Du lịch Hội An không còn ảo tưởng

BÍCH HỒNG| 04/07/2014 07:02

Trong bối cảnh biến động nhiều tới mức du khách cả thế giới đều cân nhắc trước mỗi chuyến du lịch...

Du lịch Hội An không còn ảo tưởng

Trong bối cảnh biến động nhiều tới mức du khách cả thế giới đều cân nhắc trước mỗi chuyến du lịch, Hội An cũng nhận ra thời kỳ sống khỏe, sống phong lưu với những tài nguyên di sản kiến trúc, văn hóa của tiền nhân để lại đã bắt đầu qua đi.

Đọc E-paper

Môi trường xuống cấp

Sự lo lắng, hoảng hốt phát ra đầu tiên từ các doanh nghiệp làm dịch vụ trước việc 50% số lượt khách không sử dụng dịch vụ tại chỗ khiến họ phải có một cuộc mổ xẻ nhìn đúng vào bản chất của một nền du lịch chưa hề chuyên nghiệp. Ông chủ của chuỗi nhà hàng - khách sạn Vĩnh Hưng nổi tiếng Hội An kể rằng, vào một buổi tối mát trời, dạo bước dưới chân cầu Cẩm Nam thì bỗng nghe một tiếng "bùm" khủng khiếp.

Ông cùng nhiều người lao đến nơi phát nổ và nhanh chóng nhận ra đấy là một túi rác khổng lồ do một ai đó đứng trên cầu vứt xuống khi con nước ròng đã vét tới nửa con sông Hoài. Chỉ một lát sau, nước lớn từ biển tràn vào sẽ đưa túi rác đã xổ tung trôi ngược về hướng cầu An Hội, và sẽ trôi tới tận chân Chùa Cầu.

Một điều kỳ lạ là lối sinh hoạt không văn minh chút nào như thế đã hiện diện trong các khu phố cổ từ hàng chục năm rồi. Đêm khuya, khi các cửa hàng đã đóng cửa, những túi rác lại được mang ra đặt dọc lòng đường và dĩ nhiên là chúng sẽ ở đó cho tới quá nửa đêm, khi đội vệ sinh bắt đầu một ngày làm việc. Hầu như không ai ở Hội An nhận ra rằng vào giờ đó du khách nước ngoài vẫn đang tràn ngập các khu phố cổ.

"Hái quả nhưng cứ bỏ mặc cây" là hình ảnh ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND Thành phố Hội An, ví von về tình trạng khai thác dịch vụ du lịch ở đây. "Tôi đã nhắc bao nhiêu lần rồi, lặt bớt mấy cái bẹ khô đi, siêng năng làm vệ sinh cho nó đi, những hàng dừa lúc nào nhìn cũng xanh tươi, gọn gàng thì khung cảnh xung quanh mới thơ mộng, quyến rũ”.

Ông Giảng kể tiếp: "Tôi hỏi ông chủ quán nước ở bãi Bìm (xã đảo Cù lao Chàm) là có công nhận nước dừa của ông ngọt lịm không? Có thấy cơm dừa trắng nõn không? Sao mà ông đổ cả đống xi măng, gạch đá lên gốc cây, bít hết cả rễ cây, không cho nó thở chỉ vì muốn tăng thêm chút mặt bằng kinh doanh? Chắc là dừa đấy không phải do ông trồng nên ông không thương nó, đúng không?".

Đó là câu chuyện rất gần với văn hóa kinh doanh, gần hơn nữa là hệ quả của việc được hái quá nhiều trái ngọt có sẵn, dễ dàng tới nỗi lâu dần mất luôn thói quen giữ gìn cho trái ngọt không bị thoái hóa trở thành quả chua, quả đắng.

Hơn mười năm trước trong khi du lịch Hội An rầm rập ngày đêm với các loại sản phẩm ăn theo di sản phố cổ, du lịch Hội An tự hào về quá trình gìn giữ di sản, nếp sống thuần hậu, thân thiện trong kinh doanh, sự tử tế bất biến trước những đổi thay chóng mặt vì lượng khách quốc tế đổ xô đến, đem theo sự va đập dữ dội đa văn hóa.

Có ai đó vẫn còn nhớ tiếc bà chủ một quán ăn giữa phố cổ đã hết sức cố gắng nấu món này, món khác không có trong thực đơn để đáp ứng cái gu bồi dưỡng sức khỏe của khách sau quãng đường dài.

Và bà luôn dọn đĩa thức ăn "lạ” đó với một nụ cười. Nhưng bây giờ phố cổ đầy rẫy những nhà hàng chuyên biệt hóa với món ăn Nhật, Pháp, Hoa hay chỉ là các món địa phương, mất đi cái tình gia đình thân thiện rất hiếm có của người Hội An xưa, thay vào đó là sự chuyên nghiệp ít tình cảm.

Gần đây đã rộ lên tiếng kêu ca của du khách Việt khi họ bắt gặp thái độ lạnh nhạt, hét giá trên trời của người bán hàng lưu niệm, hay sự lạnh lùng của nhân viên nhà hàng chuyên bán cho Tây. Vài năm trở lại đây, sự thân thiện của người Hội An giảm sút dữ dội. Và du khách cũng phản ứng lại, đỉnh điểm là việc khách không vào phố cổ vì cách làm ăn thiếu chuyên nghiệp qua việc bán vé vào cửa theo lối tận thu từng đồng thiếu hợp lý hồi tháng 4 vừa qua.

Còn một điều khá tế nhị mà các doanh nhân trong ngành du lịch chỉ rỉ tai nhau chứ ít khi đưa ra mổ xẻ trên bàn hội nghị, đó là du lịch Hội An "sa sút vì hoa hồng". Việc chi tiền "hoa hồng" quá cao để cạnh tranh dẫn tới tình trạng giảm chất lượng dịch vụ, sản phẩm ở ngay các doanh nghiệp may đo, bán hàng thời trang, hoặc ở các tiệc buffet nhà hàng.

Gần đây còn xuất hiện việc sao chép, nhái các sản phẩm, dịch vụ cao cấp với giá bán rẻ mạt cũng sẽ "giết chết" các doanh nghiệp làm ăn tử tế! Bản "tự kiểm điểm" nói trên về du lịch Hội An được chính các doanh nghiệp Hội An tự vấn trong một hội nghị "cứu du lịch" do chính quyền tổ chức tại Cù lao Chàm. Người Hội An bắt đầu thừa nhận những điểm yếu, và không quá ảo tưởng về tài nguyên du lịch như vài năm trước!

Hội An phải cạnh tranh với... Đà Nẵng?

Vào các thời điểm du lịch thuận lợi nhất của năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, công suất phòng khách sạn Hội An chỉ đạt trung bình 58%, nhưng ở Đà Nẵng là trên 90% ở các khách sạn 4, 5 sao, trên 60% ở các khách sạn dưới 3 sao.

Cách đây 10 năm, Đà Nẵng bắt đầu kéo những cái máy đãi cát tự chế ra bãi biển với hy vọng bờ cát phẳng phiu, trắng trẻo, mịn màng sẽ giữ chân du khách thêm một buổi nữa. Giờ thì sao, trong khi bãi biển Đà Nẵng đứng ở vị trí hàng đầu thế giới thì suốt dọc bảy cây số Cửa Đại, Hội An, trừ những bãi tắm do các khu du lịch khai thác, các điểm còn lại đầy rác, sỏi đá và dốc đứng.

Xưa giờ khách Bắc Âu chính là thị trường quen thuộc nhất của du lịch Hội An. Trong khu vực thì khách Thái Lan là chủ yếu, gần đây có thêm khách Trung Quốc. Khi kinh tế châu Âu vẫn còn chưa thoát khỏi khủng hoảng, và các cuộc bạo động ở Bangkok vẫn tiếp tục xảy ra, thì khách tới Hội An càng thêm thưa vắng.

"Tại sao không nghĩ tới việc khai thác thị trường nội địa khi mà chúng ta không thể làm gì trước những biến động từng ngày tình hình kinh tế, chính trị của thế giới?", đây là câu hỏi của ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An.

Dĩ nhiên chọn câu hỏi này không hẳn đã là một bước lùi trong cách nghĩ của một nơi đã từng có quá khứ huy hoàng trên thương trường du lịch thế giới như Hội An, nhưng cũng không hẳn là một lựa chọn của người đang ở thế thượng phong.

Điểm đến số 1 của miền Trung ở thời điểm này là Đà Nẵng, từ tham quan, vui chơi giải trí, ẩm thực tới lưu trú. Điều này đã có nhiều tổ chức du lịch thế giới thừa nhận, nhưng sự "đầu hàng" đến từ chính các doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ tại Hội An.

Họ thừa nhận trong hai năm qua, Hội An đã phải cam phận làm vệ tinh cho chính cái nơi đã từng được gọi là vệ tinh của mình, khách nội địa đến miền Trung giờ chỉ ở lại Đà Nẵng. Đơn giản là sản phẩm du lịch ở Hội An đã không còn mới lạ nữa.

Trước đòi hỏi mang tính "chiến lược" đó, Cù lao Chàm nổi lên như là một cứu tinh cho kế hoạch thiết kế một loại hình du lịch không chỉ Hội An mà cả Quảng Nam đã đeo đuổi nhiều năm nay, "du lịch trải nghiệm". Dường như thời điểm cũng đã đến, sang năm thì toàn bộ xã đảo này sẽ được cung cấp điện lưới quốc gia bằng cáp ngầm xuyên biển.

Và một tuyến đường xương sống chạy dọc đảo chính Hòn Lao kéo dài từ bãi Hương lên tới bãi Ông sẽ được đưa vào sử dụng, khiến cho việc kết nối các điểm tham quan, nghỉ ngơi trở nên thuận tiện hơn rất nhiều.

"Không hẳn là chúng tôi chỉ quen ăn sẵn, và chưa từng nghĩ tới việc mở rộng không gian du lịch Hội An, vấn đề là lựa chọn một sự trả giá. Khai thác Cù lao Chàm như thế nào mà vẫn giữ được nó nguyên vẹn là khu dự trữ sinh quyển thế giới là một câu hỏi cực khó mà chúng tôi vẫn đang chờ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cho ý kiến.

Điều quan trọng là giờ đây chúng tôi không còn ảo tưởng nữa, chúng tôi hiểu tự mình phải tạo ra một sản phẩm như thế nào để vài năm sau sẽ nhận được gì, vì không thể trồng một cây chanh để mơ mộng có ngày hái cam", ông Sự nói.

>Hội An: Bài học "Du lịch có trách nhiệm"
>Hội An chống sao chép sản phẩm du lịch
>
Đà Nẵng, Hội An đoạt giải "Phong cảnh thành phố châu Á 2013"
>Hội An, ngẫu hứng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch Hội An không còn ảo tưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO