Khi di sản trở thành gánh nặng

BÍCH HỒNG| 16/05/2013 08:00

Mới đây, những người dân ở làng cổ Đường Lâm đã đồng loạt ký đơn xin trả danh hiệu "Di tích quốc gia" lại cho Nhà nước vì cuộc sống của họ gặp nhiều bức bách với danh hiệu này:

Khi di sản trở thành gánh nặng

Mới đây, những người dân ở làng cổ Đường Lâm đã đồng loạt ký đơn xin trả danh hiệu "Di tích quốc gia" lại cho Nhà nước vì cuộc sống của họ gặp nhiều bức bách với danh hiệu này.

Đọc E-paper

Nhà vườn Phú Mộng

Không được xây dựng, sửa chữa khi nhà cửa dột nát; du lịch phát triển, hàng chục ngàn du khách ghé thăm làng cổ mỗi năm nhưng người dân không được chia sẻ chút quyền lợi nào.

Chúng tôi còn nhớ không khí thanh vắng kỳ lạ vào một buổi sáng giáp Tết Quý Tỵ ở Đường Lâm. Đường làng vắng tanh, những ngôi nhà cổ cửa khép hờ, tuyệt nhiên không nghe thấy tiếng nói cười.

Ông chủ ngôi nhà cổ đẹp nhất làng cho biết, vì quy định không cho xây dựng, nhiều gia đình có bốn cặp vợ chồng phải ở trong ngôi nhà ba gian chỉ rộng 100m2, bất tiện, khổ sở. Thế nên, những người trẻ bỏ làng ra phố thuê nhà, đi làm kiếm sống.

Lá đơn nói trên của người Đường Lâm chỉ khẳng định hồi kết "vỡ mộng" làm du lịch. Nó làm khách nhớ về một bà cụ ngồi bán kẹo bột và chè xanh ở sân đình Mông Phụ, buồn bã và bế tắc. Nó cho một ví dụ điển hình về lữ hành uống nước đến tận cặn, lấy tiền xổi và không biết chia sẻ quyền lợi để đảm bảo môi trường làm ăn bền vững.

Đưa khách đến tham quan một ngôi làng cổ hàng ngàn năm tuổi chỉ mất tiền vé vài chục ngàn đồng/chuyến xe, rồi dẫn khách đi nơi khác ăn uống, sử dụng dịch vụ để có hoa hồng cao.

Và người Đường Lâm cũng muốn chối từ di sản kiến trúc đặc biệt kia để có thể xây những ngôi nhà mới phù hợp với điều kiện sống đang thay đổi từng ngày.

Chuyện ở Đường Lâm không mấy khác chuyện ở một ngôi làng mang cái tên nên thơ "Phú Mộng thôn", đó là làng Kim Long, xứ Huế. Bây giờ khách đến thăm nơi này hay gọi đùa là "thôn vỡ mộng" để chỉ đích danh sự vỡ mộng ở cả hai phía, người dân làng Kim Long và du khách.

Những khu vườn xanh um ở Phú Mộng năm xưa, những phủ đệ cũ đã bị cắt nát, chia năm xẻ bảy bằng những hàng rào hoặc những ngôi nhà mới.

Thậm chí, có những ngôi nhà ba, bốn tầng hiện đại với những lối kiến trúc kỳ dị, phản cảm được xây lên ngay giữa làng. Người dân vỡ mộng làm kinh tế du lịch, cắn răng xẻ vườn bán đất chia tiền cho con cái đi nơi khác làm ăn.

Phú Mộng thôn trông càng bệ rạc hơn những năm trước khi đường làng đầy cỏ rác, những quán bánh, quán cà phê tạm bợ, nghèo nàn không đủ sức kéo khách ghé vào.

Ông Lê Chánh Tuấn, người giữ nhà thờ Tả quân Lê Văn Duyệt, kể: "Mỗi năm có hàng trăm đoàn khách đến đây, họ xộc vào nhà thờ của gia đình, ngó nghiêng khắp nơi, thậm chí cả đến lời chào hỏi chủ nhà cũng không có. Các công ty lữ hành thì đòi hỏi chúng tôi phải đầu tư sửa chữa nhà thờ, vườn tược, mở dịch vụ cao cấp thì họ mới chia sẻ chi phí.

Hàng chục năm qua chúng tôi cứ ngồi đó giữ di tích cho ngành văn hóa, tiếp khách hộ ngành du lịch, nhưng người dân là chủ nhân đích thực của di tích thì không được gì, chỉ mất thời gian".

Với sự nghiêm ngặt của các quy định về bảo tồn, những người dân Đường Lâm không đủ kinh phí để trùng tu nhà cổ bằng các loại vật liệu đắt tiền như gỗ, ngói cổ, hoặc mời chuyên gia về tư vấn trong quá trình sửa chữa.

Người dân ở Kim Long thì tìm đủ mọi cách để "vượt rào", xẻ vườn cắt đất bán trong cơn sốt bất động sản cách đây ba năm, làm cho toàn cảnh ngôi làng bị biến dạng, những ngôi nhà các quan triều Nguyễn để lại hoặc trong tình trạng cũ nát, hoặc bị cơi nới, sửa chữa bất chấp lệnh cấm của chính quyền sở tại.

Quá khứ lịch sử, văn hóa, kiến trúc ông bà để lại rất có giá trị, nhưng có thể sẽ mãi mãi là gánh nặng cho người làng Đường Lâm, Phú Mộng, nếu những nơi này cứ kéo dài tình trạng chính quyền không có được tầm nhìn về phát triển như người Hội An đã gìn giữ và làm du lịch với di sản văn hóa được kế thừa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi di sản trở thành gánh nặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO