Huế "dịu dàng pha lẫn trầm tư"

NGUYỄN VĂN TOÀN| 14/10/2016 06:36

Trong một chiều bâng khuâng bên dòng Hương Giang, nếu du khách bất chợt bắt gặp một tà áo tím, một mái tóc thề, một tiếng "dạ” ngọt lịm, hẳn không khỏi nhớ nhung khi xa Huế - xứ sở của những cô gái "dịu dàng pha lẫn trầm tư”.

Huế

Trong một chiều bâng khuâng bên dòng Hương Giang, nếu du khách bất chợt bắt gặp một tà áo tím, một mái tóc thề, một tiếng "dạ” ngọt lịm, hẳn không khỏi nhớ nhung khi xa Huế - xứ sở của những cô gái "dịu dàng pha lẫn trầm tư". 

Đọc E-paper

1. Kim Long trước đây là đất Hà Khê - nơi được đánh giá là một trong những vùng địa linh nhân kiệt của Việt Nam, bởi con trai ắt hẳn là thân anh hùng, con gái thì nết na, xinh đẹp.

Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm trấn thủ xứ Thuận Hóa, ông đã đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho cơ nghiệp lâu dài của dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần ngược sông Hương, ông thấy một ngọn đồi có tên Hà Khê nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng quay đầu nhìn lại.

Người dân địa phương cho biết, nơi đây ban đêm thường có một bà lão mặc áo đỏ quần lục xuất hiện trên đồi, nói với mọi người: "Rồi đây sẽ có một vị chân chúa đến lập chùa để tụ linh khí, làm bền long mạch, cho nước Nam hùng mạnh". Nguyễn Hoàng cả mừng, vào năm 1601 đã cho dựng một ngôi chùa trên đồi, ngoảnh mặt ra sông Hương, đặt tên là Thiên Mụ.

Dưới thời các chúa Phúc Lan, Phúc Tần, Kim Long trở thành thủ phủ của chúa Nguyễn, và là nơi phồn hoa đô hội bậc nhất Đàng Trong. Năm mươi năm sau, khi nhà Nguyễn Phúc Trân đưa gia quyến về Phú Xuân (1687) để tránh lũ lụt, Kim Long trở thành nơi người trong hoàng tộc, các gia đình quan lại lập nhà thờ, nhà vườn. Chỉ tính riêng ở thôn Phú Mộng hiện nay còn gần như nguyên vẹn 60 ngôi nhà rường cổ là vì thế.

Lớn lên trong những gia đình danh gia vọng tộc, biết làm nghề thủ công truyền thống, như dệt lụa, uống được thứ nước nguồn sông Hương trong vắt, lại ngày ngày nép mình dưới tán cây trái xum xuê bên trong những khu nhà vườn im mát, con gái Kim Long trắng trẻo, nuột nà.

Con gái Kim Long xưa và nay đều có dáng người mảnh khảnh, mái tóc thề ôm trọn bờ vai, đôi mắt đen to tròn, ánh nhìn đa tình nhưng lại phảng phất nét lạnh lùng.

Tóc con gái Huế thường buông xõa tự nhiên, phủ xuống bờ vai, xuống lưng và nhiều người tóc còn rũ xuống gót chân. Khi đã có người thương, mái tóc thề của con gái Huế nói lên sự thủy chung "một lòng một dạ", không có "ý chi" với ai khác nữa.

Giọng nói của những cô gái Kim Long nhỏ nhẹ, dễ thương, điển hình cho âm giọng trọng tình cảm của người Huế. Một nhà thơ đã viết một cách hình tượng "Em ơi giọng Huế có chi / Mà trong hoa nắng thầm thì cơn mưa" chính là muốn nói đến giọng nói của những cô gái Kim Long đài các, diễm lệ, e ấp. Thậm chí, chỉ một tiếng "dạ" của cô gái Kim Long thôi cũng đủ mê say lòng người.

Đã hơn 100 năm qua nhưng giai thoại về vua Thành Thái cải trang thành một người bách tính liều mình lên Kim Long tìm quý phi vẫn được người dân xứ Huế nhắc đến. Người đời kể lại rằng, vào một ngày xuân, vua Thành Thái vi hành lên Kim Long kiếm tìm khắp nơi vẫn chẳng gặp cô gái nào vừa ý, đành thuê một chiếc đò ra về.

Đò vừa ghé vào, mới bước lên, nhà vua trông thấy cô lái đò đôi má ửng hồng rất có duyên. Lòng xao xuyến, mê mẩn, vua liền hỏi: "Nì, o tê! O có muốn lấy vua không?". Cô lái đò nhìn ông khách lạ, thỏ thẻ nói: "Đừng có bậy bạ mà họ lấy đầu chừ!". Lại càng thấy đáng yêu hơn, vua dấn tới: "Tui nói thiệt đó, o có muốn lấy vua thì tui làm mối cho". Câu chuyện còn dài nữa nhưng kết cục thì ai cũng rõ, cô gái lái đò Kim Long kia đã vô Nội, làm quý phi cho ông vua yêu nước chống Pháp.

Chính vì yêu nước, vua Thành Thái đã lập ra một đội nữ binh đặc biệt, khoảng 200 người, đa số là những cô gái Kim Long mỹ miều nhằm che mắt Pháp (đánh lạc hướng giặc rằng mình cũng là một vị vua mê sắc dục) để mưu đại sự. Việc tuyển mộ và huấn luyện được tổ chức hết sức bí mật.

Nhà vua cho lính cận vệ thân tín đến tiếp xúc với những cô gái Kim Long và gia đình, nếu được chấp thuận, vua cho "dàn cảnh" bắt cóc, bằng cách hẹn ngày giờ và địa điểm gặp gỡ, rồi lính cận vệ, hoặc chính nhà vua đem xe song mã đưa vào cung cấm.

Để bảo mật, các cô gái bị "bắt cóc" thường được đưa vào Tử Cấm Thành bằng cửa Hữu của Thành nội, gần làng Kim Long, vì con đường chạy dọc bên ngoài Hoàng thành dẫn đến cửa Hữu rất vắng vẻ vào ban đêm, hai bên đường lại không có nhà cửa của dân. Bởi thế dân gian lan truyền câu ca: "Kim Long có gái mỹ miều / Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi".

Các cô gái Kim Long được làm vợ vua khá đông. Chẳng hạn, Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ có 3 con gái, cô nào cũng rất xinh đẹp, một gả cho vua Đồng Khánh, một gả cho em vua Hàm Nghi, còn người con gái út Nguyễn Hữu Thị Nga rất mỹ miều nên vua Thành Thái hay đi xe song mã đến nhà chơi. Sau này, bà Nga cũng được vua Thành Thái đưa vào cung, phong làm huyền phi, sinh hạ được 2 người con.

Hiện nay Kim Long vẫn còn lưu dấu tích tên xóm Cồn Súng, Thượng Dinh, Trung Dinh, Hạ Dinh hay Nghinh Xuân - nơi ở của cung tần mỹ nữ một thời. Kim Long cũng là nơi tập trung hầu hết các phủ đệ của họ hàng bên vợ các vua nhà Nguyễn, như phủ Đức Quốc Công Từ, phủ Vĩnh Quốc Công...

Ảnh: internet

2. Năm 1917, ngay tại kinh đô Huế, trường Đồng Khánh, ngôi trường nữ đầu tiên của 13 tỉnh Trung kỳ được xây dựng. Những tiểu thư khuê các từ các vùng Đập Đá, Nam Giao, Bến Ngự, Đông Ba, Vĩ Dạ, Kim Long... của Huế nhân dịp này đã bước ra khỏi chốn "màn che trướng rủ", trở thành những nữ sinh Đồng Khánh duyên dáng trong chiếc áo dài tím - đồng phục quy định của trường.

Từ xưa, chiếc áo dài là trang phục gắn bó với truyền thống văn hóa của đất Thần kinh. Hình ảnh tà áo dài đã trở thành biểu tượng của người con gái Huế. Trong chiếc áo dài tím, nữ sinh Đồng Khánh càng có ý thức giữ gìn đức hạnh. Trong tà áo dài, ai cũng buộc phải khép nép, chỉ có thể ngồi thẳng, bước ngắn, đánh nhẹ tay...

Bên cạnh chiếc áo dài, chiếc nón lá, đôi guốc mộc cũng là bạn đồng hành thân thiết của nữ sinh Đồng Khánh. Chiếc nón không chỉ che mưa che nắng mà còn góp phần làm tăng thêm nét duyên dáng của phụ nữ Huế.

Vì thế mà các chàng trai nếu nhìn thấy một cô gái Huế đội nón lá thì ai cũng ước thầm: "Nón nghiêng, bóng nắng dáng thơ ngây / Gặp anh nón hỡi đừng nghiêng xuống". Đôi guốc mộc thì càng làm cho nữ sinh Đồng Khánh thêm duyên dáng, uyển chuyển: "Em đi gót nhẹ xanh hồn cỏ / Và hơi thở mềm sương khói bay". Đến nay, trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca "Học trò xứ Quảng ra thi / Thấy cô gái Huế chân đi không rời" là vì thế.

3. Sau nữ sinh Đồng Khánh (giờ là Trường Trung học phổ thông Hai Bà Trưng), năm 1957 có thêm nữ sinh viên Đại học Huế. Thế hệ nào Đại học Huế cũng có những giai nhân.

Giai nhân thì tất nhiên có không ít người mê. Một người đẹp có hàng chục người "bước theo gót hài" là chuyện bình thường. Bởi thế, muốn "cưa đổ" các nàng, các chàng phải thuộc lòng sở thích và quan điểm sống của họ, phải "trường kỳ mai phục" với quyết tâm cao độ thì họa may mấy cô mới để mắt đến.

Hiện nay, cuộc thi Miss Đại học Huế đã được tổ chức thường niên và khá chuyên nghiệp. Dĩ nhiên, những cô sinh viên tham dự Miss Đại học Huế ai nấy đều xinh đẹp, giỏi giang.

Chẳng hạn, sinh viên Nguyễn Thị Như Ý đã giành vương miện Hoa khôi Miss Đại học Huế với câu trả lời thông minh trong phần thi ứng xử: "So với sinh viên trên toàn quốc thì sinh viên Huế có nét khác biệt là được nuôi dưỡng trong nền văn hóa Huế. Vẻ đẹp duyên dáng của sinh viên Huế được thể hiện trong tính cách vốn là phẩm chất của con người sống trên đất Cố đô”.

Ở Huế, đa phần người dân quan niệm sự kín đáo, khép nép của phụ nữ phải là mọi nơi, mọi lúc. Do đó, trong nhiều cuộc thi sắc đẹp, vẻ đẹp mỹ miều, thơ ngây của những cô gái Huế ít khi xuất hiện.

Nhưng với làn sóng hội nhập văn hóa, những cô gái Huế đã bắt đầu bước vào "vũ đài" tôn vinh sắc đẹp và kết quả đã khiến cho cả nước kinh ngạc trước vẻ đẹp của các cô gái xứ Huế, như Tôn Nữ Na Uy - cháu đời thứ 12, hệ nhất, dòng dõi chúa Nguyễn Kim, sinh viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Huế đã đi thi Hoa hậu Việt Nam, dù không giành được vị trí cao nhất nhưng đã khiến cho cả nước biết thêm về vẻ đẹp của xứ Huế mộng mơ...

>Một mai Đất Mũi không còn...

>Về Kinh Bắc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Huế "dịu dàng pha lẫn trầm tư"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO