Không bông hồng nào không có gai

15/04/2013 09:45

Đó là nhận xét của TS. Lê Đăng Doanh về tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương đối với Việt Nam.

Không bông hồng nào không có gai

Đó là nhận xét của TS. Lê Đăng Doanh về tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đối với Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

"GDP Việt Nam sẽ tăng thêm 26,2 tỉ USD từ lúc TPP được ký kết (dự kiến vào cuối năm nay) cho đến năm 2025. Nếu Nhật tham gia, con số gia tăng sẽ là 35,7 tỉ USD”. Đó là nhận xét của Giáo sư Peter A. Petri, Đại học Brandeis (Mỹ), về lợi ích của việc gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) đối với Việt Nam.

Lợi ích cụ thể từ việc gia nhập là tăng được giá trị xuất khẩu khi các khoản thuế được giảm đáng kể, đặc biệt là đối với các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, thủy sản, nguyên vật liệu chế biến.

Theo ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vật liệu xây dựng Secoin, việc gia nhập TPP sẽ tốt cho công ty ông, vì khi đó thị trường sẽ mở rộng hơn và việc tìm kiếm bạn hàng sẽ dễ dàng hơn. Ông cũng cho rằng mức độ cạnh tranh gay gắt hơn khi gia nhập TPP sẽ giúp loại bỏ doanh nghiệp yếu kém, làm cho nền kinh tế hiệu quả hơn.

Còn theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, “việc gia nhập TPP sẽ thúc đẩy các cải cách tại Việt Nam”. Một trong những cải cách sẽ là về quyền của người lao động.

Trong TPP, người lao động sẽ được tự do thành lập nghiệp đoàn, tự do thương thảo hợp đồng với chủ sử dụng lao động. Điều này có thể mâu thuẫn với Luật Công đoàn tại Việt Nam, buộc Việt Nam phải điều chỉnh để phù hợp với các cam kết quốc tế.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Là hiệp định thương mại tự do khu vực, giúp việc luân chuyển hàng hóa giữa các nước dễ dàng hơn nhờ hàng rào thuế quan, hạn ngạch nhập khẩu và các biện pháp ưu đãi hàng nội địa được dỡ bỏ.

TPP còn bao gồm các nguyên tắc thống nhất giữa các đối tác về một số vấn đề mới như quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, chi tiêu của Chính phủ, tính minh bạch, doanh nghiệp nhà nước và liên kết chuỗi cung ứng.

11 quốc gia tham gia đàm phán TPP gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Nhật cũng đã bày tỏ ý định tham gia TPP.

Nếu hoàn tất việc đàm phán, TPP sẽ là hiệp định thương mại của một khu vực kinh tế rộng lớn, chiếm tới 40% dân số thế giới và hơn 50% GDP toàn cầu.

Việc đàm phán giữa các nước đã qua 16 vòng. Vòng đàm phán thứ 17 sẽ diễn ra tại Peru vào tháng 5 tới.

Việc gia nhập TPP cũng đòi hỏi các nhà làm chính sách Việt Nam phải hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thu hút được vốn đầu tư nước ngoài. Đó còn là vấn đề xác định các quyền ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước nhằm tuân thủ luật chơi công bằng giữa các doanh nghiệp, thay đổi chính sách chi tiêu của Chính phủ, minh bạch hóa thông tin.

Tuy nhiên, như ông Doanh nhận xét, “không bông hồng nào mà không có gai”, nghĩa là gia nhập TPP có thể mang lại cơ hội nhưng kèm theo là các thách thức.

Quá trình đàm phán thương mại luôn phức tạp và đối với TPP, nó còn phức tạp hơn vì liên quan đến nhiều yếu tố. Theo East Asia Forum, một diễn đàn về chính sách dành cho giới nghiên cứu, các quốc gia tham gia đang gặp nhiều vướng mắc ở một số điểm cốt lõi như quyền sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, thông tin xuyên biên giới, các doanh nghiệp nhà nước và việc tiếp cận thị trường may mặc.

Các nước đang nỗ lực để kết thúc đàm phán trong năm nay. Tuy vậy, việc Nhật bày tỏ ý định tham gia có thể sẽ làm phức tạp thêm quá trình đàm phán. “Nếu Nhật tham gia, việc kết thúc đàm phán có thể sẽ kéo dài sang năm 2014”, ông Doanh nhận định.

Ngay cả việc khai khác được tiềm năng của TPP hay không vẫn còn là dấu hỏi. Lấy ví dụ ngành dệt may. Đây là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng phải nhập đến 75% nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc.

Theo TPP, ngành dệt may chỉ hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu nếu chứng minh được nguồn nguyên liệu đầu vào có xuất xứ từ các nước tham gia TPP. Đây sẽ là thách thức lớn cho ngành dệt may Việt Nam vì Trung Quốc không tham gia TPP.

Trước mắt, ông Doanh cho biết Việt Nam đang lập danh sách các khoản mục nguyên vật liệu dệt may phải nhập từ Trung Quốc và đề nghị Mỹ chấp nhận. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được công bố.

Một thách thức khác là khả năng cạnh tranh. So với các hiệp định thương mại khác, TPP hướng đến việc thiết lập một sân chơi bình đẳng giữa các chủ thể tham gia, không phân biệt nước phát triển hay nước đang phát triển, hoặc doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân.

Điều này khác với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi các nước đang phát triển vẫn còn được hưởng một số ưu đãi trong thời gian đầu.

Ngoài ra, cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn khi cánh cửa vào thị trường nội địa sẽ phải được mở rộng hơn cho đối tác nước ngoài. Và chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam nếu không chuẩn bị trước sẽ bị thua thiệt ngay trên sân nhà.

Bài học WTO vẫn còn đó. Việc gia nhập WTO đã giúp Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư và tạo làn sóng đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước lại ngày càng thụt lùi so với doanh nghiệp nước ngoài.

Theo ông Doanh, năng lực quản lý yếu kém của các nhà làm chính sách cũng góp phần tạo nên kết quả không mấy vui này. Một số quốc gia như Nhật, Hàn Quốc đã rất thành thạo trong việc sử dụng các hàng rào kỹ thuật để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước trước sức ép cạnh tranh từ bên ngoài.

Nhưng Việt Nam chưa thực hiện được điều này, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước lại bị dính vào nhiều vụ kiện tụng chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Theo ông Kỳ, Secoin, doanh nghiệp Việt Nam phải xác định được lợi thế cạnh tranh trên sân chơi TPP. “Việt Nam không thể cạnh tranh với các sản phẩm công nghệ cao như ôtô, tủ lạnh, nhưng chúng ta có thế mạnh riêng như trong ngành nông sản, nguyên vật liệu chế biến”, ông nói. Còn quan điểm của ông Doanh là “để thành công với TPP, Việt Nam cần phải cải cách”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Không bông hồng nào không có gai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO