Giáo dục sự xấu hổ hay phải áp chế tài?

ANH THƯ| 23/11/2010 06:14

Với chủ đề “Khôi phục lòng tin: Hành động toàn cầu vì sự minh bạch”, Hội nghị chống tham nhũng quốc tế đang diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) chú trọng tới nội dung thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình như những phương thuốc hữu hiệu chống tham nhũng.

Giáo dục sự xấu hổ hay phải áp chế tài?

Với chủ đề “Khôi phục lòng tin: Hành động toàn cầu vì sự minh bạch”, Hội nghị chống tham nhũng quốc tế đang diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) chú trọng tới nội dung thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình như những phương thuốc hữu hiệu chống tham nhũng.

Về vấn đề này, nước chủ nhà có sáng kiến thành lập liên minh chống tham nhũng. Theo đó, Hiệp hội các giám đốc Thái Lan (IOD) thành lập Ủy ban Chống tham nhũng trong bối cảnh tham nhũng đang có nguy cơ tăng mạnh trong các doanh nghiệp.

Liên minh chống tham nhũng quy tụ 27 tập đoàn lớn của Thái Lan, nhằm báo động cho xã hội hiểu rõ tính cạnh tranh quốc gia đang ngày càng suy giảm do tham nhũng cả ở trong lĩnh vực công lẫn tư. Họ đang thực hiện biện pháp giáo dục sự xấu hổ trong xã hội.

Thúc đẩy minh bạch và trách nhiệm giải trình cũng đang là vấn đề mà Quốc hội Việt Nam bàn khi đề cập đến nạn tham nhũng. “Nước muốn trong thì đầu nguồn phải sạch”, “nhà dột từ nóc”, tức muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì cán bộ cấp trên phải trong sạch, gương mẫu...

Tất nhiên, tham nhũng chỉ là căn bệnh truyền nhiễm ở giới có quyền lực, nhưng tỷ lệ các quan tham trong thời gian qua là con số đáng lo ngại. Tổ chức minh bạch quốc tế (TI) đã công bố chỉ số cảm nhận tham nhũng 2010 (CPI).

Việt Nam xếp hạng 116/178 quốc gia và vùng lãnh thổ, với điểm số 2,7/10. Nếu so sánh trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam ở vị trí trung bình.

Trong đó, các quốc gia “sạch” hơn Việt Nam là Singapore (hạng 1), Brunei (hạng 38), Malaysia (hạng 56), Thái Lan (78) và Indonesia (110). Như vậy, Việt Nam tăng hạng, nhưng không “sạch” hơn khi so với các nước trong khu vực.

Cũng theo cơ quan công tố, từ cuối năm 2007 đến tháng 8/2010, cơ quan điều tra haicấp đã thụ lý 89 vụ, 178 khởi tố bị can về cáctội tham nhũng (VKSND Tối cao ủy quyền thực hành quyền công tố, kiểm tra xét xử 10 vụ với 43 bị can).

Trong đó, một bị can nguyên là thứ trưởng, một nguyên là phó vụ trưởng, một nguyên là bí thư quận, 8 bị can nguyên là chủ tịch, phó chủ tịch UBND các cấp, 19 người nguyên là giám đốc, phó giám đốc sở, ngành...

Về trình độ học vấn, nhóm tội phạm về tham nhũng có hơn 40% từ đại học trở lên, hơn 50% có trình độ PTTH... Viện Kiểm sát Nhân dân TP.HCM cho rằng, tội phạm này thường tập trung nhiều ở các lĩnh vực như: quản lý sử dụng đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao thông, tài chính, ngân hàng, thương mại...

Có quan chức chống tham nhũng nhận định rằng “tham nhũng ở ta là tham nhũng vặt”. Thế nhưng, Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương đang theo dõi chỉ đạo 11 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp gồm: vụ đưa và nhận hối lộ tại dự án đại lộ Đông Tây, vụ nhận hối lộ tại ngân hàng BIDV, vụ xây dựng tượng đài chiến thắng Điện Biên; vụ Công ty Securency hối lộ Công ty CFTD của VN trong việc cung cấp chất in nền tiền polymer; vụ công ty Mỹ hối lộ quan chức VN...

Các vụ hối lộ xuyên quốc gia ngày càng nhiều, quan chức chính phủ của các nước đang phát triển là bên nhận hối lộ, còn các công ty của các nước phát triển là bên đưa hối lộ để lấy được những hợp đồng, dự án quan trọng. Có thể nói, các vụ án tham nhũng ngày càng phức tạp và tinh vi hơn.

Những vụ việc này cho thấy, tham nhũng cấp độ ngày càng lớn và tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn. Không chỉ là vòi vĩnh đơn thuần, quan tham hiện nay có thể bỏ túi riêng cả triệu USD, bất chấp cả những dự án quốc gia hoặc biểu tượng của quốc gia.

Nếu gọi tham nhũng này là “vặt” thì hoặc là thiếu cảnh giác, hoặc là quá lơ là với nhiệm vụ của cơ quan chống tham nhũng. Tổng đầu tư xã hội ở nước ta khoảng 35% GDP (17-18 tỷ USD).

Trong đó, chi tiêu nhà nước chiếm hơn 50% (khoảng 10 tỉ USD). Nếu để thất thoát khoảng 25% lượng vốn này thì nó tương đương 4-5% GDP, cũng có thể hiểu thất thoát ấy sẽ kéo tụt tốc độ tăng GDP xuống từ 4-5%!

Chúng ta nói rất nhiều về minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhưng đó là với những con người còn có lòng tự trọng. Còn với những đối tượng không còn biết xấu hổ, điều gì sẽ xảy ra nếu không chỉ khối tư nhân dính vào tham nhũng, mà cả các tổ chức xã hội cũng tham nhũng?

Làm quan chức là gắn với quyền lực, mà quyền lực có thể chi phối được quyền phân phối lợi ích. Vì vậy, nếu không được kiểm soát thì quyền lực sẽ chỉ đem lại lợi ích cho riêng người sở hữu nó, và biến tướng thành tham nhũng. Chế tài là cách duy nhất để quan chức không lạm dụng quyền lực cá nhân, thực hiện đúng trách nhiệm được giao.

Ở ta, cho đến nay, có quy định trách nhiệm, nhưng chế tài chưa rõ. Báo chí từng đưa tin nhiều vụ chủ tịch tỉnh sai phạm hàng chục tỷ đồng nhưng chỉ bị khiển trách, vẫn cho tại chức. Hay như Vinashin, thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa truy ra trách
nhiệm…

Các chế tài xử lý cán bộ sai phạm cần phải được pháp chế hóa cụ thể. Giám sát cũng cần phải tăng cường. Và phải tạo ra cơ chế các cơ quan có quyền giám sát cũng bị giám sát. Nghĩa là, phải có cơ chế trách nhiệm của người đứng đầu.

Hiện nay, ngay cả cơ quan quyền lực cao nhất là Quốc hội cũng vẫn hoạt động theo kiểu “bấm nút vô danh”, không có trách nhiệm của cá nhân trong những quyết sách cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giáo dục sự xấu hổ hay phải áp chế tài?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO