền kinh tế đang phục hồi một cách chật vật, chưa bền vững. Cũng cần hiểu rõ thực chất nền kinh tế của ta tăng trưởng đến mức nào. Sự phục hồi giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp vừa qua là tăng trưởng dựa trên tiêu thụ cuối cùng, hay dựa trên cơ sở tiêu thụ hàng tồn kho từ trước, hay tăng trưởng sản phẩm, làm ra nhưng lại để tồn kho.
* Nếu triển khai tiếp gói kích cầu thứ hai thì theo ông, chúng ta nên có những lưu ý gì để đạt hiệu quả tốt hơn?
- Dĩ nhiên, gói kích cầu thứ hai nếu triển khai, phải chọn lọc hơn, không thể dàn đều cho mọi DN, mọi ngành. Chỉ những ngành, lĩnh vực nào có triển vọng tốt cho thị trường nội địa, đẩy mạnh được xuất khẩu thì mới nên tiếp tục kích thích. Đối tượng được hỗ trợ chính phải là những DN nhỏ và vừa, chứ không phải là những tập đoàn kinh tế lớn. Thời hạn nên ngắn hơn, có thể trong 1 - 2 quý đầu, với mức hỗ trợ ít hơn để các DN thích nghi dần với môi trường, tự mình bươn chải, không cần sự giúp đỡ của Nhà nước.
* Ông suy nghĩ gì về việc các ngân hàng cảm thấy khó khăn khi muốn triển khai gói kích cầu thứ hai?
- Cái khó lớn nhất đối với ngân hàng là nếu huy động vốn không được thì cũng không có vốn để cho vay, mà huy động vốn với lãi suất xấp xỉ trần lãi suất cho vay thì ngân hàng cũng không hoạt động nổi. Ngược lại, cho DN vay với mức lãi suất hỗ trợ trần cao hơn thì coi như không hỗ trợ, mà với mức lạm phát 6 - 7% thì không có lý do gì để nâng lãi suất huy động và cho vay lên cao như mức hiện nay, vì lãi suất thực dương như vậy là quá cao. Chính vì vậy, phải kết hợp một cách khôn khéo chính sách tiền tệ, tài khóa, không phải đơn thuần hỗ trợ vài % trong khoản vay của DN, mà phải có quyết sách trong cung ứng tiền để làm cho nền kinh tế lưu thông một cách suôn sẻ, không có áp lực căng thẳng về thanh khoản, nhất là thị trường liên ngân hàng; thị trường mở phải được tạo điều kiện hơn nữa và do đó, giúp ngân hàng có thể huy động vốn ở mức lãi suất hợp lý để cho vay.