Hai điểm tựa

ĐAN KHANH| 17/02/2012 07:46

Khi nói về điểm tựa của mình, chị Trương Thị Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty đào tạo nghề Trương Anh, cho biết: “Đó là ba mẹ và ông xã cùng các con. Cứ về nhà, dù với gia đình lớn hay gia đình nhỏ là tôi cảm thấy rất bình yên, như trút bỏ được hết mọi lo toan, mệt mỏi...”.

Hai điểm tựa

Khi nói về điểm tựa của mình, chị Trương Thị Ngọc Ánh, Giám đốc Công ty đào tạo nghề Trương Anh, cho biết: “Đó là ba mẹ và ông xã cùng các con. Cứ về nhà, dù với gia đình lớn hay gia đình nhỏ là tôi cảm thấy rất bình yên, như trút bỏ được hết mọi lo toan, mệt mỏi...”.

Bài học từ ba mẹ

Ba mẹ - điểm tựa lớn của chị Ngọc Ánh

Ngồi trên xe hơi chạy từ Trà Vinh về lại TP.HCM, chị Ngọc Ánh cứ tủm tỉm cười hoài khi nghĩ lại cảnh ba và má mình gặp lại nhau, sau mấy tuần bà phải nằm viện phẫu thuật gãy xương đùi.

Khi má chị - một bà cụ 85 tuổi bước vào trong căn nhà quen thuộc, ba chị - một ông lão 86 tuổi lụm khụm bước tới, lặng lẽ nắm lấy bàn tay da bọc xương của vợ.

Chị nghe tiếng bà nũng nịu:“Em đi nằm viện ít bữa, ở nhà anh có nhớ em không?”. Ông cười móm mém gật đầu, nắn nhẹ tay bà lão. Từ giây phút đó, hai ông bà dính nhau như đôi sam, quấn quýt không rời.

Người ngoài chắc sẽ ngạc nhiên lắm, bởi tiếng xưng hô “anh” và “em” vẫn ngọt giữa hai người đã quá già. Nhưng với bầy con cháu của ông bà thì đấy là chuyện quá đỗi bình thường, khi hơn nửa thế kỷ rồi họ vẫn nghe ba mẹ, ông bà của mình xưng hô và biểu lộ tình cảm với nhau... tự nhiên như thế.

Chị Ngọc Ánh tâm sự: “Trừ những ngày ba hay má bệnh phải đi nằm viện ít ngày, còn thì suốt hơn nửa thế kỷ qua, họ chưa bao giờ xa nhau quá một tháng, đối xử với nhau lúc nào cũng tình cảm lắm, cứ như tình nhân vậy”.

Ba chị Ngọc Ánh là nông dân “gộc” ở Trà Vinh, quanh năm bám ruộng, bám vườn. Còn mẹ chị ở nhà làm nội trợ, chăm sóc bầy con 9 đứa cả trai lẫn gái “trứng vịt trứng gà”.

Chị kể: “Vừa chăm bầy con, má còn nhận nấu tiệc cưới ở quê, bận rộn là thế nhưng bà chưa bao giờ quên chăm sóc cho ba. Từ khi tôi còn nhỏ cho đến bây giờ, trong bữa ăn má luôn gắp đồ cho ba đi kèm một câu nói ngọt lịm: “Anh ăn giùm em”.

Giờ má bệnh, ba lại là người chăm cho bà mỗi bữa ăn. “Chưa bao giờ chị em chúng tôi chứng kiến ba mẹ to tiếng hay cãi vã nhau trước mặt mình.

Có lần tôi hỏi, má bảo cũng nhiều khi giận dỗi, nhưng chỉ là gió thoảng mưa bay, một câu nhịn là chín câu lành!” - kể chuyện “vợ chồng tương kính như tân” của ba mẹ mình, chị Ngọc Ánh chỉ tâm niệm rằng: “Tôi thấy trong xã hội thời hiện đại, nhiều khi hạnh phúc gia đình và tình yêu đôi lứa rất khó vững bền...

Sự gắn bó, cách đối xử của những đôi vợ chồng như ba má tôi thực sự là gương soi để con cháu nhìn vào mà học tập”.

Khi người cha là trụ cột vững chãi, người mẹ vén khéo cho hạnh phúc thì chắc chắc không khí gia đình luôn đầm ấm, hòa thuận. Và lớn lên trong một gia đình như thế, những người con chắc chắn có được một điểm tựa vững vàng khi bước vào đời.

Chín anh chị em của chị Ngọc Ánh nay đều trưởng thành, người sống ở nước ngoài, người sống ở TP.HCM, người sống ở Cần Thơ..., dù sống xa hay gần mái nhà chung thì cuối tuần, ngày lễ, tết hay khi cha mẹ đau bệnh... họ đều tụ về đông đủ.

Riêng chị Ngọc Ánh thì cuối tuần nào cũng từ TP.HCM đi xe về Trà Vinh để tự tay bấm huyệt trị bệnh liệt nửa người cho ba má mình.

Gia đình là điểm tựa yêu thương

Chị Ngọc Ánh cùng "điểm tựa yêu thương"...

Từ Trà Vinh, chị Ngọc Ánh lên Sài Gòn lập nghiệp. Đam mê ngành massage trị liệu, chị bỏ công sức ra đi học nghề và năm 1997 thành lập cơ sở đầu tiên với tên gọi “Phòng chuẩn trị y học dân tộc”.

Ban đầu hoạt động của cơ sở rất khó khăn, vốn liếng cứ teo tóp dần bởi ngày ấy quan niệm về nghề massage vẫn còn rất nhạy cảm. May mắn nhờ sự động viên rất lớn của ba mẹ và đại gia đình dưới quê, và sự giúp đỡ về kinh phí của một người bạn trai mà chị Ngọc Ánh đã vượt qua.

Đến nay, hệ thống Ngọc Anh Spa của chị đã có gần 300 nhân viên và 5 chi nhánh nằm trong khu vực trung tâm TP.HCM. Người bạn trai từng là “điểm tựa” cho chị ngày ấy là một doanh nhân Nhật Bản sang Việt Nam lập nghiệp, sau này đã thành ông xã của chị.

Gia đình theo đạo Công giáo, ba mẹ chị luôn muốn con kết hôn với người cùng đạo. Khi đưa người yêu về ra mắt, chị rất lo ba mẹ sẽ không đồng ý. Nhưng tiếp xúc thấy anh chàng người Nhật hiền lành, thân thiện, yêu con gái chân thành thì ba mẹ chị đã bằng lòng.

Ngày chị lên xe hoa, mẹ chỉ dặn một câu: “Trong gia đình, người chồng là trụ cột, nên người vợ dù thành đạt tới đâu cũng phải làm tròn bổn phận người vợ, người mẹ”. Nhập gia tuỳ tục, dù nói tiếng Anh khá tốt nhưng chị Ngọc Ánh vẫn học tiếng Nhật rồi học cả văn hóa lễ nghi, học nấu một số món ăn Nhật.

Hàng năm, dù bận rộn đến đâu thì chị Ngọc Ánh vẫn thu xếp đủ thời gian để vợ chồng và hai đứa con về thăm gia đình của anh bên Nhật. Ngày trước, chứng kiến mẹ chăm chút cho bà nội thế nào thì nay chị Ngọc Ánh học theo đó để làm tròn bổn phận dâu con với nhà chồng.

Sang Nhật, chị thường xuyên vào bếp nấu các món ăn Việt Nam mời gia đình chồng thưởng thức... Ông xã của chị cũng chịu khó học và nói tiếng Việt. Sự tương đồng về ngôn ngữ đã giúp anh chị hiểu nhau, cùng chia sẻ về công việc cũng như cuộc sống hàng ngày.

Từ một người kinh doanh ngành may mặc, anh đã nghỉ hẳn nghề cũ, chuyển sang giúp vợ điều hành hoạt động của chuỗi Ngọc Anh spa. Và những năm qua, ông xã thực sự là điểm tựa lớn thứ 2 đối với chị.

Chị Ngọc Ánh đúc kết: “Bao nhiêu năm nay ngẫm lời má dặn, tôi thấy rất thấm thía. Người phụ nữ chỉ có thể thành công và tiến xa hơn trong sự nghiệp khi có được một gia đình hạnh phúc với người chồng và những đứa con là điểm tựa yêu thương, và bình an cho mình. Tôi thật may mắn khi có được điểm tựa vững chãi từ gia đình lớn và gia đình nhỏ của mình!”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hai điểm tựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO